Sức khỏe kinh tế Việt Nam đang tốt, thể hiện khả năng chống chịu cao

Phan Mai (ghi)| 23/01/2019 10:10
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam chia sẻ ấn tượng về những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian qua, đồng thời nêu lên một số nội dung Việt Nam nên lưu ý để có thể làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Phóng viên (P/V): Đánh giá của ông về kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018?

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam

Ông Ousmane Dione: Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chững lại thì Việt Nam vẫn đạt được tăng trưởng ở mức 7,08%. Sức khỏe nền kinh tế Việt Nam đang tốt, thể hiện khả năng chống chịu cao nhờ sức cầu mạnh trong nước. Ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng tốt. Ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng cao nhờ tốc độ phát triển trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Việt Nam tiếp tục là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới khi mà tỷ lệ thương mại so với GDP đạt gần 200% trong năm 2018. Tăng trưởng cao song hành với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức vừa phải và kinh tế đối ngoại được tăng cường.

Vốn đầu tư của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp ¼ cho tổng chi đầu tư tại Việt Nam. Đầu tư công giảm xuống rõ rệt do Chính phủ cắt giảm chi đầu tư để hỗ trợ củng cố tình hình tài khóa. Bội chi ngân sách giảm xuống kể từ năm 2017 kết hợp với hạn mức về bảo lãnh của nhà nước trong năm 2017 và 2018 đã giúp Việt Nam kiềm chế, không cho nợ công tiếp tục tăng lên và ổn định được ở mức 61,5% từ năm 2017.

Chính sách tiền tệ, nhìn chung vẫn theo hướng tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế. Quá trình xử lý nợ xấu đang tiếp diễn với những kết quả tích cực từ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống mức thấp (2,1%) vào tháng 6/2018 do các ngân hàng đẩy mạnh xử lý nợ xấu thông qua thu hồi nợ và bán tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Kết quả tăng trưởng tốt trong những năm gần đây đã hỗ trợ đẩy mạnh tạo việc làm và nâng cao thu nhập người lao động. Tỷ lệ người thất nghiệp chính thức của Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 2%.

Điều khiến tôi ấn tượng nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, trong bối cảnh nhiều nước thu nhập trung bình khác còn đang gặp phải khủng hoảng như Thổ Nhĩ Kỳ hay Argentina. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thể hiện có sức chịu đựng tốt với các “cú sốc” bên ngoài, thậm chí không bị ảnh hưởng xấu bởi căng thẳng thương mại gần đây mà còn nhờ đó để đạt đà tăng trưởng cao hơn. Đó là một tiền đề rất tốt để Việt Nam đứng vững, và ảnh hưởng tích cực đến tâm lý các nhà đầu tư. 

P/V: Theo ông đâu là điểm nổi bật trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước năm vừa qua và điều gì cần lưu tâm thời gian tới?

Ông Ousmane Dione: Như tôi đã đề cập ở trên, để có sự ổn định của kinh tế vĩ mô và lạm phát được kiềm chế ở mức thấp phải nhắc tới vai trò to lớn của Ngân hàng Nhà nước với những chính sách tiền tệ linh hoạt.

Đặc biệt phải nhắc tới là việc thực hiện tốt Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Với nỗ lực của nhiều bên, nhất là các ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn ở mức thấp. Cùng đó là hiệu quả của công tác cải cách ngân hàng.

Theo tôi, thời gian tới, ngành Ngân hàng vẫn có thể làm được nhiều hơn nữa và làm tốt hơn nữa. Thứ nhất ở nội dung liên quan đến việc tăng cường dịch vụ tài chính và ngân hàng cho tất cả mọi người. Vì hiện nay tỉ lệ người dân có tài khoản ngân hàng vẫn còn thấp. Thứ hai là lĩnh vực thanh toán điện tử để hỗ trợ phát triển thương mại điện tử. Theo tôi đó là những lĩnh vực của tương lai mà càng làm sớm càng tốt.

P/V: Việt Nam đã và đang ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có hai hiệp định thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Ông đánh giá ra sao về năng lực thực hiện cam kết của Việt Nam trong 2 hiệp định này?

Ông Ousmane Dione: Trước hết tôi muốn nhấn mạnh rằng Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy ký kết thành công CPTPP, mà động lực rất lớn là từ cuộc họp của các Bộ trưởng Thương mại 11 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bên lề Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng vào năm 2017.

Những tiến độ tích cực của các hiệp định thương mại này cũng góp phần cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư vào Việt Nam.

Việc thực hiện các cam kết của CPTPP hay EVFTA là “cơ hội vàng” cho Việt Nam, bởi thông qua các hiệp định này Việt Nam có thể đi con đường tắt để cải cách và phát triển như các nước bạn. Cạnh tranh cũng là động lực để tiếp tục con đường cải cách sâu rộng hơn, mang lại những thay đổi tích cực hơn.

Tuy nhiên, cải cách không thể được thực hiện chỉ qua một đêm, mà phải là cả một quá trình. Và câu hỏi đặt ra lúc này không phải là cần làm gì? Mà ta cần làm như thế nào? Đơn cử như việc giải quyết các thủ tục phá sản hay các vấn đề liên quan đến cải cách doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước…. Nếu quy trình thực hiện đầy đủ theo tiêu chuẩn quốc tế và được thực hiện một các quyết tâm, chắc chắn sẽ giúp Việt Nam thành công trong việc thực hiện các cam hết của 2 hiệp định này.

P/V: Theo ông, đâu là những vấn đề Việt Nam phải quan tâm để ứng phó với  khó khăn của kinh tế toàn cầu nhằm duy trì tăng trưởng trong năm 2019?

Ông Ousmane Dione: Theo tôi, Việt Nam cần phải theo dõi xu hướng kinh tế toàn cầu và định hướng được cần làm gì để tận dụng được xu hướng đó, đặc biệt là việc chuẩn bị ra sao với các tác động ở bên ngoài. Những rủi ro bên ngoài bao gồm chủ nghĩa bảo hộ thương mại leo thang, tình trạng bất định địa chính trị tăng cao, các điều kiện huy động vốn trên toàn cầu bị thắt chặt dẫn đến những biến động gây xáo trộn trên thị trường tài chính.

Cần nói thêm rằng, căng thẳng thương mại leo thang sẽ đem lại cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Một mặt, Việt Nam có thể đóng vai trò nhà cung cấp thay thế một số hàng của Trung Quốc sang thị trường Mỹ. Trong số các quốc gia ASEAN, Việt Nam cũng được coi là điểm đến mới của các nhà đầu tư đang dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Mặt khác, căng thẳng thương mại cũng sẽ khiến nhu cầu hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc giảm xuống, làm ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, vì Việt Nam là một phần của chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Chưa kể hàng hóa Trung Quốc có thể tràn ngập Việt Nam, gây ảnh hưởng đến các hoạt động chế tạo, chế biến trong nước.

Để ứng phó với những vấn đề nêu trên, việc tiếp tục phát huy được tốc độ cải cách trong thời gian qua là điều rất quan trọng. Các nhà hoạch định chính sách nên tận dụng lợi thế trong lúc động lực tăng trưởng còn đang thuận lợi để đẩy mạnh tái cơ cấu, cải cách bao gồm cả khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng, cũng như việc xử lý nợ xấu. Cần duy trì chính sách tiền tệ ứng phó và tỷ giá linh hoạt, củng cố tài khóa và hạn chế tăng trưởng tín dụng để củng cố khung chính sách kinh tế vĩ mô và nâng cao khả năng chống chịu trước những biến động về tài chính và thương mại tác động từ bên ngoài. Song song với đó là nâng cao hiệu suất đầu tư công, nhằm nâng cao năng suất, sản lượng tiềm năng và hỗ trợ tăng cường các dịch vụ sự nghiệp.

Về thương mại, tiếp tục tạo thuận lợi như ban hành khung thể chế, chính sách tốt, cải thiện dịch vụ vận tải và hạ tầng; đơn giản hóa các quy định, kèm theo những nỗ lực lớn chiếm lĩnh các khâu đem lại giá trị gia tăng lớn hơn trong chuỗi cung ứng. Cần cung cấp tài chính thương mại có mục tiêu, hỗ trợ kỹ thuật, thông tin thị trường và các dịch vụ xuất khẩu khác để đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, tăng cường nỗ lực để đẩy mạnh sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong nước vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực… 

Tôi nghĩ Việt Nam cần chú trọng đến chất lượng thực hiện việc tái cơ cấu, cải cách hơn là con số. Cụ thể, nên tập trung đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, khoa học công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực liên quan đến kỹ thuật số để đưa Việt Nam lên một tương lai phát triển cao hơn.

Thời gian tới, Việt Nam cũng nên tập trung vào việc lựa chọn chất lượng đầu tư nước ngoài, đặc biệt là lĩnh vực khoa học công nghệ cao. Ví dụ như trong lĩnh  vực điện, có thể lựa chọn khuyến khích tư nhân đầu tư nhiều vào năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh học,… Bên cạnh đó, các vấn đề như cơ sở hạ tầng đô thị hay nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp cũng nên được quan tâm nhiều hơn nữa.

P/V: Dự báo của ông về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019?

Ông Ousmane Dione: Nếu làm được tốt những vấn đề nêu trên thì Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,6-6,8% trong năm 2019 Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đề ra, hoặc thậm chí có thể cao hơn nữa. 

WB dự báo triển vọng trung hạn của Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,6% trong năm 2019, giảm nhẹ xuống 6,5% năm 2020. Tuy nhiên triển vọng này còn phụ thuộc vào nhiều rủi ro có thể xảy ra khi Việt Nam thực hiện như tiến trình tái cơ cấu và cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng như khu vực ngân hàng.

Theo tôi, triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn rất tích cực. Vấn đề là muốn nền kinh tế sẽ phát triển thịnh vượng hơn, đặc biệt là cả xã hội  thịnh vượng thì cần đầu tư cho hạ tầng có chất lượng, đầu tư vào kiến thức và nguồn nhân lực. Ngoài ra cũng cần đầu tư vào cách thức tăng trưởng nền kinh tế, dành không gian cho người dân để tận dụng được lợi thế tăng trưởng đó.

Việt Nam trước đây, và hiện nay đã có nhiều sự phát triển, nhưng còn có thể làm được tốt hơn nữa và có thể làm ngay vì đây là thời điểm thích hợp. Nếu như có cải cách phù hợp thì thực sự triển vọng phát triển của Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh  tăng trưởng và tiếp tục thu hút đầu tư tốt hơn, từ đó, tạo động lực mới cho nền kinh tế, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thành công hơn nữa.

P/V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức khỏe kinh tế Việt Nam đang tốt, thể hiện khả năng chống chịu cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO