(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa công bố dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 15/2015/TT-NHNN hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối. Dự thảo Thông tư mới thay thế Thông tư 15, gồm 4 Chương 22 Điều.
NHNN cho biết, từ khi Thông tư 15/2015/TT-NHNN hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối (Thông tư 15) được ban hành đến nay, mặc dù thị trường quốc tế có nhiều biến động nhưng tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính, tiền tệ của Việt Nam đã có bước phát triển rất tích cực.
Nền tảng kinh tế vĩ mô bền vững hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; tỷ giá về cơ bản diễn biến ổn định, hoạt động của thị trường ngoại tệ thông suốt, nhu cầu mua, bán ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng lên mức kỷ lục. Doanh số giao dịch trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng (LNH) và giao dịch với khách hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh, thanh khoản của thị trường ngoại tệ hàng ngày rất tích cực.
Tuy nhiên, do các giao dịch ngoại tệ với khách hàng rất đa dạng, được điều chỉnh theo nhiều quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, cùng với đó là mức độ ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ngày càng phổ biến nên trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 15, các TCTD đã có những kiến nghị, đề xuất với NHNN xem xét xử lý, sửa đổi chính sách nhằm để hỗ trợ thị trường hoạt động và phát triển.
“Trong những năm qua, giao dịch phái sinh (kỳ hạn, hoán đổi) được sử dụng ngày càng phổ biến, đặc biệt trên thị trường ngoại tệ LNH, tuy nhiên mức độ sử dụng giao dịch phái sinh của khách hàng còn hạn chế, cần tiếp tục khuyến khích phát triển. Do đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện rà soát, sửa đổi quy định hiện hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của thị trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập tài chính tiền tệ quốc tế và phù hợp với mục tiêu quản lý Nhà nước”, NHNN cho biết.
Dự thảo Thông tư sửa đổi nội dung về phạm vi giao dịch của TCTD được phép với khách hàng như sau:
- Cho phép nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) khi đã đầu tư trái phiếu Chính phủ phát hành bằng VND được thực hiện giao dịch mua kỳ hạn từ TCTD được phép với mục đích phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
- Bỏ quy định kỳ hạn tối thiểu của giao dịch hoán đổi, các TCTD được thực hiện giao dịch hoán đổi có kỳ hạn dưới 3 ngày làm việc để đáp ứng nhu cầu thanh khoản, quản lý vốn.
- Bỏ quy định cho phép TCTD được phép thực hiện giao dịch quyền chọn ngoại tệ với người cư trú là tổ chức khác và cá nhân do lượng giao dịch phát sinh không đáng kể và tránh việc thực hiện giao dịch mà không nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
- Bổ sung quy định thực hiện giao dịch kỳ hạn với người cư trú để phòng ngừa rủi ro tỷ giá đối với khoản vay nước ngoài trung-dài hạn bằng ngoại tệ có kỳ hạn hoặc thời hạn còn lại trên 365 ngày.
- Cho phép TCTD được phép thực hiện giao dịch hoán đổi để sửa đổi kỳ hạn của giao dịch kỳ hạn đã ký với khách hàng trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của khách hàng kèm giấy tờ, chứng từ chứng minh nguyên nhân khách quan phải sửa đổi kỳ hạn của giao dịch kỳ hạn đã ký kết.
Về phương thức giao dịch, dự thảo thông tư quy định:
- Đối với giao dịch ngoại tệ giữa các TCTD được phép trên thị trường ngoại tệ LNH: dự thảo Thông tư quy định bổ sung chức năng, nhiệm vụ của cá nhân, bộ phận liên quan đến giao dịch và quy định về lập và gửi xác nhận giao dịch. Bổ sung quy định đối với trường hợp lập và gửi xác nhận giao dịch qua SWIFT (được phê duyệt bởi người có thẩm quyền), theo đó TCTD được phép phải thiết lập quy trình tạo lập, gửi và nhận điện xác nhận đảm bảo an toàn, phòng ngừa rủi ro; TCTD được phép phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và quy định của pháp luật có liên quan.
- Đối với giao dịch ngoại tệ giữa TCTD được phép và khách hàng: Về quy trình giao dịch, dự thảo Thông tư quy định nguyên tắc kiểm soát rủi ro là một cá nhân không chi phối toàn bộ một giao dịch, quy trình thực hiện giao dịch. Đối với việc thực hiện thỏa thuận giao dịch và xác nhận giao dịch, dự thảo Thông tư quy định: (i) Trường hợp giao dịch trực tiếp tại địa điểm giao dịch của TCTD được phép, hai bên chỉ cần lập thỏa thuận giao dịch bằng văn bản và có chữ ký của người có thẩm quyền, không cần lập thêm xác nhận giao dịch; (ii) Trường hợp thỏa thuận giao dịch thực hiện thông qua phương tiện điện tử, dự thảo giữ nguyên quy định sau khi xác lập thỏa thuận giao dịch, các bên phải lập xác nhận giao dịch bằng văn bản. Yêu cầu bằng văn bản được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy, hoặc văn bản điện tử (thông điệp dữ liệu) nếu đáp ứng được quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Giao dịch kỳ hạn để phòng ngừa rủi ro tỷ giá đối với khoản vay nước ngoài trung-dài hạn bằng ngoại tệ: Đối với khoản vay nước ngoài trung-dài hạn bằng ngoại tệ có kỳ hạn hoặc thời hạn còn lại trên 365 ngày, dự thảo Thông tư bổ sung quy định cho phép TCTD và khách hàng được phép gia hạn giao dịch ngoại tệ kỳ hạn đã ký kết để phòng ngừa rủi ro tỷ giá cho toàn bộ thời hạn của khoản vay. Dự thảo Thông tư cũng quy định kỳ hạn của giao dịch kỳ hạn ban đầu là 365 ngày; kỳ hạn của giao dịch kỳ hạn trong các giao dịch hoán đổi là 365 ngày hoặc bằng thời hạn còn lại của khoản vay khi thời hạn còn lại của khoản vay dưới 365 ngày.
Giao dịch bán kỳ hạn cho nhà đầu tư nước ngoài: Dự thảo Thông tư bổ sung quy định cho phép TCTD được phép thực hiện giao dịch bán kỳ hạn cho nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trái phiếu Chính phủ đáp ứng quy định về mục đích thực hiện giao dịch và yêu cầu phong tỏa trái phiếu. Khi giao dịch kỳ hạn đến hạn, khách hàng được thực hiện giao dịch hoán đổi để kéo dài kỳ hạn phòng ngừa rủi ro cho trái phiếu. Tổng kỳ hạn của giao dịch kỳ hạn và các giao dịch hoán đổi không được vượt quá kỳ hạn của trái phiếu phong tỏa.
Bán ngoại tệ kỳ hạn cho nhu cầu chưa đến hạn thanh toán: Dự thảo Thông tư điều chỉnh nới rộng thời gian xác định ngày cuối cùng trong giao dịch kỳ hạn (trước ngày đến hạn thanh toán của khách hàng 5 ngày) để các TCTD được phép và khách hàng linh động hơn khi ký kết hợp đồng kỳ hạn.
Dự thảo Thông tư bổ sung quy định về bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân cho mục đích du lịch, công tác, chữa bệnh, học tập, thăm viếng được phép thực hiện mua ngoại tệ giao ngay.
Quý độc giả có thể xem đầy đủ dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 15/2015/TT-NHNN tại đây.