Nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, Bộ Tài chính đang trình các cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách tài khóa trong thời gian tới, với số tiền đề xuất hỗ trợ lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 6/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, mặc dù 6 tháng đầu năm 2024, tình hình thế giới phát sinh nhiều khó khăn, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã có sự hồi phục đáng kinh ngạc.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách tài khóa, đặc biệt là các chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí nhằm giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi, phát triển.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, mặc dù thực hiện các chính sách giãn, giảm, gia hạn thuế, phí sẽ tác động tới nguồn thu ngân sách, nhưng Bộ Tài chính đã rà soát, đánh giá tổng kết các chính sách đã ban hành và trên cơ sở thực tiễn, Bộ tiếp tục trình các cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách tài khóa trong thời gian tới, nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Trong nhóm các chính sách sẽ được ban hành thời gian tới, phải kể đến chính sách giảm thuế GTGT. Bộ Tài chính đề xuất kéo dài thời gian thực hiện giảm mức thuế GTGT đến hết năm 2024. Chính phủ đã trình Quốc hội tiếp tục kéo dài thời gian giảm 2% thuế suất thuế GTGT từ 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Theo đó, dự kiến làm giảm NSNN thêm khoảng 24 nghìn tỷ đồng, tổng số giảm thu do thực hiện chính sách cả năm khoảng 47,5 nghìn tỷ đồng (bao gồm khoảng 23,5 nghìn tỷ đồng dự kiến giảm trong 6 tháng đầu năm).
Để tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2024 theo Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính dự kiến ban hành thông tư tiếp tục giảm mức thu đối với khoảng 36 khoản phí, lệ phí, áp dụng từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024, dự kiến tác động giảm thu NSNN khoảng 700 tỷ đồng.
Về chính sách giảm thuế xuất, nhập khẩu, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài ngạch thuế quan. Dự kiến việc điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu này tác động giảm thu NSNN gần 590 tỷ đồng/năm.
Có thể thấy, giai đoạn 2020-2023, các giải pháp chính sách tài chính để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh được ban hành với tổng trị giá của các giải pháp miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên đến khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Quy mô dự kiến đối với những giải pháp ban hành và thực hiện từ đầu năm 2024 khoảng 68 nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng, mặc dù giảm thu NSNN liên quan đến việc miễn, giảm, hỗ trợ các loại thuế, phí, lệ phí nhưng không ảnh hưởng đến cân đối NSNN năm nay. Trong 5 tháng đầu năm, số thu ngân sách đạt 52,8% dự toán, tăng 14,8% so cùng kỳ năm 2023, trong khi tổng chi ngân sách đạt 31% dự toán, chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2023. Vì thế, trong nửa cuối năm nay, giả sử ngân sách có giảm thu do giảm thuế giá trị gia tăng và các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất được ban hành, tăng chi để đẩy nhanh đầu tư công, thì cân đối thu - chi ngân sách vẫn bảo đảm, nợ công, nợ chính phủ vẫn rất an toàn.
"Mặc dù chúng ta thực hiện tốt các giải pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí thì chúng ta vẫn phải kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu, từ đó kiểm soát lạm phát, ngăn chặn việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu một cách vô lý", Bộ trưởng Tài chính cũng nhấn mạnh.