Có thể nói, phát triển ngân hàng số là định hướng chiến lược, đồng thời là nhiệm vụ của ngành ngân hàng trong phát triển nền kinh tế số. Quá trình này, mang lại rất nhiều lợi ích không chỉ cho khách hàng, người dân, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế mà còn mang lại hiệu quả hoạt động cho chính các TCTD và ngành ngân hàng.
Triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng trong phát triển nền kinh tế số, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (theo Quyết định 810/QĐ-NHNN); Kế hoạch của ngành ngân hàng triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số (theo Quyết định 1887/QĐ-NHNN), cũng như thực hiện các giải pháp của Chỉ thị 03/CT-NHNN về đẩy mạnh triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trong ngành ngân hàng. Đây là những chủ trương chính sách, cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng (TCTD) phát triển ngân hàng số, với nội hàm số hóa mọi dịch vụ và hoạt động giao dịch của ngân hàng truyền thống trên nền tảng công nghệ hiện đại, qua môi trường internet. Quá trình này, mang lại rất nhiều lợi ích không chỉ cho khách hàng, người dân, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế mà còn mang lại hiệu quả hoạt động cho chính các TCTD và ngành ngân hàng. Tiếp cận ở góc độ này, hiệu quả đó phản ánh trên những phương diện chính sau:
Một là, phát triển ngân hàng số, thúc đẩy mọi lĩnh vực hoạt động của ngân hàng thương mại, các TCTD phi ngân hàng tăng trưởng và phát triển. Đặc biệt, thông qua việc ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại, thúc đẩy hoạt động thanh toán qua ngân hàng tăng trưởng vượt bậc, với những kết quả ấn tượng về tiện ích, về thời gian và phương thức giao dịch. Theo đó, sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến, khách hàng có thể thực hiện giao dịch mọi lúc, mọi nơi và nhanh chóng, an toàn, bảo mật. Chính sự tiện ích và tiện lợi này, tạo điều kiện thu hút khách hàng quan hệ với ngân hàng và là cơ sở quan trọng để các TCTD mở rộng và tăng trưởng các hoạt động dịch vụ truyền thống và cốt lõi khác: huy động vốn và cho vay vốn, mở rộng và tăng trưởng có hiệu quả.
Hai là, nâng cao hiệu quả hoạt động của các NHTM và tạo dư địa cho tăng trưởng. Phát triển ngân hàng số với nội hàm ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại trong phát triển dịch vụ ngân hàng; trong quản lý, quản trị ngân hàng không chỉ tạo điều kiện cung cấp tốt nhất dịch vụ ngân hàng hiện đại cho khách hàng và nền kinh tế, thu hút và mở rộng khách hàng để duy trì tốc độ tăng trưởng; tạo dư địa cho tăng trưởng và phát triển ổn định bền vững mà còn giúp các TCTD nâng cao hiệu quả hoạt động nhờ tiết giảm chi phí phát triển mạng lưới; chi phí quản lý; chi phí nhân công… từ đó, năng cao năng suất và hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện tăng trưởng doanh thu, thu nhập và lợi nhuận mang lại. Đây là giá trị cốt lõi từ phát triển ngân hàng số đối với TCTD trong vai trò là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ tín dụng và ngân hàng. Bên cạnh đó, giá trị to lớn của chuyển đổi số và phát triển ngân hàng số sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho mỗi TCTD và cạnh tranh để phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0 mà xu hướng đổi mới để tồn tại phát triển là xu hướng tất yếu khách quan, xu hướng đó tạo điều kiện cho các TCTD đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển dịch vụ để tạo dư địa cho tăng trưởng ở giai đoạn tiếp theo.
Ba là, nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và góp phần quan trọng vào việc thực hiện phát triển nền kinh tế số theo định hướng của Chính phủ. Kế hoạch chuyển đổi số của ngành ngân hàng không chỉ tạo điều kiện để phát triển ngân hàng số mà còn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động quản trị kinh doanh của NHTM và trong hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Kết quả của quá trình này, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ tín dụng và hoạt động ngân hàng, gắn với lợi ích mang lại từ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tiết giảm chi phí và khắc phục những hạn chế liên quan đến thanh toán bằng tiền mặt, qua đó góp phần trực tiếp vào hoạt động điều hòa lưu thông tiền tệ & lưu thông hàng hóa cũng như điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát và giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Phát triển ngân hàng số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý, tạo điều kiện cho ngành ngân hàng thực hiện tốt cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ (cả dịch vụ ngân hàng và dịch vụ công), từ đó tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và hỗ trợ cho doanh nghiệp, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, phát triển ngân hàng số góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công chiến lược phát triển nền kinh tế số, với vai trò là ngành kinh tế quan trọng đối với nền kinh tế, ngành ngân hàng tiên phong trong hoạt động ứng dụng công nghệ hiện đại và số hóa hoạt động ngân hàng mang ý nghĩa to lớn và hiệu ứng tích cực đối với toàn bộ nền kinh tế.