Tổng số tài khoản của nhà đầu tư trong nước tại thời điểm cuối tháng 10/2023 chỉ còn hơn 7,4 triệu. Con số này thấp hơn 377.973 tài khoản so với thời điểm cuối tháng 9. Số tài khoản giảm trong tháng 10 thậm chí còn lớn hơn tổng lượng tài khoản mở mới 2 tháng trước đó.
Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, tổng số tài khoản của nhà đầu tư trong nước tại thời điểm cuối tháng 10 vừa qua chỉ còn hơn 7,4 triệu đơn vị. Con số này thấp hơn 377.973 tài khoản so với thời điểm cuối tháng 9. Số tài khoản giảm trong tháng 10 thậm chí còn lớn hơn tổng lượng tài khoản mở mới 2 tháng trước đó.
Số lượng tài khoản chứng khoán giảm chủ yếu đến từ cá nhân. Trong tháng 10, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã giảm 378.137 đơn vị, xuống còn 7,38 triệu tài khoản (tương đương 7,4% dân số). Ngược lại, các tổ chức trong nước vẫn mở mới thêm 164 tài khoản, nâng tổng số tài khoản lên 15.885 tài khoản.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mở mới thêm 246 tài khoản trong tháng 10, giảm nhẹ so với con số 253 tài khoản của tháng trước đó. Về cơ cấu, nhà đầu tư cá nhân mở mới 229 tài khoản, tổ chức mở mới 17 tài khoản trong tháng vừa qua. Thời điểm cuối tháng 10, nhà đầu tư nước ngoài có tổng cộng 44.952 tài khoản.
Đây là lần đầu tiên dữ liệu báo cáo về số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước giảm. Điều này diễn ra trong bối cảnh mới đây, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử. Việc kết nối nhằm làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán.
Việc làm sạch dữ liệu người dùng sẽ giúp đối chiếu thông tin của người dùng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo trùng khớp và loại bỏ dữ liệu sai, trùng lặp hoặc thông tin ảo. Nhiệm vụ này được yêu cầu phải hoàn thành trong tháng 11 này. Chỉ đạo trên được đưa ra khi thời gian qua nhiều cá nhân bị khởi tố vì thao túng chứng khoán để thu lợi.
Chỉ số VN-Index tháng 10 ghi nhận mức giảm điểm 11%, dòng tiền cá nhân trong nước đóng vai trò chủ lực trong việc nâng đỡ thị trường khi khối ngoại vẫn liên tục bán ròng.
Cụ thể, khối ngoại vẫn giữ nguyên chiến lược bán ròng trong bối cảnh đồng USD tăng giá và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao, bán ròng 2,72 nghìn tỷ đồng trong tháng 10; lũy kế từ đầu năm bán ròng 10,5 nghìn tỷ đồng trong bối cảnh đồng USD tăng giá và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao.
Ngược lại, cá nhân trong nước vẫn là nhóm mua ròng trong bối cảnh các ngân hàng trong nước liên tục cắt giảm lãi suất huy động, mua ròng 2,46 nghìn tỷ đồng trong tháng 10 và mua ròng 20,5 nghìn tỷ đồng lũy kế từ đầu năm.
Sau đợt bán tháo, P/E của VN-Index đã điều chỉnh về mức 13,2 lần vào cuối tháng 10 từ mức đỉnh 17,3 lần vào ngày 12/9. Với mức P/E hiện tại của VN-Index, Mirae Asset cho rằng định giá thị trường hiện có phần hấp dẫn so với các thị trường khác trên thế giới (P/E của MSCI EM Index: 13,3x).
Báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cũng cho biết, chỉ số P/B của VN-Index đã gần về vùng đáy trung hạn của thị trường vào trung tuần tháng 11 năm ngoái. P/B của VN-Index hiện giao dịch ở vùng 1,59 đây là vùng định giá gần tiệm cận với đáy trung hạn của thị trường tại ngày 15/11/2022 là 1,47. Trong giai đoạn COVID, P/B của thị trường tạo đáy ở 1,57.
Mặc dù rủi ro ngắn hạn của thị trường còn hiện hữu nhưng với mức chiết khấu định giá gần tương đương mức đáy trung hạn thời điểm tháng 11/2022 và đáy COVID-19, đội ngũ phân tích nhận định đây là thời điểm tốt để các nhà đầu tư trung và dài hạn bắt đầu tích lũy cổ phiếu cho năm 2024.