(thitruongtaichinhtiente.vn) - Còn khoảng 3 tháng nữa Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra, tuy nhiên ngay từ đầu năm 2023, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã bắt tay ngay vào việc chuẩn bị, hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp.
Quốc hội, Chính phủ đôn đốc lấy ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - Nguồn: Internet |
Bám sát, nắm bắt kịp thời tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ lập pháp
Trong tuần làm việc đầu tiên ngay sau kỳ nghỉ tết cổ truyền dân tộc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã lần lượt có các buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Thường trực Ủy ban Kinh tế. Tại các buổi làm việc, đại diện các Ủy ban của Quốc hội đã có báo cáo về kế hoạch công việc của năm 2023, báo cáo dự kiến tiến độ một số nhiệm vụ trọng tâm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Theo đó cho thấy, các Ủy ban đếu đã chủ động chuẩn bị xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch công tác trong 6 tháng đầu năm 2023 và kế hoạch triển khai công việc từ nay đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và cả năm 2023. Kế hoạch công tác đã bám sát các nội dung, nhiệm vụ được phân công theo Chương trình làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV và ý kiến chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các Ủy ban tiếp tục rà soát hoàn thiện kế hoạch, bố trí nhân sự khoa học, hợp lý để triển khai, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Lưu ý điều hòa, phối hợp giữa các Tiểu ban thuộc Ủy ban, bố trí thời gian hợp lý đối với các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; tăng cường phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, trong đó có Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Pháp luật, phát huy trí tuệ của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học; tiếp tục tổ chức công việc phù hợp, phân công nhiệm vụ rõ ràng trong Thường trực Ủy ban, bảo đảm chất lượng các nội dung trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Liên quan đến công tác lập pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các Ủy ban chủ động nghiên cứu, sớm tổ chức làm việc với các Bộ, ngành có liên quan, bám sát, nắm bắt kịp thời tiến độ triển khai thực hiện của từng nội dung, công việc, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lưu ý, việc thẩm tra các dự án Luật từ nay đến Kỳ họp thứ 5 phải bám sát vào các định hướng chính sách tại các Nghị quyết của Đảng, chỉ cụ thể hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và đã có quyết sách của Trung ương, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của dự án Luật.
Đối với dự án Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, đòi hỏi phải được tiếp thu hoặc giải trình đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và Hội trường tại Kỳ họp thứ 4, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại thông báo kết luận. Đối với báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo các luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần rõ, đầy đủ các vấn đề lớn, phương án tiếp thu hoặc giải trình phải thuyết phục; đối với các vấn đề còn có ý kiến khác nhau, cần phân tích rõ theo từng loại ý kiến về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và thực tiễn, ưu điểm, hạn chế. Căn cứ ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần khẩn trương chuẩn bị nội dung để xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Khẩn trương tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng bậc nhất của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là dự án Luật Đất đai (sửa đổi), tại buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng trước thực tế tiến độ triển khai việc lấy ý kiến Nhân dân rất chậm, đề nghị Ủy ban có văn bản để đôn đốc Chính phủ bảo đảm tiến độ theo kế hoạch tại Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ý kiến Nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác, chọn lọc nội dung để tổ chức các cuộc khảo sát, hội thảo, tọa đàm, làm việc với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để lấy thêm ý kiến của người dân, doanh nghiệp và các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, từ đó có phương án hoàn thiện dự thảo Luật phù hợp. Chủ động đôn đốc, yêu cầu Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tham gia ý kiến sâu về các nội dung đã được phân công như tài chính đất đai, giao đất, cho thuê đất…
Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm, có nhiều vấn đề khó, phức tạp, một số nội dung được chỉ ra là bất cập, hạn chế nhưng chưa có phương án sửa đổi đích đáng. Trong khi đó, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật tại các bộ, ngành, địa phương còn chậm, các nhóm nội dung lấy ý kiến Nhân dân còn rộng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, trong năm 2023, Ủy ban Kinh tế dành ưu tiên cao nhất, xác định trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực cho việc thẩm tra và giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trong quá trình thẩm tra tới đây cần phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan của Quốc hội, có sự phân công, điều hòa với các nội dung lớn còn ý kiến khác nhau, các nội dung cần tập trung thảo luận để các cơ quan của Quốc hội cùng tham gia theo phạm vi lĩnh vực phụ trách.
Ngay sau buổi làm việc, trên cơ sở kết luận chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đã có văn bản số 1582/UBKT15 ngày 8/2/2023 gửi Văn phòng Chính phủ về việc thúc đẩy tiến độ triển khai, tổ chức công tác lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Văn bản nêu rõ, để bảo đảm thực hiện tốt Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của toàn thể các tầng lớp Nhân dân trong hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ cơ quan, tổ chức chậm, chưa triển khai, việc triển khai mới dừng ở ban hành kế hoạch; đồng thời có chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan hữu quan khẩn trương tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật, nhất là những vấn đề cần tập trung trong quá trình lấy ý kiến nhân dân, hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm; tập hợp, tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý và nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc; sớm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo quy định.
Sau khi nhận được văn bản từ cơ quan của Quốc hội, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Công điện số 32/CĐ-TTg ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Công điện nêu rõ, để bảo đảm thực hiện tốt Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của toàn thể các tầng lớp Nhân dân trong việc xây dựng dự án Luật đất đai (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đơn vị trực thuộc, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý của bộ, ngành mình; tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng thời hạn trong Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với các đối tượng trên địa bàn, chú trọng đến các tầng lớp Nhân dân, chính sách về đất đai có tính đặc trưng của vùng, miền. Tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng thời hạn trong Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ.
Các địa phương chưa triển khai kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân phải nghiêm túc kiểm điểm việc chậm ban hành Kế hoạch, chậm tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các đoàn công tác để theo dõi, đôn đốc việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); thường xuyên cập nhật, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên trang website lấy ý kiến Nhân dân; tiến độ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân của các Bộ, ngành và địa phương; tập trung mọi nguồn lực để tổ chức việc lấy ý kiến Nhân dân, giải trình tiếp thu ý kiến của Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảm đảm chất lượng, thời gian trong Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ.
Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ nói trên.
Có thể thấy dù thời gian lấy ý kiến không còn nhiều, nhưng với sự quyết liệt, đồng thuận, phối hợp nhịp nhàng, nhanh chóng giữa Quốc hội với Chính phủ và giữa các cơ quan của Quốc hội hứa hẹn việc tiếp thu ý kiến người dân được công khai, minh bạch, khoa học và hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cả nước với mục tiêu cao nhất là bảo đảm dự án Luật khi được Quốc hội thông qua sẽ sớm đi vào cuộc sống phát huy hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.