Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC cho rằng, khi có cơ hội tốt mà không tận dụng được hết thì nên liên doanh liên kết, phải hiểu tỷ lệ nắm giữ 36 - 49 - 51 - 65% là đối vốn.
Các thương vụ M&A qua lời kể của các “ông lớn” luôn là nội dung thu hút tại diễn đàn thường niên M&A do Báo Đầu tư tổ chức. Và tại diễn đàn M&A 2023 chủ đề "Chung tay cùng thịnh vượng" ngày 28/11, câu chuyện M&A của ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC nhận được nhiều sự chú ý.
Trước câu hỏi vì sao M&A vẫn là chiến lược được lựa chọn trong bối cảnh thị trường hiện nay, ông Thành cho biết, M&A từ cách đây 20 năm đã nhen nhóm trong nền kinh tế của chúng ta, từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường.
“Năm 2001, chúng tôi đã M&A thành công 2 ngân hàng là Ngân hàng TMCP Nông thôn Thạnh Thắng và Ngân hàng Đông Phương. Hoạt động này là quy luật của nền kinh tế thị trường, M&A tạo ra cơ hội cho những người mua và cả người bán", ông Thành mở đầu câu chuyện.
Vị này thông tin, bản thân Tập đoàn TTC là đơn vị thương mại, có nhiều nhà máy, khách sạn xuất phát từ M&A, chiếm tỷ trọng lớn trong 44 năm qua. Do đó, ông Thành cho rằng, M&A là cơ hội tốt, nhà nước đã có trách nhiệm với nhà đầu tư, doanh nghiệp thì chúng ta nên coi đây là cơ hội.
“Khi có cơ hội tốt mà không tận dụng được hết thì nên liên doanh liên kết, phải hiểu tỷ lệ nắm giữ 36 - 49 - 51 - 65% là đối vốn, đối tác vào thì họ phải có trách nhiệm. Nếu không rõ thì chúng ta có thể tìm đến các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp”, ông Thành chia sẻ.
Theo Chủ tịch TTC, cơ cấu cổ phần đi đôi với cơ cấu nguồn lực. Nếu muốn trụ lại, chúng ta không chuyển giao toàn bộ mà chỉ chuyển giao một phần.
Với vai trò là người sáng lập TTC và ghi dấu nhiều thương vụ M&A thành công, tạo ra năng lực cạnh tranh cho ngành mía đường Việt Nam, ông Thành đã chia sẻ thế mạnh của TTC.
“Chúng tôi luôn đặt ra khát vọng và chúng tôi rất quan tâm đến M&A. Năm 2010, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận 2 nhà máy. Với tinh thần trách nhiệm nông nghiệp vẫn phải phát triển, có liên quan đến nhiều vấn đề”, ông Thành đề cập.
Cụ thể, về lĩnh vực đường, vào năm 2010, Chủ tịch Tập đoàn Bourbon đã tìm đến và trao đổi về việc muốn tìm người để nhượng lại dự án mà ông đã ấp ủ rất lâu (sau 16 năm đặt nền móng cho nhà máy và phát triển tại thị trường Việt Nam). Lúc đó, Bourbon Tây Ninh là nhà máy đường lớn nhất tại Việt Nam, với công suất gần 10.000 tấn mía cây/ngày. Ngoài mía đường, nhà máy còn sản xuất điện sinh khối.
Điều mà Chủ tịch Bourbon làm ông Thành nhớ mãi là câu nói “Với đứa con sinh ra sau 16 năm và trách nhiệm với những người nông dân đã gắn bó với Bourbon, nên tôi muốn tìm kiếm người tâm huyết như TTC để chuyển giao”.
“Thực sự tôi rất ngưỡng mộ các doanh nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nhất là người Pháp, vì họ luôn đề cao trách nhiệm với cán bộ, nhân viên Bourbon và cả người dân trồng mía ở Tây Ninh, cũng như Gia Lai”, người đứng đầu TTC chia sẻ.
Về vấn đề M&A các doanh nghiệp lớn, ông Thành cho biết trong chiến lược cũng đặt ra vấn đề này, đây là con đường nếu có kiểm soát, quản trị tốt thì cơ hội sẽ đến với chúng ta, nhất là khi Việt Nam đang trong nền kinh tế mở, đây là cơ hội rất lớn trong nước và quốc tế. Các định chế tài chính cũng nhìn thấy vấn đề này. Năm 2024, qua những cơn biến động thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng chúng ta cũng đứng trên đường đua mới, đan xen thách thức và cơ hội là điều bình thường.
“Xin hỏi rằng những doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp startup nào dám chuyển nhượng lúc đang thịnh? Nếu để suy mới bán thì tôi đánh giá không cao. Người mua cũng phải dám mua, mua cái tương lai, đòi hỏi ở chiến lược doanh nhân. Khát vọng doanh nghiệp Việt Nam phải cùng chung tay với doanh nghiệp nước ngoài trên đường đua mới”, ông Thành bày tỏ.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, doanh nhân này cũng chia sẻ những điều doanh nghiệp phải lưu ý khi M&A.
Ông Đặng Văn Thành cho biết, sau khi tiếp nhận một doanh nghiệp khác, nếu không thể hài hòa được sẽ rất khó, nhất là vấn đề văn hóa doanh nghiệp. Sau tiếp nhận, TTC sẽ có một đội ngũ cán bộ khung cốt cán của TTC xuống đào tạo lại, lưu dụng người lao động; đánh giá, phân loại, xếp loại, giao thêm nhiệm vụ hoặc giảm bớt công việc... nhằm tạo mọi điều kiện để người lao động ở đơn vị mới có thể hội nhập vào TTC một cách tốt nhất.
“Vì thực tế, không ai có thể hiểu hết văn hóa của vùng miền bằng chính người ở địa phương nên chúng tôi rất linh hoạt, kinh nghiệm trong việc sử dụng đội ngũ cán bộ từ đơn vị sáp nhập, để giúp họ có thể hòa nhập một cách tốt nhất vào văn hóa của Tập đoàn TTC”, ông Thành cho biết.
Điểm lưu ý nữa, vị này cho rằng, nên chọn thời điểm tiếp nhận doanh nghiệp, địa bàn, thị trường nào cần để đưa ra quyết định M&A.