(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chủ đề của buổi tọa đàm do Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam cùng với Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức sáng ngày 21/10/2020.
Tại đây, theo đánh giá chung của các chuyên gia, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sụt giảm sâu trong quý I/2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng đã hồi phục mạnh mẽ trong quý II, quý III. TTCK Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường phục hồi nhanh nhất trên thế giới.
Các chuyên gia trao đổi tại tọa đàm |
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) nhìn nhận năm 2020 là năm có nhiều biến động trên TTCK thế giới và Việt Nam. Chúng ta chứng kiến những thời điểm thị trường tăng giảm rất mạnh, đặc biệt quý I thị trường giảm 33% so với cuối năm 2019. Nhưng sự phục hồi của thị trường rất tốt so với các nước trong khu vực. Trong quý II, quý III, thị trường tăng trưởng đáng kể. Đến nay, chỉ số VNIndex đã ngang bằng cuối 2019. Giá trị vốn hóa thị trường từ chỗ giảm sâu so với GDP nay chỉ còn giảm 1,8% và đạt mức 73% GDP. “Từ nay đến cuối 2020, chúng ta có thể có bước tiến tiếp theo”, bà Tạ Thanh Bình dự báo.
Đánh giá khách quan, điểm được lớn nhất của thị trường không phải chỉ là sự hồi phục điểm số, quy mô mà còn thể hiện nội lực của nhà đầu tư trong nước, động thái đầu tư quỹ ngoại, vốn ngoại.
Ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán cho rằng, hiện tại trên thế giới COVID vẫn tiếp diễn và chúng ta chưa biết khi nào sẽ kết thúc. Do đó, chúng ta nên dùng “bình thường mới” cho giai đoạn này, chuyển từ giai đoạn cân bằng này sang giai đoạn cân bằng khác.
Thống kê của UBCK cho thấy, thanh khoản trên thị trường cơ sở tăng 2,7%, tăng 90% giao dịch trên thị trường phái sinh. Thanh khoản thị trường tốt hơn trên cả kỳ vọng. Tổng quan nhà đầu tư nước ngoài chỉ rút vốn khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng, không đáng kể so với tổng thị trường.
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT Trung tâm lưu ký chứng khoán VSD, đánh giá năm 2020 là năm đột biến về thanh khoản với mức giao dịch bình quân 1 ngày từ 7.000-10.000 tỷ đồng. Nhưng tăng trưởng chỉ số và một số vấn đề khác cần nghiên cứu thêm chẳng hạn như huy động vốn của doanh nghiệp thấp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn gần như không thực hiện được.
Được biết, thời điểm hiện tại, UBCK đang tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý khi Luật Chứng khoán mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Theo bà Tạ Thanh Bình, dự kiến, ngày 15/11, sẽ là thời điểm cơ quan quản lý ký ban hành toàn bộ 4 Nghị định, 11 Thông tư để có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Chứng khoán. Các văn bản này chứa đựng không chỉ là các thay đổi mang tính chất kỹ thuật mà còn thể hiện quan điểm cơ quan quản lý phát triển thị trường bền vững đặc biệt là từ kinh nghiệm điều hành thị trường trong giai đoạn đầy sóng gió vừa qua. Thị trường những năm tới có thay đổi vượt bậc về chất, phát triển bền vững.
“Quan điểm chung của UBCK trong suốt năm 2020 là sự tôn trọng tối đa vận hành của thị trường, hạn chế sự can thiệp mang tính chất hành chính và đặt yêu cầu quản lý mang tính bền vững lên cao nhất” – bà Tạ Thanh Bình cho biết.
Theo ông Bùi Hoàng Hải, với Luật Chứng khoán mới, thị trường sẽ có một số thay đổi lớn. Trong đó có vấn đề về phát hành, chào bán, tổ chức thị trường, cơ chế phòng ngừa rủi ro cho toàn bộ thị trường. Năm 2021, dự kiến hệ thống cơ sở hạ tầng mới sẽ được triển khai trên toàn bộ thị trường. Với sự vận hành Trung tâm thanh toán theo mô hình đối tác bù trừ CCP, cơ cấu thị trường có sự thay đổi khá lớn, có sự phân mảng thị trường theo quy định để có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm. Khối công ty chứng khoán được mở rộng nhiều dịch vụ hơn, một số dịch vụ chưa chính thức thì nay sẽ được quy định chính thức như phối hợp ngân hàng cho vay, chào bán sản phẩm tài chính…
Ý kiến chung ghi nhận tại hội thảo đều cho thấy tầm nhìn lạc quan về triển vọng tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam cuối năm 2020 và đầu năm 2021.