Chứng khoán

Phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp của thị trường Việt Nam

Mai Hương 09/10/2023 - 16:49

Mức thanh khoản thấp thể hiện tâm lý còn nhiều thận trọng trong khi khối ngoại cũng bán ra với quy mô trên 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, VN-Index đã có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp.

Định vị thị trường

Diễn biến mới nhất về căng thẳng chiến sự tại Trung Đông đã phản ánh vào giá dầu với hợp đồng tương lai Brent đang tăng hơn 3%. Tuy nhiên, chứng khoán châu Á chưa chịu nhiều sự xáo trộn. Các chỉ số NIKKEI 225 (-0,26%), KOSPI (+0,21%), Hang Seng (+0,18%), SET (-0,54%) chỉ đi trong biên độ khá hẹp.

VN-Index đã tận dụng được cơ hội để có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp ngay trong ngày đầu tuần. So với các thị trường kể trên biên độ của thị trường Việt Nam tốt hơn.

Chất xúc tác

Tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 46.899,80 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường lên mức 140.700 tỷ đồng. Tác động rõ nhất đã phản ánh vào lãi suất liên ngân hàng. Mức lãi suất bình quân qua đêm đạt 0,94% trong khi quy mô giao dịch bình quân đạt 196,8 nghìn tỷ đồng.

bsc910.jpg

Ngoài tác động của nhà điều hành, việc chỉ số DXY cũng hạ nhiệt giúp vận động của tỷ giá được xoa dịu. Trong sáng ngày 9/10, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.069 VND/USD, giảm tiếp 5 đồng so với phiên liền trước. Tỷ giá mua tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn giữ nguyên ở mức 23.400 VND/USD trong khi tỷ giá bán giảm 5 đồng, đang ở mức 25.222 VND/USD. Theo dự báo mới nhất của VIRA, tỷ giá cuối năm 2023 sẽ chỉ ở mức 23.974 VND/USD.

3ex-2023-10-09.png

Dù vậy, hoạt động giao dịch của khối ngoại hiện chưa có quy luật gắn với tỷ giá. Nhà đầu tư nước ngoài có phiên bán ròng hơn 700 tỷ đồng trên HOSE. Tổng giá trị giao dịch 2 chiều của họ đạt 1.986, chiếm tới 7,2% toàn HOSE.

Vận động thị trường

Tín hiệu của thị trường trước phiên bán ròng mạnh của nước ngoài là khá tốt. Các mã FUEVFVND (-151 tỷ đồng), VIC (-87 tỷ đồng), POW (-70 tỷ đồng), FRT (-32,52 tỷ đồng), VHM (-17 tỷ đồng) đều chỉ giảm dưới 2% trong đó FUEVFVND, VHM thậm chí vẫn tăng 1,05% và 2,06%.

Cổ phiếu VIC dù đóng cửa thấp nhất phiên nhưng biên độ giảm chỉ là 1,63%. Điều này cho thấy tiền nội đã làm khá tốt nhiệm vụ đối ứng lại dòng tiền rút ra của nhà đầu tư nước ngoài.

Chỉ số dẫn dắt thị trường là VN30 có mức đóng cửa cao nhất phiên với độ rộng 20/30 mã tăng giá. Các mã tăng tốt nhất là ACB (+3,2%), FPT (+3,1%), GAS (+2,9%), HPG (+2,2%), VHM, VPB (+2,1%), PLX (+2%).

Thị trường chung đạt độ rộng 63% mã tăng giá. Có khá nhiều mã tăng trên 3% như NVL, DIG, HSG, HAH, NKG, VCI, BSI, DCM, và thậm chí một số mã tăng trần như HTN, PSH, RDP, CSV. Gần như không có trường hợp nào phải chịu áp lực bán mạnh khi chốt phiên.

Sau 4 tuần giảm liên tiếp, trạng thái tâm lý đang có phần khởi sắc hơn. Dù vậy, nhà đầu tư vẫn đang có tâm lý chờ đợi một phiên "bùng nổ theo đà" nên thanh khoản chưa có sự cải thiện. Khối lượng giao dịch của HOSE đạt 602,61 triệu đơn vị, tương đương 13.769 tỷ đồng.

vnindex910a.jpg

Với những biểu hiện này, vận động của 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index thường sẽ có sự trái chiều nhau. HNX-Index có phiên tăng 1,35% trong khi UPCoM-Index lại giảm 0,36%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.100 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp của thị trường Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO