Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và những bài học kinh nghiệm

Nguyễn Đức Lệnh| 11/12/2019 16:47
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết nhìn nhận những kết quả quan trọng đạt được của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đồng thời qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm.

Ngày nhận bài: 15/11/2019 - Ngày biên tập: 20/11/2019 - Ngày duyệt đăng: 22/11/2019. Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 23/2019.

Tóm tắt: Bài viết nhìn nhận những kết quả quan trọng đạt được của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đồng thời qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm.

Từ khóa: tín dụng chính sách xã hội, TP Hồ Chí Minh

Strengthening the Party's leadership on social policy credit in Ho Chi Minh city and lessons learned

Abstract: The paper reviews the important achievements of social policy credit activities in Ho Chi Minh city after 5 years of implementing the Directive 40/CT-TW of the Secretariat on strengthening Party’s leadership on social policy credit, at the same time draws some experience lessons.

Key words: cocial policy credit, Ho Chi Minh City

Chỉ thị 40/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tập trung 4 vấn đề lớn. Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Thứ hai, nâng cao trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Thứ ba, tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Thứ tư, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Đây là những nội dung chỉ đạo nhằm tăng cường sự lãnh đạo, vai trò quản lý của các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương đối với thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, cũng như phát huy vai trò của các Đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đối với việc tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động tín dụng chính sách. Sự đúng đắn, phù hợp và mang tính thực tiễn cao của Chỉ thị đã góp phần phát huy hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên khắp cả nước. Nhìn lại 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh để thấy được những kết quả quan trọng, phản ánh trên 2 phương diện chính sau1:

- Việc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 40 luôn được Thành ủy TP. Hồ Chí Minh  quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt với sự đồng thuận của nhân dân, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn được củng cố, nguồn vốn ưu đãi phát huy được hiệu quả cao.

- Thông qua các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội được nâng lên, đã có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức thành viên và các sở, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40 đạt được nhiều kết quả, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng tham gia thực hiện tín dụng chính sách xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đẩy lùi các tệ nạn, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; đồng thời củng cố thêm tình đoàn kết, trách nhiệm, gắn bó trong cộng đồng dân cư, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, củng cố hơn nữa lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chính quyền thành phố.

Những kết quả đạt được

Thứ nhất, đưa chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống và phát huy tác động tích cực đối với công tác xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng và phát triển bền vững theo đúng tinh thần chỉ thị: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, trách nhiệm của MTTQ, cũng như nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH. Trong quá trình này, hiệu quả công tác phối hợp giữa ngành ngân hàng với các sở, ngành, quận huyện, với tổ chức đoàn thể (MTTQ; Ban Dân vận; Hội Nông dân….) thông qua quy chế phối hợp đã tạo điều kiện thực hiện tốt công tác thông tin truyền thông; đối thoại và phản biện chính sách. Đặc biệt tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc và những vấn đề phát sinh trong thực hiện các chương trình tín dụng nói chung và tín dụng chính sách xã hội nói riêng có hiệu quả.

Thứ hai, tập trung và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Đặc biệt là nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thành phố, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Quy mô nguồn vốn tăng; dư nợ tín dụng và doanh số cho vay tăng qua từng năm. Theo đó, nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 3.358 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2014 (là năm đầu thực hiện chỉ thị); Dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 3.343 tỷ đồng, tăng 1,53 lần so với năm 2014.

Thứ ba, các chương trình tín dụng chính sách phát huy được hiệu quả và đạt được mục tiêu đề ra, cũng như chủ trương định hướng của Đảng, Chính phủ và NHTW. Thông qua hoạt động tín dụng chính sách, đã tạo điều kiện cho hơn 263 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất kinh doanh; tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Đặc biệt trong 5 năm qua, chương trình tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho gần 72 nghìn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo và giải quyết việc làm cho 123 nghìn người lao động, giúp trên 17 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được đến trường; bên cạnh đó vốn tín dụng chính sách cũng tạo điều kiện cải thiện môi trường sống cho người dân, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường và các hoạt động cộng đồng khác (hỗ trợ sau cai nghiện; hòa nhập cộng đồng; công tác khám chữa bệnh….). Ở góc độ vĩ mô, đây là kết quả quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững; cho thấy hiệu quả của chương trình xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới cũng như công tác bảo đảm an ninh an toàn xã hội và hạn chế tín dụng đen.

Thứ tư, mô hình quản lý và phương thức hoạt động của NHCSXH nói chung và của thành phố nói riêng ngày càng hoàn thiện và chuyên nghiệp hơn. Xuất phát từ mô hình ngân hàng người nghèo – trong quá trình phát triển và sau 5 năm thực hiện Chỉ thị, NHCSXH thành phố hoạt động hiệu quả hơn, huy động vốn và cho vay chương trình tín dụng chính sách mở rộng và hiệu quả hơn, đảm bảo các đối tượng chính sách được tiếp cận tốt nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, của NHTW và UBNDTP;  nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, kiểm soát nợ quá hạn và nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác kiểm tra giám sát; phát huy trách nhiệm của người vay vốn, đưa dòng vốn tín dụng ưu đãi đến đúng địa chỉ và tạo hiệu ứng chính sách, làm tốt vai trò thực thi chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ đối với các đối tượng chính sách và người dân.

Một số bài học kinh nghiệm

1. Hoạt động của NHCSXH với bản chất là tạo điều kiện cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; không vì mục tiêu lợi nhuận, vì vậy có tính cộng đồng cao cần phải có sự phối hợp, quan tâm của toàn xã hội. Do đó, việc tăng cường vai trò lãnh đạo chỉ đạo của Đảng, Chính quyền các cấp và trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo phát huy và thực hiện được mục tiêu đề ra. Đây là giá trị thực tiễn của Chỉ thị 40/CT-TW.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy địa phương nào, địa bàn nào có sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo, sự chỉ đạo của Chính quyền và sự phối hợp tốt của các tổ chức đoàn thể, thì các chương trình tín dụng chính sách tại địa phương đó, địa bàn đó phát huy được hiệu quả, nợ quá hạn thấp và đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt.

2. Việc cho vay các đối tượng chính sách để thoát nghèo và giảm bớt khó khăn cuộc sống cũng như tạo điều kiện tối thiểu cho các đối tượng chính sách có cuộc sống bớt khó khăn hơn, an toàn vệ sinh và cuộc sống tốt hơn là rất quan trọng. Song để duy trì được kết quả này, cũng như đảm bảo vượt ngưỡng nghèo bền vững, không tái nghèo còn quan trọng hơn. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy để thực hiện được mục tiêu này không chỉ cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của NHCSXH mà còn cần đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, dạy nghề, tập huấn, huấn luyện cho người nghèo biết cách làm ăn, kinh doanh; tạo thị trường cho các sản phẩm của đối tượng này cũng như hỗ trợ trong chuyển giao kỹ thuật, trong hướng nghiệp…. có như vậy mới đảm bảo sự thay đổi và phát triển bền vững từ những đồng vốn tín dụng ưu đãi cho người nghèo làm ăn, giải quyết việc làm và học tập để thay đổi cuộc sống.

Trong quá trình này, tiếp tục kết hợp hoạt động tín dụng chính sách gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới – với các tiêu chí về hộ nghèo, về xóa đói giảm nghèo trong công cuộc xây dựng nông thôn mới để tạo cơ sở nhằm giảm nghèo bền vững và tạo cho hộ nghèo vượt nghèo trong môi trường nông thôn mới, thuận lợi cho mọi người dân phát triển.

Chú thích:

(1) Theo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban thường vụ Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và những bài học kinh nghiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO