(thitruongtaichinhtiente.vn) - Gói hỗ trợ lãi suất 2% không chỉ đảm bảo đạt mục tiêu hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, nhờ phát huy hiệu quả tín dụng trong nền kinh tế và đặc biệt trực tiếp giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ giữ ổn định giá thành và giá bán sản phẩm hàng hóa, góp phần giữ ổn định giá cả trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng.
Hiện nay, toàn hệ thống ngân hàng đang tích cực, rốt ráo triển khai gói tín dụng hỗ trợ 2% lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuộc các nhóm ngành lĩnh vực: hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục - đào tạo; nông - lâm nghiệp - thủy sản; công nghiệp chế biến - chế tạo; xuất khẩu phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; bao gồm cả hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành này, trừ hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản; thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ.
Việc thực hiện gói tín dụng hỗ trợ này mang lại lợi ích rất lớn không chỉ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hội kinh doanh - các đối tượng thụ hưởng trực tiếp, cho các tổ chức tín dụng (TCTD) mà còn cho toàn bộ nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh hiện nay:
Thứ nhất, đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, việc hỗ trợ 2% lãi suất cho vay sẽ trực tiếp giảm chi phí vốn vay, từ đó giảm chi phí hoạt động, giảm giá thành sản phẩm, rất có ý nghĩa trong điều kiện hiện nay, khi chi phí nguyên vật liệu, vận chuyển đang có xu hướng tăng do giá xăng dầu và nguyên liệu nhập khẩu tăng.
Thứ hai, đối với các TCTD thông qua việc thực hiện gói hỗ trợ này, theo nguyên tắc gắn với hoạt động tín dụng của các TCTD, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành lĩnh vực hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải được TCTD thẩm định và chấp thuận cho vay. Qua đó góp phần để các TCTD mở rộng và tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đặc biệt là củng cố và mở rộng quan hệ ngân hàng - khách hàng; mở rộng và phát triển dịch vụ. Đây là yếu tố quan trọng và luôn trong mục tiêu phát triển thị phần, phát triển khách hàng của mỗi TCTD trong quá trình thực hiện chiến lược kinh doanh.
Thứ ba, đối với nền kinh tế và chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, của NHNN, thực hiện tốt gói tín dụng này, không chỉ đảm bảo đạt mục tiêu hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, nhờ phát huy hiệu quả tín dụng trong nền kinh tế và đặc biệt trực tiếp giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ giữ ổn định giá thành và giá bán sản phẩm hàng hóa, góp phần giữ ổn định giá cả trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng.
Với những ý nghĩa như vậy, gói tín dụng này cần phải được tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả. Trong đó, đối với các TCTD thực hiện Thông tư 03 có trách nhiệm sẽ góp phần quan trọng tạo thành công chính sách này và mang lại các hiệu quả trên đây. Đó là trách nhiệm thực thi pháp luật, trách nhiệm của tổ chức cho vay; trách nhiệm với lợi ích doanh nghiệp và người dân, từ đó có các giải pháp thực thi hiệu quả trong xây dựng quy trình nghiệp vụ; hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức thực hiện, gắn với việc quản lý, quản trị và kiểm soát hoạt động này trong toàn hệ thống TCTD, đảm bảo công khai minh bạch. Bên cạnh đó, các TCTD cũng cần thực hiện đúng quy định về cho vay theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN và cơ chế hỗ trợ theo Thông tư 03/2022/TT-NHNN cũng như làm tốt công tác quản lý khoản vay và thông tin tuyên truyền, tư vấn để doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh nắm bắt, tiếp cận thuận lợi chính sách hỗ trợ 2% của Chính phủ. Song song với việc thực hiện trách nhiệm Thông tư 03/2022/TT-NHNN, mỗi TCTD cần quán triệt tinh thần năng động, sáng tạo và vì lợi ích chung, sẻ chia để vượt qua những khó khăn phát sinh liên quan (nếu có), đồng thời có những vận dụng sáng tạo trong công tác tổ chức thực hiện; công tác quản lý và ứng dụng công nghệ trong hoạt động này nhằm giảm thiểu thời gian giao dịch và tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận chính sách, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp để phục hồi và phát triển.