Doanh nghiệp

"Ông lớn" xây dựng đều có lãi trong quý IV/2023: Đã thấy ánh sáng cuối đường hầm?

Đinh Thơm 02/02/2024 09:54

Quý cuối năm 2023, Xây dựng Hòa Bình báo lãi sau thuế hơn 100 tỷ đồng, ngắt mạch chuỗi thua lỗ 4 quý liên tiếp, trong khi Vinaconex, Coteccons, Hưng Thịnh Incons cũng báo lãi sau thuế lần lượt đạt 132 tỷ đồng, 69 tỷ đồng và 33 tỷ đồng.

hbc2.jpg

Năm 2023, trong bối cảnh thị trường bất động sản còn gặp khó khăn, hoạt động kinh doanh của các "ông lớn" ngành xây dựng cũng chưa thể khởi sắc. Dù vậy, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp trong ngành đã dần có sự cải thiện, nhất là trong quý cuối năm.

Cùng với kết quả kinh doanh ghi nhận có lãi, nợ phải trả của hầu hết các doanh nghiệp xây dựng đã giảm bớt so với đầu năm và dòng tiền đều duy trì ở mức dương thay vì âm nặng như cùng kỳ.

Hòa Bình dứt lỗ, lợi nhuận Coteccons tăng mạnh

Theo báo cáo tài chính quý IV/2023 vừa công bố, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) ghi nhận doanh thu thuần 2.190 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm mạnh giúp công ty lãi gộp 53 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 462 tỷ đồng.

Trong kỳ, công ty có thêm hơn 20 tỷ đồng doanh thu tài chính (trong khi cùng kỳ là âm gần 113 tỷ đồng), chi phí tài chính được tiết giảm hơn 8% về 135 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong quý IV, khoản mục chi phí quản lý của Xây dựng Hòa Bình ghi nhận được hoàn nhập 223 tỷ đồng. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, đây là khoản hoàn nhập trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi ở mức 310 tỷ đồng.

Kết quả trừ chi phí, Xây dựng Hòa Bình báo lãi sau thuế hơn 101 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với khoản lỗ hơn 1.200 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái và dứt mạch 4 quý lỗ liên tiếp.

hbc-3716.png

Lũy kế năm 2023, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu đạt 7.546 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2022 và vẫn lỗ sau thuế 778 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 2.600 tỷ đồng. Với kết quả này công ty đã không thể hoàn thành kế hoạch đặt ra cho năm 2023 là đạt doanh thu 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng.

Thậm chí, với việc lỗ thêm 778 tỷ đồng trong năm 2023, tổng số lỗ lũy kế của Xây dựng Hòa Bình tại ngày 31/12/2023 lên tới gần 2.900 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tăng khiến cho vốn chủ sở hữu của công ty giảm 63% so với đầu năm xuống 453,6 tỷ đồng. Đồng thời, lỗ lũy kế của công ty đã vượt mức vốn điều lệ (2.741 tỷ đồng).

Cùng ghi nhận kết quả kinh doanh quý IV cải thiện so với cùng kỳ năm trước, Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) báo doanh thu quý IV/2023 tăng 116% so với cùng kỳ lên 3.790 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 132 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 38,4 tỷ đồng.

Lũy kế năm 2023, doanh hợp nhất của Vinaconex tăng 50% so với cùng kỳ, đạt hơn 12.700 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu cao nhất trong 12 năm qua của doanh nghiệp (kể từ năm 2012). Tuy vậy, công ty vẫn cách khá xa kế hoạch 16.340 tỷ đồng doanh thu đã đề ra cho cả năm.

Dù doanh thu thuần cao song doanh thu tài chính giảm cộng thêm các chi phí tăng khiến lãi sau thuế năm 2023 của Vinaconex chỉ đạt hơn 336 tỷ đồng, giảm 64% so với năm trước và cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2013. Kết quả này chỉ tương đương thực hiện 39% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cả năm.

Phải nói thêm rằng, 2023 là năm thành công của Vinaconex trên thị trường thầu xây dựng với việc trúng nhiều gói thầu thuộc dự án sân bay Long Thành (gói 5.10; 4.6; 3.4), tổng giá trị trúng thầu của VCG và liên doanh ghi nhận mức gần 68.000 tỷ đồng. Nhờ đó, doanh thu hoạt động xây lắp của công ty tăng 35,6% so với năm trước đó, đạt gần 8.300 tỷ đồng và chiếm hơn 65% tổng doanh thu. Ngoài ra, doanh thu mảng kinh doanh bất động sản cũng tăng đột biến 10,5 lần, đạt hơn 2.300 tỷ đồng.

dnxd-2028.png

Với Công ty CP Xây dựng Coteccons (mã CTD), trong quý II của năm tài chính 2024, tương đương quý IV của năm 2023, lợi nhuận của công ty tiếp tục tăng trưởng mạnh 266% so với cùng kỳ, lên 69 tỷ đồng (mức doanh thu theo quý lớn nhất kể từ đầu năm 2021 tới nay) dù doanh thu sụt giảm hơn 9%, còn 5.660 tỷ đồng.

Cộng dồn 12 tháng năm dương lịch 2023, Coteccons có doanh thu 16.524 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 187 tỷ đồng - đánh dấu lần đầu tiên sau 3 năm, lợi nhuận của công ty trở lại với ngưỡng trăm tỷ đồng.

Theo lý giải của doanh nghiệp, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế quý II/2024 tăng 266% so với cùng kỳ chủ yếu là do chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ giảm 60,2 tỷ đồng, tương đương giảm 33% so với cùng kỳ, xuống còn 122 tỷ đồng. Mức giảm này phần lớn đến từ khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi giảm 40,5 tỷ đồng, tương đương 45,8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, việc công ty đang thực hiện tái cấu trúc cũng góp phần tối ưu hóa chi phí quản lý trong kỳ.

Tương tự, với Công ty CP Hưng Thịnh Incons (HTN) lợi nhuận trong quý IV/2023 dù có tăng trưởng nhưng không phải đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Trong kỳ, doanh thu của công ty giảm gần 81% so với cùng kỳ, xuống 236 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 32 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 45 tỷ đồng.

Trong kỳ doanh thu tài chính của công ty tăng đột biến 367% lên hơn 93 tỷ đồng, đồng thời chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng giảm 43,5% xuống gần 31 tỷ đồng, đóng góp lớn giúp lợi nhuận sau thuế cải thiện.

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của công ty đạt 2.681 tỷ đồng, giảm 51% so với năm 2022, lãi sau thuế đạt gần 60 tỷ đồng, giảm 7%. Năm 2023, Hưng Thịnh Incons đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 4.200 tỷ đồng và lãi sau thuế 50 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới hoàn thành 64% kế hoạch doanh thu nhưng đã vượt mục tiêu lợi nhuận.

dnxd-2023-4825.png

Nợ phải trả giảm, dòng tiền tiếp tục cải thiện

Cùng với kết quả kinh doanh sáng dần về quý cuối năm, bức tranh tài chính của các "ông lớn" xây dựng cũng bớt u ám hơn khi các khoản nợ tại các doanh nghiệp đã giảm đáng kể so với hồi đầu năm và dòng tiền tiếp tục duy trì dương.

Theo đó, tổng nợ của Hòa Bình tại thời điểm ngày 31/12/2023 đã giảm 1.775 tỷ đồng so với đầu năm, còn 12.601 tỷ đồng. Trong đó, phải trả người bán ngắn hạn giảm 370 tỷ đồng (còn 4.368 tỷ đồng), nợ vay ngắn hạn giảm mạnh 1.115 tỷ đồng (xuống 3.989 tỷ đồng) và nợ vay dài hạn giảm 298 tỷ đồng (xuống 729 tỷ đồng). Trong năm qua, công ty đã đi vay gần 2.535 tỷ đồng và trả nợ vay 3.948 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dòng tiền kinh doanh của công ty tiếp tục duy trì mức dương 1.393 tỷ đồng (cùng kỳ âm 883 tỷ đồng).

Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu giảm đã khiến tổng nguồn vốn đến cuối năm 2023 của Xây dựng Hòa Bình giảm tương ứng gần 2.540 tỷ đồng so với đầu năm, xuống 13.055 tỷ đồng.

no-xay-dung-6678.png

Tương tự, tổng nợ của Hưng Thịnh Incons cũng giảm mạnh 1.643 tỷ đồng, tương đương hơn 21% so với đầu năm, còn 6.067 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn giảm tới 1.129 tỷ đồng, chủ yếu do giảm nợ vay tại các ngân hàng và giảm 123 tỷ đồng dư nợ trái phiếu. Tuy nhiên, trong kỳ, công ty lại phát sinh thêm 643 tỷ đồng nợ vay dài hạn, trong khi đầu năm không có.

Dòng tiền kinh doanh của Hưng Thịnh Incons đến cuối quý IV/2023 đang dương 260 tỷ đồng, trong khi đến cuối năm 2022 âm 1.019 tỷ đồng.

Đến cuối quý IV/2023, Vinaconex cũng hạ bớt hơn 2.000 tỷ đồng nợ vay so với đầu năm, còn hơn 20.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ dài hạn giảm 3.132 tỷ đồng, còn 5.036 tỷ đồng, ngược lại nợ ngắn hạn tăng 683 tỷ đồng lên 6.028 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh của công ty đến cuối quý IV/2023 duy trì dương hơn 3.300 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 1.767 tỷ đồng.

Ngược lại, với Coteccons, tổng nợ phải trả đến ngày 31/12/2023 lại nhích nhẹ 141 tỷ đồng so với cuối tháng 6/2023, lên 13.244 tỷ đồng. Song nợ vay ngắn hạn của công ty lại giảm 115 tỷ đồng, còn 582 tỷ đồng, trong khi nợ vay dài hạn đi ngang ở mức gần 500 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh của công ty sau khi dương trở lại trong năm tài chính 2023, đã tiếp tục duy trì mức dương trong hai quý đầu năm 2024, đang ở mức 536 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 329 tỷ đồng.

Có thể thấy, bức tranh kết quả kinh doanh năm 2023 của các doanh nghiệp ngành xây dựng nhìn chung vẫn đang gặp nhiều khó khăn nhưng đã có những tín hiệu khả quan hơn về những tháng cuối năm, làm cơ sở cho việc đặt kế hoạch đạt kết quả kinh doanh tốt hơn trong năm 2024.

Theo đó, Xây dựng Hòa Bình đặt chỉ tiêu đạt doanh thu 10.800 tỷ đồng năm 2024 (tăng 43% so với thực hiện năm 2023) và lợi nhuận sau thuế là 433 tỷ đồng, tương đương với năm 2019, thời điểm trước đại dịch COVID-19.

Hay Coteccons, trong năm tài chính 2024 (1/7/2023-30/6/2024), công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 17.793 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 274 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,6 lần và 5 lần năm tài chính 2023 (1/1/2023-30/6/2023). Sau 2 quý đầu năm tài chính 2024, Coteccons đã thực hiện được 55% kế hoạch doanh thu và gần 50% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Ông lớn" xây dựng đều có lãi trong quý IV/2023: Đã thấy ánh sáng cuối đường hầm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO