Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Tạo dựng niềm tin qua các công cụ xử lý rủi ro.

Bùi Trang| 14/09/2022 08:44
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Các chuyên gia kinh tế cho rằng cần xây dựng các công cụ xử lý rủi ro như xếp hạng tín nhiệm, bảo hiểm rủi ro… qua đó xây dựng niềm tin thị trường.

 

Phát triển nhanh đi kèm rủi ro

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 8/2022, có 26 đợt phát hành TPDN riêng lẻ với giá trị 13.930 tỷ đồng và 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó chủ yếu là trái phiếu của các ngân hàng thương mại; các lĩnh vực khác tiếp tục khá hạn chế, chỉ có 2 đợt phát hành từ CTCP Fuji Nutri Food và CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền với tổng 1.800 tỷ đồng.

Từ sự bùng nổ và liên tục gia tăng trong các năm 2020 và 2021, hoạt động phát hành mới ở các lĩnh vực ngoài ngân hàng rơi vào trầm lắng suốt từ tháng 4/2022 đến nay. Những rủi ro đầu tư và rủi ro pháp lý bộc lộ ở một số trường hợp sau giai đoạn phát triển nóng, cùng hướng siết chặt lại cơ chế pháp lý (đặc biệt ở việc sửa đổi Nghị định 153 về phát hành TPDN) được cho là nguyên do.

Tại Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm” do Tạp chí Nhịp sống Doanh nghiệp, BizLIVE tổ chức, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng đây là kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp cần phải được khởi thông. Những động thái của các cơ quan chức năng thời gian qua giúp thị trường thanh lọc song cũng cần có những tháo gỡ để thị trường vốn được khơi thông.

TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết, ông thống kê tổng dư nợ TPDN vào khoảng 1,5 triệu tỷ, tổng số vốn trung dài hạn hệ thống ngân hàng 5 triệu tỷ, bằng khoảng 1/3. Những năm qua, vốn trái phiếu tăng trưởng với khoảng 30-35%/năm. Trái phiếu là thị trường vô cùng quan trọng nhưng đang không được phát triển với tâm thế xem nó là "máu" của nền kinh tế thị trường.

"Hiện tại tôi cho rằng chưa có đủ định chế thật sự để quản lý giám sát phát triển thị trường này. Vì vậy cách làm như vậy có vấn đề, khi sai phạm hình sự hóa. Cứ mỗi lần như vậy thị trường bị rủi ro nhiều trong khi thị trường này là niềm tin", ông Nghĩa nói.

TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, tại Việt Nam, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một mảnh ghép phát triển hơi chậm so với các thị trường vốn khác. Tuy nhiên, một điều đáng mừng là thị trường đang phát triển nhanh chóng. Trong giai đoạn 2017-2021 quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng 24%, và đến 2021 là 56%. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường là vô cùng lớn, thể hiện nhu cầu lớn của cả người phát hành và người mua đều rất lớn.

"Tuy nhiên, cái gì mới ra mà lớn nhanh quá thì lại phải thận trọng, giống như khi mới tập đi mà đã đi quá nhanh thì hay bị ngã, đôi khi ngã rất đau. Chúng ta cũng thấy vừa rồi xảy ra một số vụ việc, tuy nhiên, cách xử lý không gây ra sự xáo động quá lớn với thị trường. Lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành chỉ chậm lại trong tháng 4, tháng 5 và tới tháng 6 thì lượng phát hành đã tăng trở lại" - ông Tú Anh nói.

Cần xây dựng công cụ xử lý rủi ro

Điều quan trọng theo ông Tú Anh là khi chúng ta tham gia thị trường đều có niềm tin, luật chơi ở đây là nếu người ta làm sai thì phải trả giá, bất kỳ thị trường nào cũng đều phải xây dựng hệ thống niềm tin. Thông thường, chúng ta có 2 cách tiếp cận về niềm tin. Cách cổ điển là chúng ta xây dựng luật chặt chẽ, kiểm soát thật chặt để lọc bớt rủi ro. Cách làm như thế đúng là ít rủi ro nhưng lại tiêu diệt thuộc tính đương nhiên của thị trường là có rủi ro.

Do đó chúng ta có cách tiếp cận mới là phải xây dựng niềm tin, xây dựng các công cụ xử lý rủi ro. Mỗi nhà đầu tư có khẩu vị khác nhau về rủi ro nên có những nhu cầu khác nhau, nên chúng ta cần có các công cụ khác nhau.

Đối với công cụ xếp hạng tín nhiệm, theo ông Don Lambert - Trưởng ban Phát triển Khu vực Kinh tế tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam hiện nay đã có nhiều đơn vị xếp hạng tín nhiệm toàn cầu và trong khu vực châu Á cũng có những đơn vị xếp hạng uy tín. Việt Nam muốn có những đơn vị xếp hạng tín nhiệm thành công cần học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm toàn cầu. Xếp hạng chính là ý kiến và bạn cần đảm bảo ý kiến đó hoàn toàn minh bạch, khách quan, không bị ảnh bởi những ý kiến tác động của bên nào.

Ông Don Lambert khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể làm được xếp hạng tín nhiệm vì đã có những đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa. Bên cạnh đó, một khi đã phát triển được môi trường pháp lý tốt thì sẽ thu hút được nhà đầu tư.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Tú Anh gợi mở công cụ phát triển niềm tin tốt hơn là xây dựng bảo hiểm rủi ro, theo đó, chúng ta xây dựng những định chế đảm bảo, rằng rủi ro ít thì trả họ trả phí ít, rủi ro nhiều thì trả phí nhiều… thị trường khi đó sẽ tự vận hành một cách mượt mà hơn, bền vững hơn.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Trần Phục – Chủ tịch HĐQT AzFin cho rằng doanh nghiệp phải có trách nhiệm với nhà đầu tư, với chính mình, với cán bộ nhân viên của mình, với sự phát triển của thị trường tài chính. Để xử lý được vấn đề này, doanh nghiệp cần sử dụng vốn hiệu quả hơn, thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết, trả nợ đúng hạn. Họ nên thành lập bộ phận quản trị tài chính, có nhiệm vụ tính toán dòng tiền, nhu cầu vốn, giúp doanh nghiệp hoạt động theo một kế hoạch bài bản.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có bộ phận quan hệ nhà đầu tư nhằm tương tác và đưa ra sản phẩm phù hợp với nhà đầu tư, góp phần làm việc sử dụng đồng vốn một cách minh bạch, hiệu quả hơn. Ngoài ra, chúng ta cũng cần có những quy định rõ ràng liên quan đến trách nhiệm của các bên liên quan khác như đại lý phát hành, quy định rõ về tài sản đảm bảo,…

Đối với nhà đầu tư, cần nhìn nhận trái phiếu cũng là một kênh đầu tư, hãy phân bổ nguồn vốn của mình một cách hợp lý. Nếu trực tiếp mua trái phiếu thì nhà đầu tư phải tự mình tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin của nhà phát hành hoặc có thể tìm đến các nhà tư vấn chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng hiện các chủ thể hoạt động trên thị trường còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu nhà đầu tư là quỹ đầu tư. Cần tổng thể khôi phục phát triển thị trường trong thời gian tới. Quan trọng cần có dẫn đường của Chính phủ, ứng xử với các vấn đề này, trước mắt đối diện với giai đoạn đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp. Như vậy, phải tính đến xử lý không thô bạo, có lộ trình, cần thiết phải triển khai trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Tạo dựng niềm tin qua các công cụ xử lý rủi ro.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO