Chứng khoán

Nỗi lo giải chấp chưa được xoa dịu, đã có lực cầu bắt đáy nhưng VN-Index tiếp tục giảm

Mai Hương 26/09/2023 - 17:51

Liên tiếp các phiên giảm mạnh của thị trường đã kích hoạt nhiều vị thế phải đứng trước nguy cơ giải chấp. Lực mua bắt đáy đã cân đối khá tốt trong phiên nhưng VN-Index vẫn đóng cửa ở mức thấp.

Định vị thị trường

Chứng khoán châu Á vẫn mang theo những nỗi lo về việc FED tăng lãi suất và triển vọng kém tích cực của kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, mức độ sát thương của các thị trường châu Á cũng rất khó so sánh với thị trường chứng khoán Việt Nam trong vòng 2 tuần trở lại đây. VN-Index đã giảm tiếp 1,31%, từ đầu tháng 9 đến nay -3,84%.

Nhiều thị trường chứng khoán châu Á cũng giảm điểm như NIKKEI 225 (-1,06%), KOSPI (-1,31%), CSI 300 (-0,58%), thành tích từ đầu tháng 9 đến nay vẫn tốt hơn thị trường Việt Nam.

Chất xúc tác

Trên thị trường liên ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục có thêm phiên phát hành tín phiếu với giá trị 10.000 tỷ đồng vào ngày hôm qua. Quy mô phát hành tín phiếu từ tuần trước hiện đã đạt 30.000 tỷ đồng và có thể vẫn tiếp tục tăng lên trong các ngày tới.

Hiện lãi suất liên ngân hàng đang nhích dần lên nhưng tỷ giá VND/USD vẫn chưa có dấu hiệu đảo chiều. Theo công bố, tỷ giá trung tâm sáng ngày 26/9 là 24.084 VND/USD, tăng thêm 8 đồng.

Trong khi đó, hoạt động của khối ngoại vẫn đi theo chiều hướng tích cực. Với việc thị trường liên tục được chiết khấu mạnh, tiền ngoại có phiên thứ 2 liên tiếp giải ngân mạnh vào thị trường. HOSE đã nhận về 651 tỷ đồng, HNX nhận về 20,5 tỷ đồng và UPCoM nhận được 16,7 tỷ đồng. Tổng giá trị mua ròng đạt gần 700 tỷ đồng.

khoigngoai269a.png

Đóng góp của khối ngoại vào giao dịch 2 chiều mua/bán trên HOSE là 8,6%. Nên việc thị trường tiếp tục giảm mạnh hoàn toàn do nhà đầu tư trong nước.

Vận động thị trường

Với việc thị trường đã có 3 phiên giảm mạnh trước đó, đã có những vị thế của nhà đầu tư nội phải đứng trước áp lực giải chấp tại một số công ty chứng khoán.

Thông thường, các khoảng thời gian từ 10-11h và sau 14h sẽ có những lệnh bán bất thường được đẩy ra từ các công ty chứng khoán để xử lý các tài khoản thua lỗ.

Thực tế, ở phiên hôm nay, thị trường đã trụ lại khá tốt ở phiên sáng và 14-14h15. Thậm chí, có những thời điểm, cầu mua bắt đáy còn giúp cho chỉ số giao dịch khá hứng khởi. Tuy nhiên, sau 14h15, nhóm cổ phiếu lớn mới xuất hiện ra những lệnh bán quyết liệt.

Các cổ phiếu nhóm Vingroup với VHM (-4,3%), VIC (-3,2%), VRE (-3%) đều đóng cửa thấp nhất phiên, dù phần lớn thời gian giao dịch ở quanh mức tham chiếu. Các mã GVR (-6,9%), BCM (-3,1%), VCB (-2,6%), VNM (-1,9%), BID (-1,7%), TCB (-1,2%) còn tạo ra thêm gánh nặng lên VN30 và triệt tiêu đi đóng góp của MSN (+3,8%), SSI (+1,8%), CTG (+1,7%), VIB (+1%).

Nhóm chịu tổn thất nhiều nhất là các cổ phiếu Midcap và Penny nên VN-Index giảm sâu hơn cả VN30 (-0,57%). Chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam giảm 1,32% xuống 1.137,96 điểm (-15,24 điểm).

vnindex269ab.jpg

Các mã giảm sàn vẫn còn xuất hiện khá nhiều như GEX, ANV, LCG, TCH, FCN, IDI, GIL, PSH, HHS, TLH. Trong khi đó, một số mã giảm trên 5% như DXG (-6,48%), CII (-5,34%), SZC (-5,42%), PAN (-5%), BCG (-6,22%), VIX (-5,14%), NVL (-6,48%). Tổng cộng có 26 mã giảm sàn, 317 mã đỏ.

So với phiên hôm qua, thị trường phần nào đó đã có tín hiệu khả quan hơn khi nhóm chứng khoán, thép đã lấy lại sắc xanh ở các mã SSI, HCM, ORS, BSI HPG.

Tuy nhiên, vẫn cần thêm thời gian để loại bỏ hết tâm lý bán tháo cũng như hiện tượng giải chấp đang diễn ra. Quy mô giao dịch của HOSE ở phiên hôm nay đạt 21.617 tỷ đồng, trong đó có 19.894 tỷ đồng khớp lệnh.

Trên HNX và UPCoM, dù đà giảm vẫn còn nhưng biến động đã hẹp hơn. HNX-Index chỉ giảm 0,76% còn UPCoM-Index giảm 0,3%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 3.100 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo giải chấp chưa được xoa dịu, đã có lực cầu bắt đáy nhưng VN-Index tiếp tục giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO