Các Hiệp hội ngành, nghề

PGS, TS. Trần Đình Thiên: Giá bán điện vẫn còn mang màu sắc "bao cấp"

Bảo Vy 01/11/2023 14:04

Theo PGS, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong khi mấy năm gần đây, chi phí sản xuất điện tăng rất cao, các điều kiện đầu vào như vốn, tỉ giá hối đoái, giá các năng lượng khác… đều tăng cao nhưng giá điện tại Việt Nam vẫn giữ ở mức thấp, chỉ tăng hầu như không đáng kể.

Tại toạ đàm “Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 31/10, PGS, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu ý kiến: “Tinh thần của chúng ta là hỗ trợ người lao động, hỗ trợ xã hội trong lúc khó khăn. Tuy nhiên, cách tư duy này trả giá bằng câu chuyện thị trường mất cân bằng. Đặc biệt đối với bên sản xuất như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và nhiều doanh nghiệp sản xuất điện bị lỗ rất nặng”.

Mặt khác, giá điện thấp khiến tiêu dùng nhiều, lãng phí và không khuyến khích đầu tư sản xuất điện.

Theo ông Thiên, giá điện phải đảm bảo khâu sản xuất, còn phần hỗ trợ Nhà nước phải tách riêng, tính vào an sinh xã hội. "Cách bù giá, bao cấp một phần cho các đối tượng yếu thế hiện nay ảnh hưởng trực tiếp tới giá điện thực tế, làm hỏng cơ chế thị trường", ông Thiên nói và nhắc lại quan điểm rằng "giá điện cao chưa chết, nhưng mất điện mới gay".

Cũng theo ông Thiên, muốn có giá điện hợp lý thì nguyên tắc thị trường phải chi phối, đảm bảo cân bằng cung cầu và sản xuất, tiêu dùng.

trandinhthien-16987490747341922483715-1698749996495-1698749996981391993804.jpg
Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

"Cơ chế thực hiện giá điện với phương thức cơ bản đã định hình rồi, quan trọng là tách bạch rõ giữa giá thị trường và hỗ trợ cho đối tượng yếu thế. Không thể đầu vào cao mà vẫn để giá điện thấp", ông nói. Tức là, chính sách xã hội có cơ chế hỗ trợ các nhóm thu nhập thấp, tách bạch với giá điện chung. Khi đó các doanh nghiệp ngành điện không phải gánh lỗ như hiện nay.

Theo cập nhật từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá nhiên liệu (than, khí, dầu) cho sản xuất điện giảm so với 2022 nhưng vẫn ở mức cao. Cụ thể, giá than nhập khẩu tăng gần 3 lần so với 2020, trên 1,3 lần so với 2021. Giá dầu cũng tăng xấp xỉ 2 lần năm 2020 và trên 1,1 lần 2021.

Trong khi đó, giá than pha trộn mua từ TKV tăng 29,6-46%, còn Tổng công ty Đông Bắc là 40,6-49,8% tùy chủng loại so với 2021. Tương tự, giá mua điện từ các nhà máy điện turbin khí cũng tăng, do lượng khí Nam Côn Sơn giảm mạnh. Những yếu tố này đẩy giá thành các nguồn điện than, turbin khí lên cao, trong khi tỷ trọng các nguồn phát này chiếm tỷ trọng 55% sản lượng điện toàn hệ thống.

Với chi phí nhiên liệu đầu vào hiện nay, EVN tính toán, giá thành sản xuất mỗi kWh khoảng 2.098 đồng, tức cao hơn giá bán lẻ bình quân gần 180 đồng một kWh.

Tại toạ đàm, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, cơ cấu điện hiện nay có nhiệt điện, thủy điện và các nguồn khác. Nguồn điện rẻ nhất hiện là thủy điện, chiếm khoảng 28% sản lượng, còn lại các nguồn điện giá thành cao như năng lượng tái tạo, trên 2.000 đồng một kWh với các dự án được hưởng giá FIT ưu đãi.

nguyentienthoa-1698749611839527902747-1698749997810-1698749998087167839490.jpg
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)

Ở giai đoạn mực nước các hồ thủy điện xuống thấp, để đảm bảo nhu cầu sản xuất, tiêu dùng, ngành điện sẽ phải huy động các nguồn giá cao, như điện chạy dầu với giá thành 5.000- 5.800 đồng/kWh, trong khi giá bán lẻ bình quân hiện là 1.920,37 đồng/kWh.

"Chúng ta không thể mua cao - bán thấp do sự phụ thuộc nguyên liệu đầu vào, nhưng với nỗ lực của Nhà nước, ngành điện bù đắp về giá từ trước đến nay hiện vẫn đủ điện cho kinh tế với mức giá chưa tính đúng, đủ với giá thành", ông Thỏa nói.

hadangson-16987497205191313363006-1698749998776-1698749998977168966436.jpg
Ông Hà Đăng Sơn, chuyên gia năng lượng

Mặt khác, việc duy trì giá điện ở mức thấp cũng khiến các nhà đầu tư không muốn bỏ vốn vào các dự án nguồn, lưới điện. Ông Hà Đăng Sơn, chuyên gia năng lượng khuyến nghị, cơ chế về thu hút đầu tư, trong đó có giá điện cần thay đổi phù hợp để nhà đầu tư (tư nhân, nước ngoài) thấy hấp dẫn, sẵn sàng bỏ tiền, và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Việt Nam đang định hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh, nên theo các chuyên gia, một trong ưu tiên chính sách là cần kiên quyết thực hiện lộ trình tăng giá điện và giá các năng lượng theo hướng tính đủ chi phí kinh tế, xã hội. Việc này nhằm hạn chế, hoặc ít nhất không ưu đãi với các ngành kinh tế thâm dụng điện năng và buộc doanh nghiệp phải đổi mới giải pháp kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa đồng tình, tính đúng, đủ là yêu cầu bắt buộc trong sản xuất kinh doanh của mọi doanh nghiệp, gắn với cơ chế thị trường.

phanduchieu-1698752422901228404423-1698755854849-16987558554381505184294.jpg
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế lưu ý, trước hết cần đảm bảo an ninh nguồn điện nhờ các chính sách đồng bộ, kịp thời phát triển ngành năng lượng. "Các dự án nguồn điện cần được đẩy nhanh, tăng tính cạnh tranh trên cơ sở giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, không sản xuất bằng mọi giá, và chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng, tiết kiệm điện, tiêu thụ điện xanh", ông nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PGS, TS. Trần Đình Thiên: Giá bán điện vẫn còn mang màu sắc "bao cấp"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO