Quyết tâm cao nhất hoàn thành tiêm chủng cho trẻ em trong quý II, xây dựng kịch bản ứng phó biến chủng mới nguy hiểm hơn

Hà Văn| 09/04/2022 16:00
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vaccine vẫn là vũ khí chiến lược, là “lá chắn” quan trọng nhất trong phòng, chống dịch, phải đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch tiêm chủng vaccine, quyết tâm cao nhất để hoàn thành tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong quý II; xây dựng kịch bản, phương án với tình huống dịch bệnh có diễn biến mới với biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Thủ tướng nêu rõ, kinh nghiệm cho thấy vacicne vẫn là vũ khí chiến lược, là "lá chắn" quan trọng nhất trong phòng, chống dịch, là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng ngày 9/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo.

Tham dự Hội nghị tại trụ sở Chính phủ có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; các thành viên Ban chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.

Dự Hội nghị qua các điểm cầu địa phương có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; các đồng chí Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quyết tâm cao nhất hoàn thành tiêm chủng cho trẻ em trong quý II, xây dựng kịch bản ứng phó biến chủng mới nguy hiểm hơn - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Số ca nhiễm, ca nặng và tử vong giảm từng ngày

Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp nhận định dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Số ca mắc mới sau một thời gian tăng cao khi tiến hành các biện pháp mở cửa, đến cuối tháng 3 đã bắt đầu giảm mạnh, trong khi tỷ lệ và số ca chuyển nặng, nhập viện và tử vong tiếp tục giảm sâu.

Trong 3 tuần qua, số ca nhiễm, ca nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phố có xu hướng giảm từng ngày. So với tuần trước, số mắc trong cộng đồng giảm 36,9%, số tử vong giảm 26,1%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 26,7%, số ca nặng, nguy kịch giảm 31,7%.

Tính chung kể từ khi dịch bùng phát, Việt Nam xếp thứ 12/225 quốc gia và vùng lãnh thổ về số ca mắc, thứ 110/225 quốc gia và vùng lãnh thổ về tỷ lệ mắc trên 1 triệu dân và xếp 130/225 quốc gia và vùng lãnh thổ về tỷ lệ ca tử vong trên 1 triệu dân; tỷ lệ tử vong so số ca mắc của Việt Nam hiện ở mức 0,4% (mức trung bình chung thế giới là 1,2%).

So với tháng trước, số ca tử vong giảm 28,6%. Tỷ lệ chết/mắc của 30 ngày qua giảm mạnh từ 0,13% tháng trước xuống còn 0,03% trong tháng này; đây là số tử vong giảm thấp nhất tính từ tháng 8 năm 2021.

Quyết tâm cao nhất hoàn thành tiêm chủng cho trẻ em trong quý II, xây dựng kịch bản ứng phó biến chủng mới nguy hiểm hơn - Ảnh 3.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ban Chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo các đại biểu, các nguyên nhân chủ yếu là do tỷ lệ tiêm vaccine tại Việt Nam cao; lựa chọn đối tượng ưu tiên tiêm vaccine của Việt Nam phù hợp, hiệu quả; năng lực y tế của Việt Nam dần được nâng lên và đáp ứng yêu cầu tốt hơn; việc chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh phù hợp, kịp thời, đúng thời điểm, đi trước nhiều nước trong khu vực.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ban Chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả, các tỉnh, thành phố chủ động thực hiện khá kịp thời, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp.

Vaccine đã được khẳng định là vũ khí chiến lược và cũng là thành công của Việt Nam - một trong các quốc gia có số liều tiêm vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới với tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 100%, tỷ lệ mũi 2 đạt 99,8%, tỷ lệ mũi 3 đạt 49%. Điểm khác biệt với các nước là Việt Nam đã chú trọng tiêm chủng cho nhóm dễ bị tổn thương, trong khi nhiều nước có thực hiện tiêm nhưng chưa chú trọng đến nhóm này (người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm lao động di cư ở các thành thị…).

Hệ thống y tế đã trụ vững trong đợt cao điểm của dịch với khả năng đáp ứng tối đa 200.000 giường điều trị. Thời điểm số ca nhập viện điều trị cao nhất là khoảng 150.000 trường hợp vào ngày 15/3 và hiện còn khoảng 65.000 trường hợp đang điều trị.

Quyết tâm cao nhất hoàn thành tiêm chủng cho trẻ em trong quý II, xây dựng kịch bản ứng phó biến chủng mới nguy hiểm hơn - Ảnh 4.

Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình cho biết theo thống kê, lượng tìm kiếm trên Google về các chuyến bay và cơ sở lưu trú của Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Du lịch Việt Nam có thể phục hồi thuộc nhóm tốt nhất khu vực

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại cuộc họp cũng nhận định, việc tiêm chủng vaccine chưa đạt hoàn toàn mục tiêu đề ra.

Theo Bộ Y tế, đến hết uý I/2022 ước 60% người từ 18 tuổi trở lên đủ thời gian để tiêm mũi 3 (40,4 triệu người). Đến hết ngày 31/3/2022, đã có 33,4 triệu người được tiêm mũi 3, tỷ lệ bao phủ mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên là 49% (đạt khoảng 83% số đối tượng từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm), số còn lại chưa tiêm mũi 3 vì một số lý do. Theo đó, số lượng người mắc COVID-19 tăng cao, trùng với thời điểm cần tiêm mũi 3, do đó có sự trì hoãn tiêm chủng; một bộ phận người dân đã tiêm 2 liều vaccine sau khi mắc COVID-19 và bình phục có xu hướng không tiêm tiếp mũi 3 vì cho rằng đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc bệnh.

Các đại biểu cho rằng cần tiếp tục tăng cường vận động người dân tiêm vaccine, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rà soát và tổ chức tiêm liều cơ bản và liều bổ sung cho người trên 50 tuổi, người có bệnh nền đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở; sau khi đã tiêm đủ liều cơ bản thì triển khai tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại theo thứ tự ưu tiên; chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay khi có vaccine. Người cao tuổi, có bệnh nền càng cần tiêm vaccine, nhiều nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng không chú ý đúng mức đến các đối tượng này vẫn có số tử vong cao.

Với các nguồn vaccine viện trợ và mua, việc tiêm chủng vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi dự kiến hoàn thành trong Quý II/2022. Theo Bộ Y tế, đến nay, đã có hơn 53 quốc gia đã có kế hoạch/triển khai tiêm vacine cho trẻ dưới 12 tuổi. Việc tiêm chủng cho trẻ em ở các quốc gia được triển khai khác nhau, nhiều quốc gia trong đó có các nước thuộc liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ triển khai tiêm chủng cho toàn bộ trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Các ý kiến cũng cho thấy các hoạt động mở du lịch đang diễn ra mạnh mẽ. Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình cho biết theo thống kê, lượng tìm kiếm trên Google về các chuyến bay và cơ sở lưu trú của Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới. Dư luận thế giới đánh giá rất cao các kết quả phòng chống dịch đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, du lịch Việt Nam sẽ phục hồi rất mạnh, thuộc nhóm tốt nhất khu vực.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đến nay, chương trình "Sóng và máy tính cho em" đã trang bị hơn 350.000 máy tính, đạt 35% mục tiêu, phủ sóng thêm 1.500 điểm "lõm sóng", đạt hơn 70% mục tiêu và dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ trong quý II/2022.

Quyết tâm cao nhất hoàn thành tiêm chủng cho trẻ em trong quý II, xây dựng kịch bản ứng phó biến chủng mới nguy hiểm hơn - Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, chúng ta đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, yên tâm mở cửa lại trường học, du lịch phù hợp với tình hình. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sẵn sàng ứng phó các tình huống phức tạp, khó lường hơn

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, chúng ta đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, yên tâm mở cửa lại trường học, du lịch phù hợp với tình hình. Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại được củng cố và tăng cường, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Nguyên nhân của những kết quả đạt được là tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ; sự quyết tâm, quyết liệt, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của các Ban Chỉ đạo, chính quyền các cấp; bao phủ vaccine ở mức cao so với thế giới, nhất là với các đối tượng có nhiều rủi ro và từng bước chủ động được nguồn cung thuốc chữa bệnh; sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, nhất là với việc tiêm chủng vaccine; tích lũy được các kinh nghiệm sau hơn 2 năm phòng, chống dịch và khiêm tốn, cầu thị học hỏi, vận dụng sáng tạo các bài học của thế giới.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch còn những hạn chế, yếu kém, bất cập phải cương quyết khắc phục trong thời gian tới. Tốc độ tiêm mũi 3 cho người lớn còn chậm; việc cung ứng, triển khai tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi chưa đạt mục tiêu đề ra tại phiên họp 13 của Ban Chỉ đạo. Còn lúng túng, bị động trong việc điều trị tại nhà, một số hướng dẫn chưa kịp thời, thiếu thống nhất. Nguồn nhân lực thiếu hụt khi tình hình diễn biến phức tạp ở một số địa phương, việc điều chuyển nhân lực còn lúng túng. Việc chi trả, thanh toán tài chính với công tác phòng, chống dịch còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ kịp thời. Tình hình thay đổi nhưng việc chuyển đổi, các hướng dẫn, biện pháp chưa theo kịp.

Nguyên nhân là có nơi, có lúc, có người còn chủ quan, lơ là với phòng, chống dịch. Một số Ban Chỉ đạo, cơ quan, đơn vị, địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa kịp thời chuyển trạng thái thích ứng linh hoạt khi tình hình có thay đổi. Công tác hậu cần, phục vụ tiêm chủng còn có bất cập, phối hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả.

Về nhiệm vụ chung thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát tình hình, diễn biến dịch bệnh trong nước và trên thế giới, bám sát khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học; kịp thời phát hiện, cảnh báo, ứng phó với các diễn biến chưa dự báo được, như virus có thể thích ứng với vaccine hoặc có thể xuất hiện các biến chủng mới, dịch bệnh có thể phức tạp, khó lường hơn. Đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vaccine, nhất là với các đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh nền, trẻ em, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đô thị lớn…; tập trung kiểm soát rủi ro, các ca chuyển nặng và tử vong; tiếp tục tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở; chủ động về thuốc; đề cao ý thức người dân.

Quyết tâm cao nhất hoàn thành tiêm chủng cho trẻ em trong quý II, xây dựng kịch bản ứng phó biến chủng mới nguy hiểm hơn - Ảnh 6.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thần tốc hơn nữa việc tiêm vaccine cho các đối tượng chỉ định; hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho trẻ em từ 12-17 tuổi trong tháng 4. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Vaccine vẫn là vũ khí chiến lược, là lá chắn quan trọng nhất

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu triển nhất quán, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023) theo Nghị quyết 38 của Chính phủ với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; phòng, chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro; sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống, kể cả tình huống có biến chủng mới lây lan nhanh và nguy hiểm hơn, các địa phương phải xây dựng kế hoạch, giải pháp, chuẩn bị nguồn lực thực hiện chương trình.

Nhấn mạnh nhiệm vụ tiêm vaccine, Thủ tướng nêu rõ, kinh nghiệm cho thấy vacicne vẫn là vũ khí chiến lược, là "lá chắn" quan trọng nhất trong phòng, chống dịch, là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả. Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thần tốc hơn nữa việc tiêm vaccine cho các đối tượng chỉ định; hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho trẻ em từ 12-17 tuổi trong tháng 4; đẩy nhanh việc cung ứng vaccine, quyết tâm cao nhất để hoàn thành việc tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong quý II, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong kỳ nghỉ hè và bước vào năm học mới.

Tiếp tục nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4 cho các đối tượng chỉ định, nhất là các đối tượng rủi ro cao, vì hiệu quả miễn dịch của vaccine suy giảm theo thời gian. Bộ Y tế phải bảo đảm đủ vaccine, các địa phương tổ chức tiêm chủng an toàn, khoa học, hiệu quả; vận động, tuyên truyền người dân và thực hiện các biện pháp khác để thực hiện mục tiêu đề ra.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là tự chủ về thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, kit xét nghiệm để chuẩn bị cho tình huống có biến chủng mới lây lan nhanh và nguy hiểm hơn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

Đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc trong nước trên tinh thần bám sát các quy định của pháp luật, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, cắt giảm thủ tục hành chính nhưng bảo đảm về chuyên môn, khoa học. "Không để bị động, bất ngờ về vaccine, thuốc chữa bệnh, vật tư, sinh phẩm y tế trong bất cứ hoàn cảnh nào", Thủ tướng phát biểu.

Các Ban chỉ đạo các cấp không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tích cực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, đặc biệt, phải chỉ đạo công việc cụ thể, rõ ràng, dễ nghe, hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện tới tận cấp cơ sở.

Về công tác thông tin, tuyên truyền, Thủ tướng yêu cầu phải huy động đa phương tiện, cung cấp thông tin trung thực, khách quan, kịp thời; ưu tiên, tăng cường thời lượng cho thông tin hướng dẫn, nhất là về diễn biến tình hình dịch bệnh, công tác điều trị, nhất là tự điều trị, điều trị tại nhà, sử dụng các biện pháp đông tây - y kết hợp…; về tiêm vaccine cho trẻ em.

Tiếp tục rà soát các quy định, quy chế, quy trình, tiêu chuẩn, tiêu chí hiện hành để điều chỉnh kịp thời phù hợp tình hình, diễn biến mới, tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, thống nhất, tập trung. Đẩy mạnh hơn nữa, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương và hợp tác quốc tế.

Quyết tâm cao nhất hoàn thành tiêm chủng cho trẻ em trong quý II, xây dựng kịch bản ứng phó biến chủng mới nguy hiểm hơn - Ảnh 8.

Thủ tướng nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phải chủ động, tích cực vào cuộc, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào y tế

Về công việc cụ thể của từng bộ, ngành, Thủ tướng giao Bộ Y tế nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trong tháng 4 về kịch bản, phương án với tình huống dịch bệnh có diễn biến mới, biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Phát huy thành quả, khắc phục các hạn chế để xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, số liệu thống kê liên quan tới phòng, chống dịch bảo đảm kịp thời, chính xác, khách quan.

Bộ Y tế cần nhanh chóng hướng dẫn việc tiêm vaccine mũi tiếp theo. Ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hướng dẫn, quy định về chuyên môn y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế - xã hội, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Xem xét, tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, rà soát, cắt giảm các quy định, tạo thuận lợi cho phát triển lĩnh vực y tế, nhất là về vaccine, thuốc, kit xét nghiệm, sinh phẩm, vật tư y tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, sản xuất thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư y tế. Bộ Tài chính bảo đảm bố trí ngân sách đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ chi nói chung và thuộc chương trình phòng, chống dịch nói riêng; phối hợp với các cơ quan xử lý kịp thời các vướng mắc, công khai tình hình thanh quyết toán liên quan tới công tác phòng, chống dịch của các bộ, ngành, địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong phòng, chống dịch. Các cơ quan đang tiếp tục xử lý các vụ việc vi phạm theo tinh thần thượng tôn pháp luật; thời gian tới, cần quan tâm việc hướng dẫn, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn ngừa, phát hiện, xử lý các sai phạm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế, các địa phương tăng tốc tiêm vacicne cho học sinh, xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, hậu cần phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục, bảo đảm mở cửa trường học an toàn, thông suốt, hiệu quả; thiết lập kênh tư vấn, hỗ trợ giải quyết các vấn đề tâm lý cho trẻ em, nhất là những em gặp sang chấn tâm lý.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động văn hoá, vui chơi giải trí an toàn; phối hợp với Bộ Y tế ban hành hướng dẫn cụ thể về quản lý, chăm sóc, điều trị F0 là người đi du lịch (trong nước và quốc tế) để bảo đảm dịch vụ du lịch thân thiện, an toàn; phối hợp với các cơ quan rà soát các chính sách visa, du lịch để phục hồi và phát triển mạnh lĩnh vực này; chuẩn bị các điều kiện tổ chức SEA Games 31 an toàn, hiệu quả, thành công.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương tổ chức hiện Nghị quyết số 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số giờ làm thêm của người lao động, vừa phục vụ phục hồi nhanh, phát triển bền vững, vừa bảo đảm sức khỏe người dân, người lao động; tiếp tục làm tốt hơn công tác bảo đảm an sinh xã hội, khẩn trương tổng kết, đánh giá các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét các chính sách hỗ trợ trong trường hợp cần thiết; theo dõi chặt chẽ để kịp thời có phương án hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động, đẩy nhanh phục hồi thị trường lao động, đáp ứng đủ lao động cho doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, dứt khoát không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục mở các luồng xanh cho hàng hóa qua biên giới thuận lợi, thông thoáng, nhất là biên giới với Trung Quốc. Các địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các địa phương của các nước láng giềng để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa. Bộ Công Thương chỉ đạo bảo đảm đủ điện cho sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển, đặc biệt là không để thiếu điện tại những nơi khám chữa bệnh, công tác phòng, chống dịch.

Thủ tướng nhắc lại, đợt bùng phát dịch thứ 4 bắt đầu vào tháng 4/2021. Tháng 4 năm nay, muốn kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, không để dịch bùng phát, hơn lúc nào hết, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phải chủ động, tích cực vào cuộc, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với những diễn biến mới của dịch bệnh, vừa củng cố, thúc đẩy những việc đã làm được, vừa phải tiếp tục bám sát tình hình, dự báo, chuẩn bị các kịch bản, biện pháp để nếu có tình huống xảy ra thì không bị động, bất ngờ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm cao nhất hoàn thành tiêm chủng cho trẻ em trong quý II, xây dựng kịch bản ứng phó biến chủng mới nguy hiểm hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO