(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh, cho rằng quy mô gói kích thích phục hồi kinh tế không nên cứng nhắc mà cần linh hoạt dựa trên mức độ thực hiện những mục tiêu đặt ra theo lộ trình cụ thể. Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ đã có trao đổi với TS. Vũ Đình Ánh về bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021 với những giải pháp phục hồi sau đại dịch COVID-19 và triển vọng kinh tế năm 2022.
Chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh |
Phóng viên: Nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2021, theo ông đâu là nét nổi bật góp phần đưa kinh tế Việt Nam vượt qua một năm đầy khó khăn cũng như những điểm cần cải thiện để kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển ổn định hơn trong năm 2022?
TS. Vũ Đình Ánh: Mặc dù chịu tác động mạnh của COVID-19 song tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 vẫn đạt được 2,58% là một nỗ lực rất lớn của cả đất nước. Trong bức tranh kinh tế chung đó, nổi bật nhất là:
Thứ nhất, xuất khẩu hàng hóa bứt phá ngoạn mục bất chấp vô vàn những khó khăn từ sản xuất trong nước lẫn thị trường quốc tế. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tới 19%, trong đó khu vực kinh tế trong nước cũng tăng xuất khẩu được 13,4% đã khẳng định vai trò trụ đỡ tăng trưởng kinh tế của xuất khẩu và thành tích xuất khẩu sẽ tiếp tục trở thành bệ đỡ vững chắc cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.
Thứ hai, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 1,84% trong khi cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư 4 tỷ USD và tổng thu ngân sách Nhà nước vẫn đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% so với dự toán nên chênh lệch thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) giảm xuống còn hơn 300 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, VND không những không bị mất giá mà ngược lại còn lên giá so với USD khi chỉ số giá USD tháng 12/2021 giảm 0,58% so với tháng 12/2020 và bình quân năm 2021 giảm tới 0,97% so với năm trước.
Thứ ba, mặc dù kinh tế khó khăn do dịch bệnh song vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành vẫn đạt 2.891,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2020 do đóng góp của khu vực ngoài Nhà nước đã đầu tư 1.720,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% và vươn lên chiếm tỷ trọng 59,5% trong khi vốn khu vực Nhà nước giảm 2,9% và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng giảm 1,1%. Bên cạnh đó, vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cũng đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020 đã chứng tỏ sức hấp dẫn của môi trường đầu tư nước ta vẫn được duy trì tốt.
Sang năm 2020, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% và lạm phát dưới 4%, một mặt cần tiếp tục phát huy những thế mạnh của xuất khẩu, của đầu tư trực tiếp nước ngoài và ổn định kinh tế vĩ mô thì cấp bách và cần thiết nhất là hoạch định và triển khai có hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 nhằm phục hồi tổng cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh đầu tư công, từ đó cùng với xuất khẩu tạo ra thế chân kiềng vững chắc cho tăng sản lượng hàng hóa dịch vụ đi đôi với tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Phóng viên: Ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của ngành Ngân hàng trong năm qua?
TS. Vũ Đình Ánh: Đóng góp của ngành Ngân hàng vào phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 là rất to lớn và không thể phủ nhận. Cả 3 thành tích nổi bật nêu trên đều có sự đóng góp của ngành Ngân hàng thông qua tạo điều kiện cho nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư và sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, tiếp cận nguồn vốn tín dụng thông qua các chính sách như cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, miễn giảm phí,... Tính đến ngày 24/12/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,93% so với cuối năm 2020 còn huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,44% và tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,97%.
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), suốt năm 2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành ổn định các mức lãi suất để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ. Các tổ chức tín dụng tiếp tục cắt giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 4,5%/năm. Mặc dù lãi suất có xu hướng giảm và tổng tín dụng cho nền kinh tế vẫn duy trì tốt song lạm phát cơ bản tháng 12/2021 tăng 0,16% so với tháng trước, chỉ tăng 0,67% so với cùng kỳ năm trước, theo đó, lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng có 0,81% so với bình quân năm 2020.
Phóng viên: Quan điểm của ông về gói kích thích kinh tế như thế nào để phục hồi kinh tế? Ngoài gói kích thích kinh tế, đâu là những giải pháp quan trọng để nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững, thưa ông?
TS. Vũ Đình Ánh: Gói kích thích kinh tế cần lưu ý đến:
Thứ nhất, tương tự như các nước trên thế giới, gói kích thích có nguồn gốc chủ yếu từ NSNN, bao gồm cả nguồn chi NSNN và miễn giảm nguồn thu NSNN nhằm phục hồi tiềm lực tài chính cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đặc biệt, dịch bệnh tác động rất tiêu cực đến chuỗi cung ứng, đến lưu thông hàng hóa và người lao động nên bên cạnh nguồn NSNN thì các nguồn lực liên quan đến tăng chi đầu tư cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội đi đôi với giảm chi phí lưu thông và chi liên quan đến tiền lương, đến thu nhập của người lao động như chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân,... đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Thứ hai, qui mô gói kích thích cần được tính toán cẩn trọng dựa trên xác định chính xác mục tiêu và đánh giá tác động của mỗi công cụ kích thích tới thực hiện từng mục tiêu cụ thể cũng như dự báo khả năng đạt mục tiêu tổng thể trong từng giai đoạn nhất định để điều chỉnh qui mô gói kích thích nói chung, điều chỉnh từng công cụ trong gói kích thích nói riêng cho phù hợp. Nói cách khác, qui mô gói kích thích không nên cứng nhắc mà cần linh hoạt dựa trên mức độ thực hiện những mục tiêu đặt ra theo lộ trình cụ thể. Diễn biến dịch bệnh còn phức tạp và khó lường nên ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế và tác động của mỗi công cụ kích thích kinh tế đều là những biến số khiến cho qui mô gói kích thích, đến lượt nó, cũng trở thành một biến số chứ không phải là kết quả của bài toán kinh tế. Theo đó, một gói kích thích có thể kết thúc sớm khi đã đạt mục tiêu và ngược lại, gói kích thích kinh tế bổ sung là cần thiết khi chưa đạt mục tiêu hoặc có thêm mục tiêu mới.
Thứ ba, hệ quả tất yếu khi triển khai gói kích thích, dù là tăng chi NSNN hay miễn giảm nghĩa vụ thu nộp NSNN là thâm hụt NSNN gia tăng, theo đó, qui mô nợ công sẽ tiếp tục phình to gây nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, sau mấy năm kiểm soát vay nợ chặt chẽ vừa qua, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam đã lui về ngưỡng an toàn nên sức chịu đựng mức thâm hụt NSNN tăng cao hơn trong một vài năm tới đã được củng cố. Vì vậy, vay nợ Chính phủ hoàn toàn có thể là một trong những nguồn lực quan trọng và khả thi cho gói kích thích lần này. Mặt khác, khi rủi ro nợ công tăng lên thì nhiệm vụ cân đối nguồn lực thanh toán nợ gốc và nợ lãi cũng nặng nề hơn đồng thời quản lý và công khai qui mô nợ công cần kết hợp cả dựa trên số tương đối như hiện nay với dựa trên số tuyệt đối và cơ cấu nợ chi tiết hơn. Tính an toàn và bền vững của nợ công được quyết định bởi qui mô nợ công hay gánh nặng nợ công và hiệu quả sử dụng nợ công, trong đó sử dụng nợ công tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, hạn chế tham nhũng lãng phí đóng vai trò quyết định. Đến lượt mình, sử dụng hiệu quả nợ công giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó sớm cải thiện nguồn thu NSNN và tăng khả năng cân đối NSNN, tạo điều kiện bố trí nguồn trả nợ đúng hạn, cả nợ gốc cũng như nợ lãi.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!