Giải đáp thắc mắc liên quan đến việc phong tỏa tài khoản thanh toán theo quy định tại Nghị định 52/2024/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.
Câu hỏi: Tại Nghị định 52/2024/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) mới được ban hành, có 4 trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán. Xin cho biết cụ thể thêm về những trường hợp này, quy định này đảm bảo an toàn tài khoản cũng như quyền lợi cho khách hàng ra sao?
Trả lời:
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 quy định về thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, đối với việc phong tỏa tài khoản thanh toán, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 11, tài khoản thanh toán bị phong tỏa trong các trường hợp:
(1) Theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản.
(2) Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
(3) Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi có vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.
(4) Khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.
Quy định trên nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi của chủ tài khoản thanh toán cũng như an toàn tiền gửi khách hàng.
Trong trường hợp khách hàng chuyển tiền nhầm :
Quy định pháp luật không có quy định cho phép ngân hàng được phong tỏa tài khoản thanh toán khi nhận được tiền chuyển tiền nhầm trừ khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của ngân hàng chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của khách hàng chuyển tiền như quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 52 nêu trên. Theo đó, Ngân hàng không được phong tỏa tài khoản thanh toán của người nhận tiền nếu chỉ dựa vào tra soát, khiếu nại của khách hàng chuyển tiền nhầm; việc này nhằm tránh rủi ro phát sinh tranh chấp, khiếu nại hoặc lợi dụng phong tỏa tài khoản không đúng quy định làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Khách hàng cần lưu ý kiểm tra kỹ thông tin về tài khoản người thụ hưởng, số tiền chuyển,.. đảm bảo chính xác trước khi xác nhận thực hiện lệnh chuyền tiền. Trong trường hợp chuyển nhầm tiền, khách hàng gửi tra soát tới ngân hàng nơi mở tài khoản để đề nghị ngân hàng phục vụ bên thụ hưởng (nhận tiền chuyển đến) phối hợp liên hệ đề nghị khách hàng nhận tiền thực hiện chuyển trả lại số tiền bị chuyển nhầm.
Pháp luật hiện hành cũng đã có quy định về trách nhiệm hoàn trả tiền chuyển nhầm như sau:
- Tại Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định về quyền đòi lại tài sản và nghĩa vụ hoàn trả như sau: “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật” (khoản 1 Điều 166) và “Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó…” (khoản 1 Điều 579).
- Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 02/2019/TT-NHNN) (Thông tư 23 sửa đổi, bổ sung) đã quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ tài khoản cũng như quyền và nghĩa vụ của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; trong đó, chủ tài khoản có nghĩa vụ “Hoàn trả hoặc phối hợp với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoàn trả các khoản tiền do sai sót, nhầm lẫn đã ghi Có vào tài khoản thanh toán của mình” (điểm d khoản 2 Điều 5).