Số liệu từ Tổng cục Thuế, tổng nợ thuế tính đến thời điểm ngày 31/3/2024 là 186.022 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Báo cáo về tình hình thực hiện chương trình công tác thuế quý I, Tổng cục Thuế cho biết, kết quả thu ngân sách lũy kế 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt 490.196 tỷ, bằng 116,9% so với dự toán quý I, bằng 33% so với dự toán năm 2024, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023.
So với dự toán, hết quý I, có 10/20 khoản thu sắc thuế đạt khá và 14/20 khoản thu, sắc thuế tăng trưởng so cùng kỳ năm 2023. Với tiến độ thu tại 63 Cục Thuế các tỉnh/thành phố trên cả nước có 35/63 Cục Thuế tiến độ thu thực hiện đạt trên 30% dự toán.
Theo Tổng cục Thuế, thu nợ thuế tính đến cuối quý I/2024 ước đạt 26.868 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính đến thời điểm ngày 31/3, nợ thuế là 186.022 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2023, tăng 9,4% so với thời điểm ngày 31/12/2023, trong đó nợ có khả năng thu chiếm 55,6% tổng số tiền thuế nợ; tỷ lệ tiền thuế nợ có khả năng thu trên dự toán thu năm 2024 ở mức 9,2%.
Về hoàn thuế VAT, cơ quan thuế đã ban hành 4.472 quyết định hoàn thuế VAT với tổng số tiền thuế hoàn là 31.892 tỷ đồng, bằng 18,7% dự toán, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng trong 3 tháng đầu năm, cơ quan Thuế các cấp đã thực hiện thực 6.849 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 10,3% kế hoạch năm 2024, bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2023; kiểm tra được 64.079 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 80% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 6.019 tỷ đồng, bằng 45,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 1.065 tỷ đồng, bằng 50,5% số tăng thu qua thanh tra kiểm tra.
Năm 2024, ngành Thuế tiếp tục bám sát và đánh giá tình hình kinh tế trong nước, thế giới; phân tích, nhận định những tác động từ những chính sách tài khóa tiền tệ mà các nước thực hiện đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước để nhận diện đúng những rủi ro, kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ có kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành thu ngân sách nhà nước (NSNN). Đồng thời, để hoàn thành nhiệm vụ, ngành Thuế đã đưa ra 8 giải pháp gồm:
Một là, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu, đánh giá, phân tích tình hình thu tại từng địa bàn, từng khu vực thu, khoản thu, sắc thuế để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý thu hiệu quả. Triển khai xây dựng dự toán thu NSNN năm 2025, dự kiến thu 3 năm 2025-2027, xây dựng các phương án khái toán thu để chuẩn bị cho thảo luận dự toán thu năm 2025.
Hai là, cơ quan thuế các cấp tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác quản lý thuế, thực hiện tốt các gói hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp, tạo đà khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN.
Ba là, tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền đảm bảo trọng tâm, trọng điểm theo kế hoạch năm 2024. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. Tổ chức các chiến dịch tuyên truyền theo các chủ đề, sự kiện trong từng tháng, quý. Triển khai hiệu quả Hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế.
Bốn là, thực hiện phân loại các khoản nợ thuế chính xác để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp, đúng quy định. Tăng cường, thực hiện nghiêm, đẩy đủ các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu nợ thuế, công khai thông tin theo đúng quy định, đẩy mạnh áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các Bộ ngành liên quan trong việc thu hồi nợ đọng thuế.
Năm là, tập trung triển khai Kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành năm 2024 của cơ quan Tổng cục Thuế; Xây dựng và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo các chuyên đề chống thất thu trong các lĩnh vực có rủi ro cao về thuế như giao dịch liên kết, chuyển nhượng vốn, thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, hoàn thuế GTGT.
Sáu là, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế. Đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ hoàn thuế theo đúng quy định. Tổ chức kiểm tra sau hoàn thuế kết hợp với thanh tra, kiểm tra quyết toán thuế.
Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Giải quyết các TTHC toàn trình trên Cổng DVCQG đảm bảo đúng hạn. Đẩy mạnh thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ về cắt giảm, đơn giản hóa TTHC theo yêu cầu của Nghị quyết số 68/NQ-CP. Rà soát, chuẩn hóa quy trình, TTHC để đảm bảo duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tám là, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT. Tổ chức quản trị, vận hành tốt hệ thống CNTT, các phần mềm ứng dụng quản lý thuế. Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công cụ phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác quản lý thuế, quản lý hóa đơn, kiểm soát rủi ro, phòng chống gian lận về HĐĐT, tập trung triển khai ứng dụng tự động cảnh báo xuất khống HĐĐT theo hệ số K.