Rồng - phượng trên bảo vật hoàng cung

TS. Phạm Quốc Quân| 13/02/2021 12:10
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bảo vật ấy là của triều Nguyễn, được Hoàng gia chuyển giao cho chính quyền nước Việt Nam mới, khi Cách mạng Tháng Tám thành công cùng với ấn, kiếm của vị vua cuối cùng thời quân chủ - Bảo Đại, mà sử sách ghi chép lại như một dấu ấn khó phai trong tâm thức của người dân đất Việt, sau hơn 80 năm đấu tranh giành độc lập từ tay thực dân, phong kiến.

Hình rồng trên mũ thiết triều

Tuy nhiên, có một câu chuyện ít người biết tới, đó là sưu tập hoàng cung đã chìm nổi bao phen trong những kho tạm thời kháng chiến 9 năm, nhưng ngay cả khi đất nước khó khăn nhất, Bác Hồ và Nhà nước vẫn kiên trì chủ trương lưu giữ bằng bất cứ giá nào, để đến hôm nay, chúng trở thành di sản, biểu trưng nổi bật nhất cho đồ dùng hoàng gia trong tất cả triều đại phong kiến Việt Nam.

Một đặc điểm riêng có của bảo vật hoàng cung

Bảo vật hoàng cung ở bộ sưu tập này có từ vị vua đầu triều - Gia Long đến vị vua cuối cùng - Bảo Đại, được biểu đạt trên mọi chất liệu quý, hiếm, mang đậm chất cao sang, quyền quý của vua và hoàng gia, đó là vàng, bạc, ngọc ngà, đồi mồi, kim sa, pha lê, được trang trí hoa văn tinh xảo, thể hiện trình độ tuyệt mỹ của thợ thủ công ngự xưởng. Thế nhưng, nổi bật trên đó vẫn là đề tài rồng - phượng, mang đậm ý nghĩa vương quyền và thần quyền, khi chúng là đồ dùng của vua, của hoàng hậu, hoàng thái hậu, hay chúng là đồ thờ tự trong các quốc tự hoàng cung. Rồng trên kim ngọc, bảo tỷ được diễn tả bằng những khối tượng tròn gắn ở nơi trang trọng nhất, bằng kỹ thuật đúc và gia công cầu kỳ, công phu.

Thế nhưng, ngay cả trên đối tượng này, dõi theo thời gian xuyên suốt từ thời Gia Long đến Bảo Đại, chúng không hoàn toàn giống nhau về tư thế và dáng hình. Kim ấn Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành thời Gia Long mảnh mai, gầy guộc trong tư thế uốn khúc như thắt túi, phảng phất rồng của thời Lê sơ và Lê Trung - Hưng. Thời Tự Đức, kim ấn Tự Đức thần hàn lại là một phiên bản khác, kế thừa nghệ thuật linh vật nghê chầu đầu thế kỷ 18, mà chúng ta đã thấy trên ấn truyền quốc Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo và Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 5, 1709.

Hộp vàng trang trí phượng (ảnh trên) Ấm vàng hình chim phượng (ảnh dưới)

Đây là hai kim ấn Lê Trung - Hưng, nhưng được các vị vua triều Nguyễn truyền đời lưu giữ, không chỉ thể hiện sự trung thành với một vương triều chính thống mà còn là sự lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. Rồng trên kim sách lại được dập chạm với những đường nét tinh xảo, gồ nổi như những bức phù điêu. Rồng ẩn trong mây lành với những đường nét mềm mại, uyển chuyển, dẫu toát lộ đầy đủ đặc trưng nghệ thuật thời đại, nhưng đâu đó vẫn ẩn giấu con vật linh truyền thống ở các thời đại trước đó mà những kim sách triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Thành Thái đã cho phép nhận ra. Sự chuyển biến thấy rõ nhất trên kim sách và một số vật dụng của hoàng gia, đó là mặt rồng đã biến thành mặt hổ với vẻ oai phong lẫm liệt của đế vương.

Thế nhưng, chúng không giống như mặt hổ phù trong nghệ thuật cung đình Trung Hoa, với sự dữ dằn mang tính áp chế, đè nặng lên tâm tưởng của bách tích và quần thần, mỗi khi đứng trước biểu tượng này. Trên mũ thiết triều, rồng lại được sử dụng kỹ thuật chế tác kim hoàn điêu luyện để tạo nên những tác phẩm nhỏ nhắn, xinh xắn, chi tiết tới từng đường nét, khiến cho các nghệ nhân kim hoàn thời nay phải thán phục, bó tay, khi phải phục hồi những chi tiết ấy.

Những hình ảnh rồng đuổi, rồng chầu, rồng bay trong mây, rồng thăng, rồng giáng… được bố trí dày đặc trên những mũ thiết triều, mũ tế giao, tưởng như vô cùng rối rắm và không theo quy luật, nhưng sự tài khéo của người thiết kế và thợ thủ công bố cục vô cùng hợp lý, khiến không thấy sự đơn điệu, tĩnh lặng, ngược lại, sống động và quyền uy, dùng để mỗi khi nhà vua thiết triều giải quyết những vấn đề của Nhà nước, hoặc tiếp các sứ giả hay thực hành các nghi lễ tôn miếu, tổ tông.

Hình rồng trên kim ấn “Tự Đức thần hàn” và Hình rồng trên kim ấn “Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành”

Có thể khẳng định, đề tài chủ đạo trong sưu tập bảo vật hoàng cung triều Nguyễn là rồng và dường như hình ảnh ấy, đề tài ấy, dù là biểu tượng của đế quyền, nhưng chưa bao giờ chúng chỉ mang một thông điệp. Ở bộ sưu tập này, đồ dùng văn phòng tứ bảo được ngự xưởng chế tác dùng cho quân vương, nhưng lại được kết hợp giữa phong cảnh sơn thủy với rồng, mây, được thể hiện trên chiếc quản bút bằng ngọc. Cùng chất liệu ngọc, nghiên mực lại diễn đạt hình ảnh ngư long hý thủy. Trên ống bút bằng vàng, đề tài tứ linh được khai thác giống như bao mảng chạm long - ly - quy - phụng đã từng thấy ở nhiều di tích, dẫu rằng, chất liệu và sự gia công tinh túy, khẳng định đẳng cấp có một không hai của những bảo vật này.

Rõ ràng, những đề tài tôn giáo đã được phát huy. Những đề tài ấy không chỉ có Nho giáo, mà cả Phật giáo, cùng nhiều điển tích, điển cố và phong cảnh giang sơn đất nước, khiến cho bộ bảo vật làm nên sự đa sắc màu, gần gụi và thân quen với không chỉ hoàng gia. Đây có lẽ cũng là một đặc điểm riêng có của bảo vật hoàng cung triều Nguyễn.

“Đặc sản” trên đất Thần Kinh

Hình rồng trên kim sách niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 17 (1836)

Có thể nói, ngoài những quy định về số móng và đâu đó, trong điển chế, còn có quy định về vẩy dương - âm, số khúc cuộn của rồng khi là biểu tượng của hoàng đế. Thế nhưng, rồng năm móng được tuân thủ như một quy định bắt buộc, thì ở bộ sưu tập, ngoài điều đó, rồng được diễn tả vô cùng phóng khoáng, cởi mở với tất cả những cảm hứng của nghệ nhân, khi những quy định không quá ngặt nghèo, cho dù, triều Nguyễn, điển chế được xây dựng là đầy đủ nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam.

Có lẽ, cũng chính vì điều này, nghệ thuật cung đình Nguyễn, trong đó có đề tài rồng, luôn gần gũi với tôn giáo, tín ngưỡng dân gian. Đó phải chăng là một hằng số, không chỉ của triều Nguyễn, mà xuyên suốt các triều đại phong kiến Việt Nam, để đến hôm nay dân tộc vẫn giữ được sự vẹn nguyên bản sắc văn hóa, dẫu phải trải qua hàng nghìn năm đô hộ của phong kiến phương Bắc và cả trăm năm nô lệ của tư bản phương Tây. Phượng là một loại đề tài phổ biển thứ hai trong bộ sưu tập này. Phượng không chỉ là biểu tượng hoàng hậu, hoàng thái hậu, thái hoàng thái hậu. Phượng còn là vật linh, tượng trưng cho những gì tốt đẹp và hạnh phúc, để rồi, khi đi vào tôn giáo phương Đông, nó trở thành một trong bốn vật linh. Phượng trong bộ sưu tập chủ yếu là những mảng chạm khắc trên kim sách, trên đồ thờ, trên đồ dùng thường nhật. Những hình ảnh phượng đơn, phượng đôi, phượng ba và đôi khi là rồng - phượng, để diễn đạt những thông điệp đa chiều, nhưng tất cả đều phản ánh sự quyền quý cao sang.

Hình rồng trên ống bút bằng vàng

Hình ảnh phượng trên kim sách không nhiều, nhưng với hai tiêu bản thời Minh Mạng và Tự Đức đã có sự khác nhau trong không gian vận động và tư thế vận hành, dựa trên một nét chung, đó là tính gần gũi với một loài chim có thật trong tự nhiên, công hoặc trĩ, qua một bút pháp cách điệu thực - hư vô cùng phóng khoáng, không bị kiềm tỏa bởi những khuôn hình có sẵn. Phượng trên một ống bút bằng bạc được diễn tả như đang bay, có sải đuôi dài, cách điệu thành cành hoa lá, dường như để khỏa lấp vào khoảng trống mênh mông của khối hình trụ ống bút, tạo sự mềm mại, hài hòa cho bảo vật này. Trong khi ấy, trên một hộp bạc, phượng dường như đang đi trong mây, đầu ngoái lại phía sau, được bố cục trong một băng hoa chanh hẹp, khiến liên tưởng tới loài chim mỏ dài, chân cao, trang trí theo lối băng, dải trên những thạp gốm hoa nâu thời Trần, trước đó gần 7 thế kỷ. Phượng trên chiếc đài thờ bằng vàng thời Minh Mệnh năm thứ 20, 1839, lại cho thấy một hình mẫu khác, khuôn trong hình lá đề, chẳng những phản ánh chức năng đồ thờ, mà lại một lần nữa motip trên ngói thời Lý - Trần - Lê được tái hiện qua một chất liệu đẳng cấp, sang trọng hơn.

Có thể khẳng định rằng, sự tiếp thu, kế thừa nghệ thuật truyền thống như hai ví dụ trên và cho tất cả những bảo vật trang trí loại đề tài này, tưởng như quá xa để có thể kết nối và xâu chuỗi, nhưng thực tế cho hay, Lý - Trần ảnh hưởng hoa văn Đông Sơn, trước đó hàng nghìn năm, thì nghệ thuật cung đình Nguyễn, ảnh hưởng nghệ thuật Lý - Trần - Lê chắc không có gì lạ lẫm. Phượng trên bảo vật triều Nguyễn còn biết bao đề tài, khiến một bài viết ngắn không thể nào chuyển tải. Tuy nhiên, có một hình ảnh phượng gây ấn tượng không thể nào quên trong ký ức của người dân cố đô, đó là cặp ngô đồng và chim phượng. Đây là biểu tượng của hòa bình, thịnh vượng, quốc thái, dân an. Đây cũng là sự hiện hữu của những cây ngô đồng được vua Minh Mệnh cho trồng trong Đại Nội hơn 200 năm trước để chim phượng đậu đón điềm lành, do đó, đề tài này được khai thác như một “đặc sản” trên đất Thần Kinh.

Hình tượng rồng - phượng dẫu là phổ biến và nổi bật, nhưng cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong gia tài đồ sộ của triều Nguyễn để lại cho chúng ta hôm nay. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rồng - phượng trên bảo vật hoàng cung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO