(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 22/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức hội nghị phát động mở lại hoạt động du lịch chủ đề “Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn”.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh; đại diện lãnh đạo các địa phương, Sở quản lý Du lịch 28 tỉnh, thành phố trên cả nước; các đơn vị trực thuộc Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các chuyên gia du lịch, kinh tế...

Tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã trình bày Phương án mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới và khẳng định, đây là thời điểm vàng để du lịch Việt Nam bước sang một trang mới. Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, đây là dấu mốc quan trọng của ngành du lịch Việt Nam trong thời gian qua, là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và là hoạt động mở cửa giao thương với quốc tế sau thời gian dài đóng cửa vì đại dịch.

Các đại biểu thực hiện nghi thức mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Ảnh: Minh Phương

Thời gian qua, ngành Du lịch Việt Nam vừa chống dịch và triển khai nhiều hoạt động du lịch nội địa, quốc tế và đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Năm 2021, đón 40 triệu khách du lịch nội địa; duy trì kết nối với các thị trường mục tiêu và đạt nhiều giải thưởng châu Á và thế giới. Chính phủ đã tích cực hỗ trợ ngành Du lịch khôi phục. Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu trong việc phủ vắc xin COVID-19, đang tiến hành tiêm cho trẻ 5-12 tuổi. 

Việc mở cửa trở lại không chỉ khôi phục nền kinh tế, còn khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện; góp phần nâng cao du lịch Việt Nam trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới cũng đang khôi phục.

Đối với du khách quốc tế, Việt Nam đã miễn thị thực đơn phương cho 13 nước; khôi phục các quy định về xuất nhập cảnh trước đây. Du khách chỉ cần có kết quả test PCR âm tính trong 72h, test nhanh âm tính 24h. Nếu khách nhập cảnh trong thời gian dài, có thể tiến hành test tại cửa khẩu. Sử dụng ứng dụng PC Covid trong suốt thời gian lưu trú; phải tiêm chủng, nếu có triệu chứng nhiễm phải khai báo với cán bộ tại cửa khẩu.

Đối với trẻ em dưới 2 tuổi chưa tiêm chủng, chưa nhiễm SARS-CoV2, đi cùng gia đình có thể tham gia hoạt động ngoài trời. Đối với bảo hiểm khách quốc tế, cần mua bảo hiểm du lịch, trong đó chi trả cho COVID-19 với mức 10.000 USD. Đối với khách du lịch ra nước ngoài, phải tuân thủ quy định nhập cảnh, y tế của Việt Nam và nước đến. Đối với khách nội địa, mở cửa hoàn toàn, triển khai các chương trình kích cầu du lịch, thu hút du khách.

Bộ VHTTDL phối hợp các bên liên quan để mở cửa du lịch, tổ chức các chiến dịch xúc tiến quảng báo, phát động chương trình thu hút khách quốc tế và nội địa. Bộ cũng sẽ phối hợp với địa phương, các doanh nghiệp đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực; chỉ đạo doanh nghiệp cập nhật các quy định y tế.

Hiện nay, Bộ Y tế đã cập nhật phương án phòng chống dịch, xử lý tình huống phát sinh. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đảm bảo an ninh cho khách trong quá trình nhập cảnh. Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các hãng hàng không đảm bảo an toàn các chuyến bay, thực hiện quy định phòng chống dịch. Bộ Thông tin - Truyền thông truyền thông nội dung các phương án này, thông tin đến cả nước và quốc tế, nâng cấp ứng dụng PC COVID. Các địa phương chủ động triển khai các chương trình, quan tâm các doanh nghiệp, phối hợp Bộ VHTTDL. Các doanh nghiệp du lịch chủ động xây dựng đón khách an toàn, cập nhật, phổ biến, quán triệt các quy định, quy tắc phòng chống dịch.

Đại biểu thảo luận về việc thực hiện Phương án mở cửa. Ảnh: Minh Phương

Phát biểu phát động chính thức mở lại hoạt động du lịch, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho biết: “Từ ngày 15/3, Việt Nam đã mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới cả quốc tế và nội địa trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và ý kiến của các Bộ, ngành liên quan”.

Tại Phương án 829 của Bộ VHTTDL về mở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, các hoạt động du lịch được mở lại hoàn toàn thông qua hàng không, đường bộ và đường biển; đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Để nắm bắt thời cơ, tạo bứt phá và gia tăng lợi thế cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới, ngành Du lịch cần sự ủng hộ, phối hợp, vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể người dân. Bộ VHTTDL chính thức phát động mở lại các hoạt động du lịch trên phạm vi cả nước và trân trọng đề nghị các địa phương, các điểm đến, các doanh nghiệp tổ chức lại hoạt động du lịch, thống nhất quy trình đón tiếp và phục vụ khách; đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; có phương án xử lý phát sinh liên quan.

Truyền thông, quảng bá thông tin đến thị trường về điểm đến Việt Nam an toàn, hấp dẫn, thân thiện và sẵn sàng chào đón du khách; thông báo kịp thời đầy đủ cho du khách biết và thực hiện các quy định, hướng dẫn khi du lịch đến Việt Nam.

Chủ động kiểm tra, rà soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ; cải thiện, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách; tuyển dụng và đào tạo bồi dưỡng nhân lực nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu mở cửa lại du lịch.

Chủ động phối hợp, liên kết giữa các địa phương, các doanh nghiệp phát triển sản phẩm, làm mới sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách du lịch theo xu hướng mới; tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch.

Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông minh, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho du khách tiếp cận điểm đến, sử dụng dịch vụ và trải nghiệm trọn vẹn ở Việt Nam.

Trước đó, phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng đây là sự kiện rất quan trọng nhằm khởi động lại các hoạt động du lịch, lấy lại đà tăng trưởng sau khi Việt Nam công bố mở cửa từ ngày 15/3.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị các đại biểu tập trung chia sẻ, trao đổi, thảo luận cùng đưa ra các sáng kiến, ý tưởng, biện pháp cụ thể, thiết thực, giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan nhằm nhanh chóng mở lại hoạt động du lịch, đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Khi mở cửa lại du lịch, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và điểm đến trên toàn cầu đã có sự chuẩn bị sẵn sàng, hỗ trợ tốt về chính sách nhằm đẩy mạnh quảng bá xúc tiến, phục hồi, thu hút lại thị trường khách quốc tế ngay khi điều kiện cho phép. Do đó, cần có các biện pháp cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến, nỗ lực để thực hiện mục tiêu thu hút trên 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo.

Sau 2 năm bị tàn phá bởi làn sóng COVID-19, để mở cửa hiệu quả, các doanh nghiệp cần phối hợp để làm mới các sản phẩm hiện có, cần bổ sung thêm những sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu của khách đã thay đổi do COVID-19; chuẩn bị nguồn nhân lực và các chính sách kích cầu thu hút khách du lịch; nghiên cứu, triển khai các mô hình, kênh bán hàng phù hợp với nhu cầu mới của thị trường.

Bên cạnh đó, cần khôi phục các đường bay, tần suất khai thác đối với các chuyến bay quốc tế; mở thêm các đường bay mới đến Việt Nam từ các thị trường khách trọng điểm và tiềm năng. Tăng cường sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch và các hãng hàng không, điểm đến xây dựng các chương trình du lịch trọn gói, có chất lượng, ưu đãi nhằm kích cầu du lịch; thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ các quy định về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế, đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho hành khách.

Tập trung xây dựng, phát triển và quảng bá các loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao, du lịch chăm sóc sức khỏe...

Trước mắt tập trung các thị trường có khả năng phục hồi nhanh, mạnh, bền vững như khách châu Âu (Đức, Tây Ban Nha, Anh, Pháp), Úc, Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông; thị trường gần khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch.

Liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, hàng không, điểm đến là yêu cầu, đòi hỏi có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong mở cửa lại hoạt động du lịch nói riêng và trong nâng cao khả năng cạnh tranh, sức hấp dẫn của điểm đến nói chung. Các địa phương liên kết, thống nhất các quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, quản lý và trao đổi khách du lịch trong tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát; xây dựng và công bố các điểm đến an toàn, tăng cường quảng bá xúc tiến. Các doanh nghiệp du lịch phối hợp với các hãng hàng không, doanh nghiệp vận tải hành khách, các bên cung ứng dịch vụ thành lập liên minh kích cầu du lịch, đảm bảo chuỗi cung ứng có chất lượng.

Đồng thời cần có các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh hiệu quả trong hoạt động du lịch trong bối cảnh trên thế giới vẫn có nguy cơ diễn ra các làn sóng dịch khi tiến hành mở cửa ở quy mô lớn cùng với sự xuất hiện nhiều biến chủng vi rút mới và tại Việt Nam vẫn phải lưu ý vấn đề chênh lệch lớn về độ bao phủ vắc xin cũng như chưa thống nhất về quy trình, quy định kiểm soát an toàn, cách ly giữa một vài địa phương. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; thực hiện các quy định, hướng dẫn có liên quan của ngành y tế, du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát động mở lại hoạt động du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO