Quốc hội cho ý kiến về dự án 1 Luật sửa 9 Luật

Thanh Hải| 10/01/2022 15:29
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Các đại biểu Quốc hội cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật nêu trên là cần thiết, điều này xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, sáng ngày 10/1, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật: Luật Đầu tư công; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Đầu tư; Luật Đấu thầu; Luật Điện lực; Luật Doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Nhà ở; Luật Thi hành án dân sự. Dự thảo Luật gồm 10 điều, trong đó có 8 điều sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 Luật hiện hành, 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành.

Toàn cảnh phiên họp tại hội trường tòa nhà Quốc hội, sáng ngày 10/1/2021

Tháo gỡ những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết, quan điểm xây dựng luật, phạm vi sửa đổi, bổ sung những nội dung có tính cấp bách, đang thực sự gây khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ ngay nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch COVID-19 để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường; những nội dung đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm, được đánh giá tác động đầy đủ; có sự thống nhất cao giữa các cơ quan; đồng thời hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, tuy nhiên, cần bảo đảm chặt chẽ; giải quyết được những bức xúc, tắc nghẽn trong điều hành kinh tế - xã hội trong đầu tư, đất đai, dân sự...

Cho ý kiến về dự án luật, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật là hết sức cần thiết, sẽ đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất.

Cơ bản thống nhất với các nội dung theo Tờ trình, Dự thảo Luật và báo cáo thẩm tra, các đại biểu cũng đề nghị rà soát kỹ lưỡng về tính cần thiết, bảo đảm xử lý những vấn đề thực sự cấp thiết, còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết. Trong đó, đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm việc phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng, tránh cơ chế xin - cho, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chống lãng phí. Chính phủ cần làm rõ cơ sở chính trị pháp lý của việc ban hành luật, cân nhắc cơ sở thực tiễn; cần phải đánh giá tác động của các nội dung.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng việc sửa đổi, bổ sung 08 luật mang tính độc lập gây khó khăn trong quá trình theo dõi. Các nội dung đề xuất sửa đổi có thể được quy định và điều chỉnh tại nhiều luật khác nhau. Do vậy, đề nghị rà soát kỹ lưỡng các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh tạo mâu thuẫn sau khi thông qua, đồng thời, bảo đảm tính thống nhất nội tại của từng luật.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, với 9 điều trong dự thảo Luật sửa đổi chưa bao quát hết và chưa thể hiện được sự ưu tiên cho những vướng mắc, khó khăn trực tiếp ảnh hưởng đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp (vướng mắc về quyền sử dụng đất ở trong các dự án đầu tư kinh doanh nhà ở thương mại, vướng mắc về báo cáo giữa kỳ có kiểm toán của doanh nghiệp Nhà nước….).

Thực tiễn công tác mua sắm, đấu thầu trong thời gian qua đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi bổ sung quy định của pháp luật đấu thầu để đáp ứng đòi hỏi cấp bách trong việc mua sắm phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, cần tiếp tục cải tiến quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. “Đề nghị trong Luật đấu thầu nên có chương riêng dành cho lĩnh vực y tế; có quy định riêng cụ thể để việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men, sinh phẩm được rõ ràng trong tình hình dịch bệnh”, biểu Trần Khánh Thu đề nghị.

Ngoài ra, theo đại biểu Trần Khánh Thu, điểm ưu việt trong dự thảo Luật sửa đổi lần này đó là việc phân cấp phân quyền cho các địa phương rõ ràng. Tuy nhiên cần nên có gắn thêm trách nhiệm cụ thể hơn. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các quy định về hậu kiểm để đánh giá giám sát. Như tại Luật Đấu thầu hiện hành chưa quy định đầy đủ về quy trình kiểm tra giám sát xử lý vi phạm đặc biệt là công tác kiểm tra kết quả thực hiện, kết quả thanh tra kiểm tra giám sát mà mới chỉ tập trung quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm của nhà thầu, chủ đầu tư, chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý vi phạm đối với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền…

Lưu ý, việc áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật cũng có những hạn chế nhất định, mà nếu bị lạm dụng có thể ảnh hưởng rất nhiều đến hệ thống pháp luật, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) đề nghị chỉ xem xét, thông qua những nội dung cấp bách, thực sự là điểm nghẽn, điểm vướng mắc đã được làm rõ, đã có sự thống nhất cao, không còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Đồng thời, do dự luật lần này điều chỉnh nhiều vấn đề tách biệt, không liên quan đến nhau về mặt nội dung, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị: “khi biểu quyết thông qua luật này, cần biểu quyết riêng từng nội dung được sửa đổi, bổ sung trong các dự án luật trước khi biểu quyết thông qua toàn dự án luật”.

Đảm bảo đảm hiệu quả trong thực thi

Cho rằng, dự thảo Luật có tác động lớn đến cả lĩnh vực kinh tế và xã hội, một số ý kiến cơ quan chủ trì soạn thảo cần có báo cáo bổ sung ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của một số chính sách, ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan trực tiếp; dự tính tác động tới thu ngân sách Nhà nước, quyền lợi của nhà đầu tư và của người dân; dự kiến các tình huống, sự cố có thể xảy ra và biện pháp xử lý. Đối với nội dung của dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết, đề nghị bổ sung quy định đầy đủ, chặt chẽ, cụ thể hơn tại dự thảo Nghị định kèm theo.

Theo đại biểu Cầm Hà Chung (Phú Thọ), khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật "Sửa đổi bổ sung điểm b khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư" đã mở rộng thẩm quyền của cấp tỉnh trong chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị; tạo điều kiện để sớm triển khai thực hiện các dự án. Tuy nhiên, trong thực tiễn có nhiều ràng buộc bởi các luật liên quan khác như Luật Quy hoạch  hay Luật Đất đai đã làm hạn chế ưu điểm của những sửa đổi, bổ sung trên.

Tại Luật Quy hoạch đô thị, đối với các đô thị loại I trực thuộc tỉnh, thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chung (bao gồm điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ) là của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của cấp tỉnh được mở rộng như quy định trong Dự thảo Luật, trong khi thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị loại I không thay đổi. Từ thực tiễn trên, đại biểu cho rằng việc phân quyền về chấp thuận chủ trương đầu tư cho cấp tỉnh đòi hỏi phải đảm bảo đồng bộ với phân quyền đối với các nội dung có liên quan đã quy định trong các Luật khác; loại bỏ các quy định phải có ý kiến thỏa thuận, chấp thuận hoặc xin ý kiến của cơ quan Nhà nước cấp trên đối với những vấn đề đã được phân cấp, phân quyền.

Còn theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP.Hà Nội), từ chính sách đến cuộc sống là cả khoảng cách và để pháp luật đi vào cuộc sống cần các quy định cụ thể, kín kẽ, bảo đảm hiệu quả quản lý. Trong trường hợp chuẩn bị chưa đồng bộ, đầy đủ chặt chẽ có thể tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi vào thời điểm phù hợp.

Cho ý kiến cụ thể về nội dung sửa đổi Luật Điện lực, đại biểu cho rằng việc thế chế hóa Nqhị quyết 55-NQ/TW theo đó cho phép tư nhân tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện là cần thiết. Tuy nhiên thể chế hóa như nào cho đúng, phù hợp với thực tế là vấn đề cần được cân nhắc thận trọng đảm bảo tính hợp ý, khả thi hài hòa lợi ích 3 bên. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa quy định rõ về nội dung, chưa phân định cụ thể giữa phạm vi độc quyền và không độc quyền, có thể dẫn đến tùy tiện trong áp dụng. “Đề nghị quy định cụ thể loại lưới điện truyền tải nào các thành phần kinh tế tư nhân được đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành và chủng loại nào do nhà nước quy hoạch, chỉ giao EVN thực hiện; quy định cụ thể về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư ; trách nhiệm của từng chủ thể trong quyết định đầu tư, quản lý Nhà nước, trách nhiệm doanh nghiệp”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị.

Đóng góp vào việc sửa đổi dự án Luật Đầu tư, đại biểu Hoàng Văn Nghiệm (Lạng Sơn) cho rằng, vấn đề giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề nan giải, là điểm nghẽn lớn nhất làm chậm tiến độ các dự án đầu tư công, vì vậy đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, có các cơ chế, chính sách tách các dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư.

Liên quan đến nội dung sửa đổi Luật Thi hành án dân sự, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung như dự thảo Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự. Đồng thời, đề nghị làm rõ sự khác nhau giữa 2 cơ chế: ủy thác thi hành án và ủy thác xử lý tài sản. Lưu ý, quy định chi tiết việc ủy thác xử lý tài sản trong trường hợp thi hành án liên quan đến nhiều việc, nhiều địa phương khi thực hiện phong tỏa tài sản, ủy thác thi hành án. Trách nhiệm của cơ quan thi hành án trong trường hợp ủy thác thi hành án cho nhiều địa phương vượt quá mức tài sản thi hành án dân sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội cho ý kiến về dự án 1 Luật sửa 9 Luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO