Những xu hướng trên thị trường thanh toán

Nguyễn Anh Tuấn| 06/02/2022 07:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Vai trò trung gian thanh toán của ngân hàng hiện đang bị các công nghệ tài chính, ví điện tử của các công ty công nghệ lớn “lấn sân”. Dưới tác động lớn của COVID-19, thị trường thanh toán đang được thúc đẩy phát triển hơn bao giờ hết.

Số hóa, Thương mại Điện tử và Thay đổi thói quen thanh toán

Theo ROI Revolution, doanh số bán hàng trực tuyến của thị trường Mỹ năm 2021 đã đạt 109 tỷ USD, tăng đáng kể so với 90 tỷ USD đạt được vào thời điểm này năm 2020.

Theo báo cáo hàng năm của Facebook Inc. và Bain & Co., Việt Nam dự kiến sẽ có sự gia tăng đáng kể về doanh số thương mại điện tử từ 12 tỷ USD vào năm 2021 lên 56 tỷ USD vào năm 2026.

Nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Visa thực hiện năm 2021 cho thấy, 84% người tiêu dùng tại Việt Nam đã cố gắng thanh toán không dùng tiền mặt, 87% người không sử dụng thẻ không tiếp xúc quan tâm đến việc áp dụng phương thức thanh toán này, 44% đã mua sắm qua mạng xã hội.

Cuộc khảo sát về tài chính cá nhân được thực hiện bởi McKinsey cho thấy tỷ lệ người sử dụng dịch vụ ngân hàng số ít nhất 1 lần/tháng tại Việt Nam hiện là 82%. Tỷ lệ này đã tăng lên gấp đôi so với cuộc khảo sát trước đó (chỉ 41%). Tỷ lệ người dùng dịch vụ của các công ty Fintech (công nghệ tài chính) tại Việt Nam cũng đã tăng từ 16% (năm 2017) lên thành 56% (năm 2021).

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến những ngày cuối năm 2021, tại Việt Nam, có 43 tổ chức không phải là ngân hàng đã được NHNN cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; trong đó có 37 tổ chức đã cung ứng dịch vụ ví điện tử ra thị trường, với tổng số ví điện tử đang hoạt động là khoảng 16,39 triệu ví (tăng khoảng 2,75 triệu ví so với thời điểm cuối năm 2020).

Tất cả những số liệu trên cho thấy thói quen thanh toán của người tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng và các ngân hàng cần thay đổi để thích ứng.

 

Ngân hàng truyền thống đối mặt với sự sụt giảm doanh thu thanh toán

Lĩnh vực thanh toán thu hút rất nhiều đối tượng tham gia vì đây là “mảnh đất” sinh lợi cao. Các ngân hàng truyền thống – vốn trước đây là các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán chính đã bị ảnh hưởng doanh thu bởi lãi suất thấp, tổn thất thẻ tín dụng cao hơn áp lực về phí chuyển đổi và các khoản thanh toán khác do quy định và cạnh tranh. Vì thế, doanh thu và lợi nhuận của các ngân hàng trong lĩnh vực thanh toán kém hơn hẳn các đối thủ.

 

Thị trường thanh toán đứt gãy, thẻ tín dụng đối mặt sự cạnh tranh với "mua ngay trả sau-bnpl"

Thị trường thanh toán vốn đã được dự đoán là sẽ xuất hiện những sự đứt gãy vì những đột phá của các công ty Fintech. Tuy nhiên, sự cạnh tranh của mô hình mua ngay trả sau "BNPL" thực sự tạo ra một sự đứt gãy lớn với mảng thanh toán của thẻ tín dụng. Theo công ty tư vấn Accenture, Mỹ là một trong những quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi sự biến đổi này. Báo cáo về “Chỉ số về mức độ gián đoạn trong thanh toán” cho thấy, thẻ tín dụng là phân khúc thanh toán có khả năng bị gián đoạn cao nhất. “Thủ phạm chính” là cho vay qua POS, hay còn được gọi là “mua ngay trả sau” (BNPL).

Những giải pháp này, được triển khai tiên phong bởi các công ty Fintech như Affirm, Klarna và Afterpay, cho phép người tiêu dùng chọn thẻ tín dụng hoặc gói trả góp tại thời điểm mua hàng. Trong một số trường hợp như với My Chase Plan (dịch vụ do Ngân hàng JPMorgan Chase cung cấp) là sau khi mua hàng, các gói này thường chỉ tính một khoản phí cố định. Accenture nói rằng cho vay qua POS đã đạt được 15% mức thâm nhập thị trường ở Mỹ.

Theo Công ty tư vấn Cornerstone Advisors, người tiêu dùng Mỹ sẽ thực hiện gần 100 tỷ USD mua sắm bán lẻ bằng các chương trình BNPL trong năm 2021 — tăng từ 24 tỷ USD vào năm 2020 và 20 tỷ USD  vào năm 2019.

Thẻ ghi nợ cũng không “miễn dịch” với sự đứt gãy của thị trường. Thẻ ghi nợ được hưởng lợi từ việc người tiêu dùng giảm sử dụng thẻ tín dụng nhằm tránh mắc nợ trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Mặt khác, thẻ ghi nợ lại ngày càng dễ bị giảm doanh thu do thanh toán (P2P) vốn đã phát triển nhanh chóng trong thời kỳ đại dịch và đang được sử dụng thường xuyên hơn để thanh toán cho các dịch vụ trước đây được thanh toán bằng thẻ.

 

Thanh toán B2B trong “tầm ngắm” của Fintech

Công ty tư vấn Capgemini cho biết: “Các công nghệ Fintech mới đang mong muốn đảm nhận nhiều chức năng B2B hơn”. “Các công ty Fintech thế hệ đầu tiên đã phá vỡ mặt trước của chuỗi giá trị thanh toán bán lẻ và lấn sân sang lĩnh vực thanh toán xuyên biên giới, chiết khấu hóa đơn và tài trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giờ đây, họ đang nhắm mục tiêu vào các chức năng trung gian và hậu cần của B2B”. Capgemini đề cập đến một số cái tên như: công ty Adyen của Hà Lan, công ty Stripe có trụ sở tại Mỹ, Rapyd và Iwoca của Vương quốc Anh. Chưa là chưa kể đến Square, công ty khá lớn của Mỹ đang nhanh chóng mở rộng phạm vi của mình bằng cách đưa ra giải pháp thanh toán bằng mã QR.

 

Các công ty công nghệ lớn nhòm ngó thị trường thanh toán

Capgemini nhận xét: “Google và Facebook đã không giấu diếm rằng họ coi thanh toán là một phương tiện để đạt được chỗ đứng trong các thị trường đang phát triển”. Mặc dù một số nỗ lực tiên tiến nhất của họ cho đến nay đã được nhắm mục tiêu vào thị trường nước ngoài (ví dụ: ra mắt WhatsApp Pay của Facebook ở Ấn Độ), hoạt động ở Mỹ cũng đang tiến triển nhanh chóng.

Google đã cập nhật và mở rộng ví kỹ thuật số Google Pay của mình vào mùa thu năm 2020. Ngoài ra, ví kết hợp sản phẩm tiết kiệm và thanh toán Google Plex mới của công ty được cung cấp cùng với một loạt các ngân hàng và danh sách ngân hàng tham gia đang ngày càng tăng.

Capgemini nhấn mạnh: “Thanh toán là một cửa ngõ cho các công ty công nghệ lớn lấn sâu hơn vào lĩnh vực dịch vụ tài chính”. “Chiến lược của họ là các ứng dụng siêu cấp/phong cách sống tổng hợp, xung quanh đó họ đã củng cố hệ sinh thái của mình để tham gia vào không gian dịch vụ tài chính lớn hơn - quản lý tài sản, bảo hiểm, cho vay, dịch vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tài khoản thanh toán”.

 

Tiền kỹ thuật số sẽ định hình lại các khoản thanh toán

Theo BCG, có thể mất vài năm trước khi hệ sinh thái tiền tệ kỹ thuật số đạt đến mức độ phổ biến, nhưng nhiều điều đang xảy ra với việc một số ngân hàng trung ương có kế hoạch giới thiệu đồng tiền kỹ thuật số riêng họ. Facebook cũng đã có kế hoạch tung ra đồng tiền kỹ thuật số Libra cùng với ví điện tử Novi (dù kế hoạch này đã bị trì hoãn do bị phản đối). Đã có một số ngân hàng giới thiệu stablecoin (tiền tệ kỹ thuật số được gắn với một tài sản ổn định, như đồng đô la) để sử dụng thanh toán kinh doanh - đặc biệt là Signature Bank của New York, cùng với JPMorgan Chase. BCG tổng kết rằng một khi hệ sinh thái tiền tệ kỹ thuật số đạt đến mức độ phổ biến thì “những người khác khó có thể vượt qua lợi thế của người đi trước”. Vì thế, BCG kêu gọi các nhà lãnh đạo ngân hàng phân tích những tác động tiềm ẩn và bắt đầu tích cực tìm hiểu xem họ muốn đóng vai trò gì và những mối quan hệ hợp tác nào sẽ cần đạt được.

 

Hiện đại hóa, hợp tác để tiến lên

Có tới 88% giám đốc điều hành ngân hàng ở Mỹ và Canada do Accenture khảo sát đồng ý rằng việc chuyển đổi hoạt động kinh doanh thanh toán là yếu tố chính trong nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số rộng lớn hơn của họ. Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã đầu tư vào các chương trình hiện đại hóa thanh toán kéo dài nhiều năm. Nhưng vấn đề là hầu hết các khoản đầu tư này không phải do nhu cầu của khách hàng mà là để đảm bảo sự tuân thủ hoặc các yêu cầu của chính phủ, và điều đó dẫn đến tỷ suất hoàn vốn ROI thấp.

Ngoài ra, nhiều khoản đầu tư dành cho các giải pháp thanh toán riêng lẻ thay vì một kế hoạch tổng thể. Một số giải pháp, chẳng hạn như chuyển sang các nhà cung cấp đám mây, mang lại lợi ích, nhưng không đủ để cạnh tranh trong thị trường thanh toán nhộn nhịp hiện nay.

McKinsey đưa ra bốn lựa chọn về cách các tổ chức truyền thống có thể suy nghĩ lại về mô hình hoạt động thanh toán của mình:

1. Tạo dựng và mở rộng quy mô: Một doanh nghiệp thanh toán hoạt động trong lòng ngân hàng mẹ có thể bị thiếu đầu tư và không đạt quy mô do chỉ phục vụ một nhóm nhỏ khách hàng nội bộ. Trong những trường hợp như vậy, McKinsey nêu rõ, các tổ chức tài chính nên xem xét liệu việc tách riêng và mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh thanh toán - hoạt động như một công ty riêng biệt - có thể tạo ra nhiều giá trị hơn cho khách hàng và các bên liên quan khác hay không.

Điều đó sẽ cho phép đơn vị phục vụ các ngân hàng hoặc hiệp hội tín dụng khác và nhiều khách hàng hơn. Điều này thậm chí có thể dẫn đến một vụ giật gân như Fifth Third Bank đã làm với Vantiv (liên doanh thành lập công ty, niêm yết trên sàn chứng khoán New York và mua lại công ty xử lý thanh toán Worldpay Group của Anh).

2. Tiện ích thanh toán được chia sẻ: Cân nhắc hợp tác với một hoặc nhiều đối tác về các chức năng thanh toán nhất định để cải thiện và mở rộng các dịch vụ cung cấp cho cơ sở khách hàng lớn hơn, chẳng hạn như cùng phát triển giải pháp thanh toán theo thời gian thực. McKinsey cho biết cách tiếp cận này phù hợp nhất với các tổ chức đang tìm cách cạnh tranh dựa trên dịch vụ hơn là những tổ chức đang tìm cách trở thành “công ty dẫn đầu về thanh toán”.

3. Thanh toán như một dịch vụ: Các nhà cung cấp công nghệ PaaS, sử dụng những nền tảng dựa trên đám mây, cho phép các ngân hàng và hiệp hội tín dụng mở rộng nhanh chóng và hiện đại hóa khả năng thanh toán của họ mà không cần đầu tư cao từ đầu. Các dịch vụ chuyên biệt này sẽ được tích hợp thông qua các giao diện lập trình ứng dụng (API) liên kết với các nền tảng ngân hàng lõi.

Các thỏa thuận của PaaS cũng đẩy nhanh thời gian tiếp thị các sản phẩm thanh toán mới và cho phép các sản phẩm hiện có được cập nhật liên tục.

4. Thuê ngoài: Bằng cách thuê ngoài một số dịch vụ nhất định, các tổ chức không đủ khả năng xây dựng hoặc nâng cấp hệ thống công nghệ thanh toán đầy đủ vẫn có thể cung cấp các sản phẩm tốt nhất. Theo McKinsey, mặc dù có thể mất quyền kiểm soát đối với chất lượng sản phẩm và dịch vụ khi thuê ngoài, nhưng các ngân hàng vẫn giữ quyền kiểm soát đối với các điểm tiếp xúc của khách hàng và trong nhiều trường hợp là dữ liệu giao dịch.

Ngoài ra, các tổ chức nhỏ hơn có thể tùy chọn thuê ngoài các chức năng thanh toán cho các công ty Fintech. Việc thuê ngoài cho phép họ xử lý được lượng giao dịch lớn hơn với chi phí thấp hơn mô hình truyền thống, tăng doanh thu và thị phần trong khi vẫn đảm bảo an toàn và tuân thủ các quy định.

(Tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những xu hướng trên thị trường thanh toán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO