(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo quy định của pháp luật, hiện chỉ các máy POS đặt tại ngân hàng hoặc các đơn vị được cấp phép thực hiện rút tiền mặt tại quầy mới được cung ứng tiền mặt cho chủ thẻ. Máy POS được cài đặt và sử dụng tại các đơn vị chấp nhận thẻ (như cửa hàng, công ty, tiệm vàng,…) chỉ có thể sử dụng để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ cho chủ thẻ chứ không được rút tiền mặt.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet) |
Siết chặt giao dịch thanh toán khống nhằm rút tiền từ thẻ tín dụng
Nhằm kiểm soát, phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi sử dụng thẻ ngân hàng không đúng quy định của pháp luật và kiểm soát các rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thẻ ngân hàng, ngày 7/1, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản số 166/NHNN-TT yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tăng cường giám sát, kiểm soát hoạt động thẻ ngân hàng.
Cụ thể văn bản yêu cầu các ngân hàng có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc đơn vị chấp nhận thẻ thông đồng với chủ thẻ thực hiện giao dịch thanh toán khống nhằm rút tiền từ thẻ tín dụng (không phát sinh việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ); quy định cụ thể nội dung này trong Hợp đồng thanh toán thẻ ký với đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT); có biện pháp giám sát, kiểm tra, quản lý chặt chẽ các ĐVCNT, trường hợp phát hiện ĐVCNT thực hiện giao dịch thanh toán khống cần thực hiện ngay các biện pháp xử lý nghiêm và phản ánh cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quy trình nội bộ, thủ tục, hồ sơ đăng ký phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể:
Đối với thẻ tín dụng, phải có quy định rõ về việc thẻ tín dụng không được sử dụng để chuyển khoản; không cho phép khách hàng sử dụng hạn mức thẻ tín dụng để nạp tiền, ghi có vào tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ nội địa hoặc thẻ trả trước; có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn các hình thức lợi dụng thẻ tín dụng để sử dụng không đúng quy định của pháp luật (như sử dụng thẻ tín dụng để nạp tiền vào Ví điện tử, thanh toán hàng hóa, dịch vụ không đúng quy định của pháp luật).
Đối với thẻ trả trước, tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật hiện hành về thẻ trả trước và các chỉ đạo của NHNN.
Mặt khác, thực hiện nghiên cứu, tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ phạm vi sử dụng thẻ, hạn mức giao dịch thẻ (đặc biệt là thẻ ghi nợ quốc tế) ở nước ngoài (bao gồm giao dịch trực tiếp tại nước ngoài hoặc giao dịch trực tuyến trên các website nước ngoài) tuân thủ quy định của pháp luật, cụ thể:
Rà soát, quy định cụ thể phạm vi sử dụng thẻ, hạn mức các giao dịch thẻ (nạp/rút tiền, thanh toán, chuyển khoản, các dịch vụ khác) trong Hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ.
Có biện pháp theo dõi, giám sát, phát hiện việc sử dụng thẻ tại nước ngoài bất hợp pháp, không phù hợp với quy định tại Hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ và các quy định của pháp luật hiện hành; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trường hợp phát hiện việc sử dụng thẻ ngân hàng tại nước ngoài với giá trị lớn, tần suất giao dịch nhiều, nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, thực hiện báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.
Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các ngân hàng thành viên thuộc Hiệp hội Ngân hàng để chia sẻ, cập nhật thông tin về những hành vi sử dụng thẻ ngân hàng không đúng quy định pháp luật, các hành vi lợi dụng thẻ ngân hàng khác.
Thực tế vẫn diễn biến phức tạp
Tháng 2/2019, lên mạng Internet, vào google đánh máy cụm từ “rút tiền mặt từ thẻ tín dụng”, kết quả tìm kiếm xuất hiện hàng chục đường dẫn với những lời mời chào hết sức hấp dẫn “Đến với ruttien….com, hotline 0984 392 … bạn có thể: Rút toàn bộ số tiền trong thẻ; Thời gian rút tiền linh hoạt; Phục vụ tận nơi theo địa chỉ bạn yêu cầu; Không bị tính lãi suất đến 45 ngày; Chi phí rẻ nhất thị trường, chỉ từ 1,3%”….
Địa chỉ https://ruttienmat....com/, hotline 094.1156…. có nội dung tương tự còn tăng sức cạnh tranh của mình với mức phí đưa ra chỉ từ 1,1% và cung cấp cả dịch vụ hỗ trợ đáo hạn thẻ tín dụng với lãi suất thấp tránh cho phải chịu lãi cao từ ngân hàng khi chưa có tiền nộp ngay.
Đáng nói, trong phần đối tác và khách hàng nhiều trang còn đăng logo của hàng chục ngân hàng tên tuổi. Trong khi có những trang không ghi địa chỉ cung cấp dịch vụ ngoài số hotline thì có trang lại cung cấp vài ba địa chỉ ở những khu vực khác nhau trong thành phố (độ chính xác của các địa chỉ chưa được kiểm chứng). Chuyên nghiệp hơn, nhiều trang thực hiện các dịch vụ khuyến mãi dành cho khách hàng thân quen, khách hàng có các khoản giao dịch giá trị lớn.
Có thể thấy, dịch vụ rút tiền từ thẻ tín dụng ngày càng “phổ biến” trên mạng internet. Nhiều công ty “ảo” được lập ra chỉ để thực hiện dịch vụ này. Những công ty này có thể giúp chủ thẻ rút toàn bộ hạn mức tín dụng được cấp bằng tiền mặt để dùng vào mục đích khác thay vì mua sắm hàng hóa qua thẻ.
Họ đã làm như thế nào? Rất đơn giản, chỉ với một chiếc thẻ tín dụng và các đơn vị kinh doanh (ĐVCNT) được lắp máy POS “bắt tay” với chủ thẻ là tiền mặt có thể rút từ thẻ tín dụng mọi lúc, mọi nơi. Nếu như rút tiền tại các điểm giao dịch ngân hàng, khách hàng phải chịu mức phí cao lên đến 4% thì dịch vụ rút tiền bằng thẻ tín dụng qua POS không những tính phí thấp hơn nhiều mà còn được tư vấn nhiều “chiêu trò” lách lãi suất ngân hàng.
Các công ty “ảo”, ĐVCNT lợi dụng chính sách thu phí rẻ của ngân hàng với các điểm cung cấp hàng hóa, dịch vụ thiết yếu theo chính sách khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt làm chui dịch vụ này để kiếm thêm thu nhập từ ăn chênh lệch.
Tiềm ẩn nguy cơ và rủi ro cho tất cả các bên
Phải khẳng định rõ việc rút tiền từ thẻ tín dụng qua máy POS tuy trước mắt mang lại thuận lợi cho người sử dụng và chút lợi nhuận cho đơn vị chấp nhận thẻ nhưng lại tiềm ẩn rủi ro rất cao, vì đây là giao dịch vi phạm pháp luật.
Theo phân tích của một cán bộ có nhiều năm đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo về nghiệp vụ thẻ của một ngân hàng lớn, từ góc độ quản lý vĩ mô có thể thấy, giao dịch rút tiền từ thẻ tín dụng qua máy POS là giao dịch thanh toán khống. Doanh số rút tiền bị hiểu nhầm trong hệ thống, dẫn đến sai lệch trong đo lường sức mua người tiêu dùng, làm mất đi mục đích thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, khiến cho bức tranh hoạt động thanh toán của Việt Nam bị sai lệch, méo mó.
Với ngân hàng phát hành thẻ, các ngân hàng đều đã nhận thấy rõ nguy cơ của việc thanh toán khống. Khách hàng rút tiền từ thẻ tín dụng có thể sẽ gây vỡ nợ và rủi ro cho ngân hàng do phát sinh nợ xấu bởi hầu hết thẻ tín dụng được hình thành trên cơ sở tín chấp và có lãi suất cao. Nếu khách hàng cố tình rút toàn bộ tiền mặt qua máy POS để chi tiêu quá mức sau đó không có khả năng thanh toán sẽ khiến khả năng thu hồi vốn của ngân hàng giảm xuống.
Rủi ro cũng đến với cả ĐVCNT. Trong trường hợp giao dịch không thành công hay các ngân hàng phát hành thẻ phát hiện có nghi vấn, ĐVCNT sẽ không nhận lại được tiền trong khi đã trao tiền cho khách hàng. ĐVCNT còn có khả năng gặp phải thẻ giả của khách hàng hay làm khống hóa đơn… cũng là hành vi gian lận bị pháp luật xử lý.
Với các chủ thẻ đừng vì cái lợi trước mắt mà rước rủi ro cho bản thân. Rủi ro lớn nằm ở nguy cơ bị đánh cắp thông tin thẻ do các điểm chấp nhận rút tiền không ưu tiên bảo mật và có thể bán thông tin của khách để trục lợi. Chưa kể việc rút tiền và chi tiêu quá khả năng chi trả cũng khiến chủ thẻ rơi vào vòng xoáy nợ nần.
Cần một khung pháp lý nghiêm khắc hơn
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước các ngân hàng phát hành thẻ đã và đang tiếp tục siết chặt cũng như rà soát khách hàng của mình, kiểm soát hoạt động của ĐVCNT.
Một số dấu hiệu bất thường các ngân hàng phát hành thẻ có thể nhận ra tại các điểm chấp nhận thẻ làm dịch vụ này là giao dịch tăng đột biến, bất thường, món giao dịch lớn và chẵn.
Trường hợp phát hiện thực hiện giao dịch thanh toán khống ngân hàng phát hành thẻ sẽ thực hiện ngay các biện pháp xử lý nghiêm như chấm dứt hợp đồng, rút máy POS với ĐVCNT; chấm dứt hợp đồng tín dụng hay khóa thẻ tín dụng của khách hàng và phản ánh cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.
Đây không phải là lần đầu tiên NHNN ban hành văn bản chấn chỉnh việc sử dụng thẻ tín dụng để thực hiện giao dịch khống, song thực tế, tình trạng này không giảm bởi những biện pháp này dường như mang tính răn đe chưa đủ mạnh, cần thêm khung pháp lý quản lý hoạt động ĐVCNT. Do vậy để đảm bảo cho hoạt động thanh toán thẻ ở Việt Nam phát triển lành mạnh, đi vào nề nếp, đảm bảo hoạt thanh toán được an toàn, bền vững rất cần ban hành một thông tư quản lý đầy đủ, bài bản có tính pháp lý cao và điều này cần có sự phối hợp và vào cuộc đồng bộ từ các cơ quan liên quan như Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính….