Các Hiệp hội ngành, nghề

Nông sản chủ yếu vẫn xuất hàng thô, hàm lượng chế biến thấp

Duy Khang 09/06/2024 - 13:54

Ngành nông nghiệp Việt Nam dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng thực tế 70-80% vẫn xuất hàng thô, hàm lượng chế biến thấp, nên giá trị không cao.

nong-san-xuat-khau.jpg
Ảnh minh họa

Năm 2023, dù kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức khiến tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng âm song kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn đạt trên 53 tỷ USD, trong đó nhiều mặt hàng nông sản tăng cả về giá trị và lượng.

Với những ưu thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi cùng ưu đãi từ 16 FTA song phương và khu vực đã ký kết và đang thực thi với nhiều đối tác trên thế giới mà đặc biệt là CPTPP, EVFTA trong những năm gần đây, là yếu tố giúp kim ngạch xuất khẩu nông sản và thực phẩm duy trì tốc độ tăng trưởng trên hai con số.

Đồng thời, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào khu vực nông nghiệp, tham gia sâu, bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngành nông nghiệp Việt Nam dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng trên thực tế chủ yếu vẫn xuất hàng thô, hàm lượng chế biến thấp, chiếm khoảng 70-80% tổng kim ngạch xuất khẩu, nên giá trị và mức độ cạnh tranh không cao.

"Đây rõ ràng không phải là hướng đi bền vững và hiệu quả”, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã nhấn mạnh điều này tại hội thảo “Xu hướng thị trường và cơ hội xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào các hệ thống phân phối quốc tế”, vừa tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh cuối tuần qua.

Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức từ tiêu chuẩn chất lượng, hay các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa của các thị trường nhập khẩu ngày càng cao, rào cản thương mại có xu hướng gia tăng tại nhiều thị trường.

Trong khi đó, xu hướng phát triển bền vững, giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng và tuân thủ.

Những thách thức tại thị trường EU

Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại tại Bỉ và EU cho biết, EU nhập khẩu hơn 160 tỷ USD các mặt hàng nông sản mỗi năm, trong đó khoảng 4% từ Việt Nam.

EU cũng là một thị trường có đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát dư lượng và cập nhật thường xuyên các quy định mới.

EU đang chuẩn bị ra chính sách nông nghiệp chung, chính sách rác thực phẩm và quy định cụ thể về nhãn mác với các loại nước trái cây, sữa (sữa hạt, sữa dừa, nước trái cây), cân bằng carbon, nhãn sinh thái cần được phê duyệt...

Hiện nay, vị thế của hàng nông sản Việt tại EU như hải sản, cà phê, đồ gỗ đang có uy tín. Rau quả đang tiếp cận thị trường, một số các mặt hàng thực phẩm khác được tiêu thụ ở chợ châu Á.

Mặc dù có lợi thế nhưng hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU cũng gặp không ít thách thức. Đó là liên kết chưa chặt chẽ kể cả trong xúc tiến thương mại.

Ngoài các đơn hàng từ chuỗi, các đơn hàng nhập khẩu thường nhỏ, chi phí nhập khẩu sẽ cao hơn khiến giá bán ra tương đối cao.

Theo ông Trần Ngọc Quân, doanh nghiệp cần tìm đối tác thích hợp, vì hàng nông sản xuất khẩu đơn hàng nhỏ và cần nhập khẩu liên tục để bảo đảm tươi mới.

"Đây cũng là cơ hội cho nông sản Việt. Thách thức ở chỗ để tìm được doanh nghiệp nhập khẩu thích hợp là tương đối khó", ông Quân nhấn mạnh.

"Doanh nghiệp Việt phải có khả năng đáp ứng kịp thời các quy định của EU. EU thay đổi quy định về nông nghiệp nhiều, nhất là các quy định dư lượng và giám sát cửa khẩu. Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt để có kế hoạch thực hiện và nên có bộ phận theo dõi chính sách.

Còn dư lượng hóa chất là vấn đề chung trong nông nghiệp. Hàng nông nghiệp sản xuất tại châu Âu cũng liên tục bị cảnh báo dư lượng. Do vậy, việc quản lý chất lượng không chỉ nằm ở khâu của công ty xuất khẩu mà trong cả chuỗi ngành hàng", ông Quân khuyến nghị.

TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm

Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển theo xu hướng bền vững, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, Thành phố đã xây dựng chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực, thực phẩm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống xây dựng thương hiệu; tiếp cận và đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ mà trước hết là khai thác tốt thị trường nội địa với hơn 100 triệu dân.

Sau đó, sẽ tập trung tăng kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường truyền thống còn dư địa khai thác, nghiên cứu mở rộng xuất khẩu vào các thị trường mới tiềm năng theo các FTA mà Việt Nam ký kết.

“Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ đề án phát triển hệ thống kho lạnh, kho dự trữ bảo quản cho ngành chế biến lương thực thực phẩm. Mặt khác, tiếp tục nâng cao hiệu quả liên kết vùng giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh/thành, để hình thành vùng nguyên liệu ổn định, bền vững cho chuỗi sản xuất của ngành chế biến lương thực thực phẩm của Thành phố”, ông Lữ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông sản chủ yếu vẫn xuất hàng thô, hàm lượng chế biến thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO