Văn hóa

Quán triệt và thực hiện tốt phong trào "toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" góp phần đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng

Nguyễn Đức Lệnh 29/10/2023 07:30

Mỗi TCTD bằng hành động cụ thể và vận dụng sáng tạo những nội dung của phong trào gắn với nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ngân hàng; công tác quản trị rủi ro và bảo đảm an ninh an toàn hoạt động ngân hàng, để có các phương thức tổ chức triển khai thực hiện phù hợp.

Phong trào “ toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” là phong trào có ý nghĩa to lớn, xuất phát từ yêu cầu cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, bảo vệ an ninh trật tự cũng là sự nghiệp của quần chúng, thông qua đó vận động quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành công an mà là nhiệm vụ của toàn dân, của tất cả các tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị, trong đó có ngành ngân hàng nói chung và trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Nhận thức như vậy để mỗi tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn Thành phố quán triệt và thực hiện tốt phong trào “ toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, vận dụng và thực hiện trong nhiệm vụ hoạt động ngân hàng, nhất là trong công tác phòng chống tội phạm và bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng trong tình hình mới, với xu hướng phát triển nhanh mạnh của dịch vụ ngân hàng hiện đại, sự phát triển của nền kinh tế số trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện và phối hợp thực hiện tốt phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là: giáo dục, thông tin tuyên truyền về ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ nhân viên ngân hàng tại từng TCTD đối với công tác bảo vệ an ninh trật tự và an toàn xã hội; phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh kinh tế; bí mật nhà nước… và an toàn hoạt động ngân hàng. Đây là nhiệm vụ thuộc trách nhiệm người đứng đầu TCTD và phải được thực hiện thường xuyên.

Đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền và công an các địa phương (nơi TCTD, Chi nhánh TCTD hoạt động) để làm tốt công tác này, thông qua các hội nghị, lớp học tập nghiệp vụ công tác tập huấn và tuyên truyền mang tính chuyên đề: về tội phạm ngân hàng; về cách phòng chống và phát hiện; về biện pháp thông tin tuyên truyền; về phòng cháy chữa cháy; về giao thông; về kỹ năng xử lý tin đồn…; cùng các hoạt động phối hợp, ký kết giữa TCTD và cơ quan công an tại địa bàn.

Thứ hai, làm tốt các nhiệm vụ của phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đối với các TCTD sẽ không chỉ đảm bảo cho mỗi cán bộ nhân viên ngân hàng làm tốt vai trò nhiêm vụ công dân, nhiệm vụ của quần chúng trong việc tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, mà còn giúp cho mỗi cán bộ nhân viên ngân hàng thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống và ngăn ngừa tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng cũng như hỗ trợ cho khách hàng của Ngân hàng làm tốt công tác này, đồng thời hạn chế rủi ro phát sinh.

Thực tế, cán bộ nhân viên ngân hàng nắm rõ, hiểu rõ phương thức thủ đoạn của tội phạm ngân hàng, nhất là tội phạm công nghệ cao hiện nay đã giúp cho nhiều người dân, là khách hàng của ngân hàng hạn chế được rủi ro mất tiền, ngăn ngừa tội phạm và phối hợp với cơ quan chức năng phòng chống tội phạm có hiệu quả.

Thứ ba, làm tốt nhiệm vụ phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” sẽ tạo hiệu ứng thông tin truyền thông có hiệu quả và toàn diện. Trong đó, đối với mỗi cán bộ nhân viên ngân hàng, việc nắm bắt, nhận thức được vai trò, nhiệm vụ của công dân sẽ góp phần tích cực trong việc tham gia vào các hoạt động tại địa phương, nơi ở và hoạt động cộng đồng như: trong công tác thông tin và tố giác tội phạm; công tác phòng cháy chữa cháy; an toàn giao thông và các hoạt động bảo vệ an ninh an toàn trật tự xã hội khác…

Đặc biệt, sẽ nâng cao ý thức được trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin đúng; có ý thức cảnh giác với thông tin xấu độc, thông tin chống phá, chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay. Qua đó, không chỉ giúp bản thân mỗi cán bộ nhân viên ngân hàng làm tốt công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh an toàn hoạt động ngân hàng tại đơn vị mà còn lan tỏa thông tin, tuyên truyền cho khách hàng của ngân hàng.

Hình thức thông tin này hiệu quả, bởi lẽ số lượng khách hàng của ngân hàng rất lớn, dịch vụ ngân hàng hiện nay là dịch vụ không thể thiếu được đối với mỗi người dân. Ý nghĩa to lớn này đòi hỏi các TCTD thực hiện và tham gia tích cực phong trào “toàn dân bảo vệ Tổ quốc” với tinh thần trách nhiệm và tuân thủ.

Với mục tiêu, ý nghĩa và yêu cầu trách nhiệm, nhiệm vụ của ngành ngân hàng Thành phố nói chung và các TCTD nói riêng trong việc thực hiện phong trào "toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” như phân tích ở trên, mỗi TCTD bằng hành động cụ thể và vận dụng sáng tạo những nội dung của phong trào gắn với nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ngân hàng; công tác quản trị rủi ro và bảo đảm an ninh an toàn hoạt động ngân hàng, để có các phương thức tổ chức triển khai thực hiện phù hợp. Trong đó, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan công an tại địa phương làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến và quán triệt các nội dung, nhiệm vụ và chương trình của phong trào này; thông tin kịp thời các loại hình tội phạm phát sinh và kinh nghiệm phòng chống…, cũng như phối hợp hành động và phương thức trao đổi cung cấp thông tin để xử lý tình huống và các trường hợp cụ thể (nếu có phát sinh)… Có như vậy mới đảm bảo thực hiện tốt và hiệu quả công tác phòng chống và ngăn ngừa tội phạm, bảo đảm an ninh an toàn trật tự xã hội nói chung và trong hoạt động ngân hàng nói riêng trên địa bàn Thành phố, phát huy ý nghĩa to lớn của phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quán triệt và thực hiện tốt phong trào "toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" góp phần đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO