Phát triển hoạt động cho vay theo chuỗi giá trị với các sản phẩm nông nghiệp

Ngô Hải| 24/06/2020 17:40
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng ngày 24/6, Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học và công nghệ: “Phát triển hoạt động cho vay theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của Việt Nam”. Đề tài do ông Trần Văn Tần, Ủy viên HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) là Chủ nhiệm, các thành viên tham gia đến từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vietcombank và Agribank.

Toàn cảnh hội thảo

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, chuỗi giá trị đang là xu thế tất yếu trên thế giới và tại Việt Nam. Ở Việt Nam, Đảng và nhà nước cũng đã có những chính sách nhằm khuyến khích sản xuất theo chuỗi giá trị cho nông nghiệp. Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng cũng luôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, NHNN cho biết, đề tài nghiên cứu “Phát triển hoạt động cho vay theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của Việt Nam” sẽ là cơ sở để hình thành nên những cơ chế, chính sách thúc đẩy được cho vay theo chuỗi giá trị, đặc biệt cho vay theo chuỗi giá trị đối với ngành nông nghiệp. Qua đó, hướng tới sự phát triển bền vững cho cả ngành nông nghiệp và cho cả ngân hàng.

Nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp và người dân

Đánh giá trong Đề tài nghiên cứu, nhóm tác giả cho biết, hoạt động cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam bước đầu đã đạt được những kết quả tốt, phản ánh xu thế phát triển của ngành nông nghiệp hiện nay. Đến nay đã hình thành các khung chính sách lớn hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết và cho vay theo chuỗi liên kết: Tín dụng, bảo hiểm, khuyến khích hợp tác liên kết, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp,…

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, NHNN phát biểu tại hội thảo

Chính phủ và NHNN đã ban hành chính sách cụ thể để hỗ trợ cho vay liên kết theo chuỗi giá trị, như: chính sách dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn; phân bổ tín dụng; hỗ trợ khi khách hàng gặp khó khăn… Các TCTD cũng đang rất quan tâm đến cho vay theo chuỗi đối với lĩnh vực nông nghiệp.

Đề tài nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, cho vay theo chuỗi giá trị có nhiều ưu điểm so với cho vay truyền thống, vai trò của tín dụng theo chuỗi giá trị, cụ thể: Các thành viên trong chuỗi sẽ nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là các thành viên năng lực tài chính kém; Bảo đảm nguồn vốn hỗ trợ để phát triển ổn định sản phẩm; Thông tin trong chuỗi giá trị minh bạch và giảm thiểu rủi ro.

Với ngân hàng. Cho vay theo chuỗi giá trị giúp kiểm soát dòng tiền trong chuỗi, tiết kiệm chi phí cho vay và bán chéo được sản phẩm. 

Còn với xã hội và nền kinh tế. Cho vay theo chuỗi giá trị sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận tài chính của người dân, tạo công ăn việc làm. Đồng thời, góp phần thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả ngành nông nghiệp.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, cho vay theo chuỗi giá trị đang trở nên cấp thiết đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Cụ thể, kết quả khảo sát để phục vụ nghiên cứu đề tài được ông Trần Văn Tần đưa ra tại hội thảo cho biết, hầu hết hộ dân (90%), doanh nghiệp (70%) cho rằng cần thiết phải liên kết theo chuỗi giá trị; 80% các ngân hàng được hỏi cũng trả lời việc cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp là một mảng kinh doanh tiềm năng và có triển vọng.

Hầu hết ngân hàng (87%) được hỏi trả lời đã triển khai cho vay chuỗi giá trị trong nông nghiệp, một số ít ngân hàng có ban hành quy định nội bộ về triển khai sản phẩm tín dụng cho liên kết (bao thanh toán). Doanh nghiệp có xu hướng (74%) thực hiện liên kết khép kín. Trong khi 81% hộ dân, HTX cho rằng chỉ cần ký hợp đồng tiêu thụ…

Gợi mở các giải pháp thúc đẩy cho vay theo chuỗi giá trị

Ông Trần Văn Tần, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, ngân hàng, doanh nghiệp và người dân, tuy nhiên, đề tài nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong phát triển cho vay theo chuỗi tại Việt Nam hiện nay.

Các tồn tại, hạn chế có thể kể đến như: Thực hiện mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp còn hạn chế và chủ yếu mới gắn kết ở khâu tiêu thụ; Kết quả cho vay đối với các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp còn thấp chỉ chiếm khoảng 1,5% trong tổng dư nợ cho vay đối với nông, lâm nghiệp và thủy sản… Đặc biệt, cho vay theo chuỗi liên kết trong nông nghiệp chưa nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của các tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài.

Trên cơ sở đó, để có thể đẩy mạnh theo chuỗi giá trị, ông Trần Văn Tần và các thành viên trong nhóm nghiên cứu đề xuất, trước hết phải có các chuỗi liên kết trong thực tiễn. Các giải pháp để phát triển liên kết nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư trong nông nghiệp nói chung và đầu mối trong liên kết với nông dân.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất: “Nhà nước cần triển khai mạnh mẽ các chính sách đối với doanh nghiệp để khuyến khích phát triển các mô hình liên kết”.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu để bổ sung hoàn thiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tạo cơ sở pháp lý để các TCTD đẩy mạnh cho vay phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Khuyến khích các TCTD xây dựng và phát triển các các sản phẩm cho vay phù hợp với mô hình liên kết.

Đặc biệt đề tài đã đưa ra một số các giải pháp cụ thể đối với từng nhóm mặt hàng chủ lực của nông nghiệp Việt Nam, bao gồm cà phê, lúa gạo,  cá tra, tôm, trái cây.

Ví như đối với chuỗi lúa gạo và trái cây, đề tài khuyến nghị các giải pháp như: Tập trung cho vay doanh nghiệp đầu mối, hợp tác xã căn cứ trên hợp đồng liên kết rõ ràng, có lịch sử tín dụng và lịch sử tuân thủ hợp đồng hợp tác tốt; Phát triển các sản phẩm cho vay, dịch vụ ngân hàng:  cho vay ngắn hạn, trung dài hạn, từng lần, hạn mức, bảo lãnh,...; Ưu tiên sử dụng các phương thức thanh toán an toàn như L/C chỉ áp dụng nhờ thu (D/P), chuyển tiền (TTR),… đối với các khách hàng thường xuyên, tin cậy; Tăng cường phối hợp giữa các TCTD, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức phi Chính phủ trong tài trợ chuỗi…

Hay với Chuỗi giá trị cà phê, đề tài khuyến nghị các giải pháp như: Cấp tín dụng trọn gói theo chuỗi giá trị từ sản xuất, thu mua đến chế biến, chế biến sâu cà phê và tiêu thụ; Ưu tiên cho vay doanh nghiệp thu mua, chế biến sâu cà phê có uy tín về xuất khẩu, có hợp đồng đầu ra ổn định; Sản phẩm cho vay, dịch vụ ngân hàng: cho vay ngắn hạn, trung dài hạn, từng lần, hạn mức, bảo lãnh,...; Áp dụng hình thức bao thanh toán cho người bán dựa trên hợp đồng liên kết, năng lực và uy tín của Người mua.

Đối với ngành ngân hàng, khuyến nghị được đưa ra có các giải pháp huy động vốn giá rẻ, tập trung nguồn lực để cho vay nông nghiệp nông thôn nói chung và chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ yếu nói riêng. Hơn nữa, cho vay theo chuỗi có những đặc thù riêng nên các ngân hàng cũng cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ ngành Ngân hàng.

Ngoài ra, để phát triển hiệu quả hoạt động cho vay theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của Việt Nam, đề tài cũng khuyến nghị: Xây dựng cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đa dạng cho phát triển những sản phẩm nông nghiệp chủ lực nhất là trong lĩnh vực đất đai, lao động, công nghệ,...; Xây dựng cơ chế lồng ghép các nguồn lực để đầu tư phát triển nông nghiệp trên cùng một địa bàn…

Đối với Quốc hội, Chính phủ, NHNN, các Bộ, ngành và địa phương, nhóm nghiên cứu đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cũng như nghiên cứu thêm cơ chế chính sách khuyến khích các bên tham gia hoạt động cho vay theo chuỗi giá trị.

Kết luận hội thảo, ông Phạm Xuân Hòe cho biết, để thúc đẩy hoạt động cho vay theo chuỗi giá trị phát triển mạnh trong thời gian tới, ngoài doanh nghiệp trung tâm (chủ chuỗi), thì vai trò của các ngân hàng rất quan trọng. Bởi các ngân hàng là người giám sát dòng tiền, là người chia sẻ và kết nối các bên lại với nhau. Do vậy, các ngân hàng cần chủ động tạo ra các chuỗi giá trị.

Cũng theo ông Phạm Xuân Hòe, sự bền vững trong nông nghiệp cũng chính là bền vững cho ngân hàng. "Câu chuyện được mùa mất giá vốn vẫn là câu chuyện muôn thuở của ngành nông nghiệp. Vì thế việc xây dựng chuỗi giá trị trong nông nghiệp là vô cùng cần thiết, từ đó đẩy mạnh việc cho vay theo chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, góp phần phát triển nông nghiệp Việt Nam", ông Hòe nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển hoạt động cho vay theo chuỗi giá trị với các sản phẩm nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO