(thitruongtaichinhtiente.vn) - Lợn Sóc: Lợn Sóc hay Lợn Đê là giống lợn của người Êđê, người M’nông. Giống lợn nhà này phù hợp một số đặc điểm và địa hình của buôn làng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Lợn Sóc hình dáng lưng cong bụng ỏng (hơi giống lợn ỉ), lông dày, da màu mun đốm.
Lợn cỏ
Lợn cỏ (hay còn gọi lợn nít, lợn cắp nách) là giống lợn nuôi bản địa của Việt Nam. Người miền Trung còn gọi chúng là heo cặng, có nghĩa là heo nuôi mãi không lớn. Chúng được nuôi nhiều ở các tỉnh miền Trung.
Đại đa số là lợn lang trắng đen, lông mượt, xương nhỏ, bụng xệ, mõm dài, da mỏng, lông thưa, màu da trắng bợt thể hiện sự yếu ớt, thiếu chất, chậm lớn. Lợn cỏ thuần chủng của dân tộc Mường hơi khác một tí, có lông xù, da dày, tai nhỏ, chân nhỏ và thon gọn. Giống lợn này dễ nuôi, chịu đựng được khí hậu khắc nghiệt, sức đề kháng tốt.
Lợn Mường Khương
Lợn Mường Khương là giống lợn gắn liền với đời sống người H’Mông, được nuôi ở nhiều vùng thuộc tỉnh Lào Cai, nhiều nhất là ở huyện Mường Khương. Đây là một trong ba giống lợn quý ở các tỉnh phía Bắc.
Tầm vóc lớn, bốn chân to cao vững chắc, sức chống chịu tốt với điều kiện chăn thả ở các vùng núi cao là đặc điểm nổi bật của giống lợn này. Lợn có màu sắc lông da đen tuyền hoặc đen có đốm trắng ở đầu đuôi và ở chân, lông thưa và mềm. Đa số lợn có mõm dài thẳng hoặc hơi cong, trán nhăn, tai to hơi cúp rủ về phía trước.
Lợn Táp Ná
Lợn Táp Ná là giống lợn có từ lâu đời, chủ yếu ở huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng, là nguồn gene vật nuôi bản địa quý hiếm. Loài này có màu sắc lông da rất đặc trưng là đen, ngoại trừ 6 điểm trắng giữa trán, 4 cẳng chân và chóp đuôi. Đặc biệt bụng của lợn Táp Ná có màu đen và không có dải yên ngựa màu trắng bắt qua vai như giống lợn khác. Lợn Táp Na rất dễ nuôi vì chúng phàm ăn, chống chịu bệnh tật rất tốt.
Lợn Lũng Pù
Lợn đen Lũng Pù là giống lợn bản địa hiện được chăn nuôi tại 4 huyện trong tỉnh Hà Giang. Chúng là giống lợn quý của người H’Mông, tầm vóc to lớn. Chỉ bằng phương pháp nuôi kham khổ nấu bột ngô cộng lá, rau rừng băm nhỏ. Giống lợn bản địa nuôi 10 đến 12 tháng này đạt trọng lượng 80 đến 90 kg. Lợn có hai kiểu đặc trưng: một loại 4 chân trắng và có đốm trắng ở trán và mõm; một loại đen tuyền.
Lợn ỉ
Lợn ỉ là một giống lợn địa phương ở miền Bắc Việt Nam, nay ít được nuôi vì hiệu quả kinh tế không cao, hiện có nguy cơ bị tuyệt chủng. Giống lợn này có hai loại hình là ỉ mỡ và ỉ pha. Nòi ỉ mỡ bao gồm những con lợn ỉ mà dân gian gọi là ỉ mỡ, ỉ nhăn, ỉ bọ hung. Nòi ỉ pha bao gồm những con mà dân gian gọi là ỉ pha, ỉ bột pha, ỉ sống bương.
Lợn Móng Cái
Lợn Móng Cái là giống lợn có nguồn gốc từ khu vực thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Tổ tiên của loài Lợn Móng Cái cũng là một loại lợn rừng. Xuất xứ từ những con lợn rừng nhiệt đới châu Á, được người dân địa phương đưa về thuần hoá và nuôi tại nhà, từ 150 năm trước đây. Vùng biển với khí hậu trong lành, giàu thức ăn có lẽ là nhân tố quan trọng trong việc tạo ra giống lợn có màu lông đặc thù đen, trắng và hồng tím không có ở nơi khác.
Lợn Khùa
Lợn Khùa là giống lợn bản địa ở miền núi Quảng Bình, phân bổ dọc dãy Trường Sơn, nuôi theo hình thức thả rông tự kiếm ăn. Lợn Khùa có thịt thơm ngon, tỷ lệ nạc cao, thịt mỡ ăn giòn, chắc. Khả năng chống chọi với bệnh tật của giống lợn này cũng cao hơn hẳn so với các giống lợn nhà.
Lợn Mẹo
Lợn Mẹo hay còn gọi là lợn Mèo, heo Mẹo là giống lợn của Người H’Mông, được nuôi tại các hộ gia đình thuộc một số xã miền núi trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào Cai, Yên Bái. Tầm vóc lợn to, thể hình cứng cáp, bốn chân đứng thẳng. Lợn Mẹo có lông dài và cứng, da dày đen, thường có 6 điểm trắng ở 4 chân, trán và đuôi, một số có loang trắng ở bụng. Đầu lợn to, rộng, mặt hơi gãy, trán dô và thường có khoáy trán, mõm hơi dài.
Lợn Vân Pa
Lợn Vân Pa hay còn gọi là lợn mini Quảng Trị là giống lợn địa phương lâu đời của dân tộc Vân Kiều Pa Cô thuộc 2 huyện miền núi Hướng Hoá và Đakrông. Đây là giống lợn đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng và là một trong 21 nguồn gen trong cả nước cần được bảo tồn. Trọng lượng lợn Vân Pa trưởng thành đạt 30 – 35 kg, được coi là giống lợn mini của Việt Nam.
Lợn Mán
Lợn Mán giống lợn nhỏ con được lai giữa lợn nhà và lợn rừng phát xuất từ miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Lợn được nuôi thả rông và tự kiếm ăn, chủ yếu ăn cỏ nên khá nhỏ. Thịt lợn thơm, mềm, ít mỡ, bì dày, ăn không ngấy.
Đây là loại lợn thông minh, sạch sẽ hơn các loại lợn khác, chúng có thân hình rất bé, nếu nuôi thời gian lâu dài chúng cũng chỉ bằng một chú chó con. Đặc biệt, nếu được huấn luyện thì chúng cũng có thể làm được nhiều trò giống như một chú chó thực thụ.
(Tổng hợp từ nhiều nguồn)