Nhìn ra thế giới

Nước Mỹ đối diện nguy cơ tụt hậu công nghệ bán dẫn khi loạt dự án tỷ USD bị trì hoãn

Đăng Tuấn 22/02/2024 - 11:24

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố về chương trình nhiều tỷ USD hỗ trợ cho các doanh nghiệp bán dẫn, tuy nhiên tiền chậm giải ngân và nhiều vấn đề khác khiến cho đầu tư doanh nghiệp gặp khó.

Tháng 12/2022, Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn Đài Loan (TSMC), hãng sản xuất những con chip công nghệ cao nhất thế giới, công bố sẽ dành ra 40 tỷ USD để xây dựng hai nhà máy sản xuất các sản phẩm bán dẫn đầu tiên tại Mỹ.

Dự án xây dựng hai nhà máy bán dẫn này trở thành biểu tượng cho tham vọng của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc khuyến khích gia tăng sản xuất chip, cấu phần quan trọng giúp cho hoạt động xử lý và lưu trữ dữ liệu trong các thiết bị điện tử được trơn tru.

Tuy nhiên đến mùa hè năm ngoái, TSMC đã buộc phải lùi kế hoạch mở nhà máy tại Arizona sang năm 2025 bởi lý do nhân sự nội địa có trình độ chuyên môn còn hạn chế với một số loại sản phẩm cần đến chuyên môn cao. Trong tháng trước, TSMC công bố nhà máy thứ hai sẽ không thể sản xuất được chip cho đến năm 2027 hoặc 2028 bởi lý do hạn chế về công nghệ cũng như tiền hỗ trợ từ liên bang.

Diễn biến tại nhà máy ở Arizona phụ thuộc vào việc chính phủ Mỹ có thể đưa ra chính sách trợ cấp mạnh tay đến đâu, theo chủ tịch của TSMC – ông Mark Liu cho hay.

TSMC là một trong những doanh nghiệp sản xuất chip đang gặp khó trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh tại Mỹ. Intel, Microchip Technology và nhiều doanh nghiệp khác cũng đã buộc phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất.

Điều này có nhiều nguyên nhân, doanh số bán nhiều loại chip giảm khiến cho các doanh nghiệp buộc phải giảm đầu tư với hạ tầng mới. Việc xây dựng một nhà máy sản xuất chip mới không hề đơn giản, nó cần đến sự tham gia của hàng nghìn người lao động trong những dây chuyền quy mô lớn cũng như hàng tỷ USD đầu tư máy móc.

Sự trì hoãn này diễn ra khi mà chính quyền Tổng thống Biden bắt đầu giải ngân khoản đầu tiên từ gói 30 tỷ USD dành cho việc phát triển ngành bán dẫn Mỹ cũng như giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào công nghệ ở Đông Á. Vào ngày thứ Hai, chính quyền Biden cho biết sẽ cấp khoảng 1,5 tỷ USD cho hãng sản xuất chip GlobalFoundries nâng cấp và mở rộng cơ sở sản xuất tại New York và Vermont. Hai cơ sở này chuyên sản xuất chip cho các hãng xe và ngành quốc phòng.

Tuy vậy, rủi ro chính trị vẫn còn rất lớn. Những doanh nghiệp như TSMC đang chờ đợi tiền hỗ trợ không khỏi băn khoăn về triển vọng của các chương trình đó khi mà cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần. Triển vọng của các khoản trợ cấp từ chính phủ Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay.

Giám đốc chương trình nghiên cứu kinh tế và an ninh tại Trung tâm An ninh Mỹ (CNAS), bà Emily Kilcrease, khẳng định: “Cho đến giờ chưa có gì thất bại cả. Sẽ cần phải theo dõi thêm mới có thể biết thực tế dự án của doanh nghiệp nào sẽ được triển khai và có thể được coi là thành công”.

Theo đạo luật CHIPS, Bộ Thương mại Mỹ chịu trách nhiệm việc phân phối tiền liên bang từ năm 2022 để phát triển ngành sản xuất chip nội địa. Ngoài tiền trợ cấp dành cho GlobalFoundries, Bộ Thương mại đã cấp tiền cho hai bên khác. Đồng thời Bộ Thương mại dự kiến cũng dành hàng tỷ USD cho các doanh nghiệp sản xuất chip như TSMC, Intel, Samsung và Micron trong những tháng tới.

Tuy nhiên, việc giải ngân tiền không đơn giản. Chính phủ mắc kẹt trong các cuộc đối thoại khá rối và nhiều vòng với các hãng sản xuất chip về mức tiền và thời gian giải ngân. Các doanh nghiệp trong khi đó đang chờ đợi hướng dẫn từ Bộ Tài chính Mỹ về việc loại hình đầu tư nào được hỗ trợ tiền. Lẽ ra quá trình này được hoàn tất trước thời điểm cuối năm 2023, tuy nhiên vì nhiều lý do, quá trình này bị chậm lại.

Bất kỳ sự trì hoãn nào cũng có thể gây tổn hại đến chính nước Mỹ bởi nước này đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào các nhà máy sản xuất chip tại Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc. Bản thân các nước đối thủ của Mỹ cũng đang đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ để thu hút các doanh nghiệp sản xuất chip. TSMC cũng đang nỗ lực mở rộng sản xuất tại Nhật và Đức cũng như Mỹ.

Chuyên gia tư vấn công nghệ cao cấp tại Tập đoàn RAND, ông Jimmy Goodrich, cho rằng chính phủ Mỹ càng để lâu mới phân phối tiền hỗ trợ, các khu vực địa lý khác sẽ nhanh chóng thu hút đầu tư và sẽ lại có thêm những công nghệ cao được phát triển ở Đông Á, thời gian không chờ đợi ai.

Theo FoxNews,NyTimes
Copy Link
Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước Mỹ đối diện nguy cơ tụt hậu công nghệ bán dẫn khi loạt dự án tỷ USD bị trì hoãn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO