Tăng trưởng xanh sẽ tăng sức hấp dẫn cho Việt Nam

N.L (thực hiện)| 31/01/2022 14:00
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo bà Michele Wee, Tổng Giám đốc, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, Việt Nam đã và đang đạt được nhiều bước tiến trong quá trình tái cấu trúc và cải cách. Điều đó kết hợp với những yếu tố nền tảng cơ bản vững chắc đang giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

 

Bà Michele Wee, Tổng Giám đốc, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam

Phóng viên: Gần đây, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”, hướng tới mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.... Theo bà, việc này sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai như thế nào?

Bà Michele Wee: Chúng tôi đánh giá cao chiến lược này bởi nó cho thấy quyết tâm của Chính phủ nhằm xây dựng một tương lai bền vững. Với vị thế là một nền kinh tế đang nổi và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu, việc này sẽ mang đến cho Việt Nam nhiều lợi ích. Việc thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế cùng với điều chỉnh mô hình tăng trưởng sẽ giúp Việt Nam cải thiện khả năng cạnh tranh và giảm thiểu tác động của những cú sốc bên ngoài.

Thế giới đang ngày càng đòi hỏi nhiều hơn các yếu tố xanh trong các sản phẩm và dịch vụ. Đây là cơ hội để Việt Nam tăng cường tính cạnh tranh trong dài hạn, đặc biệt là xuất khẩu sang các nước phát triển, nơi có các luật định nghiêm ngặt về nguồn gốc sản phẩm và các tác động lên môi trường.

Theo tôi, Việt Nam đã và đang đạt được nhiều bước tiến trong quá trình tái cấu trúc và cải cách. Điều đó kết hợp với những yếu tố nền tảng cơ bản vững chắc đang giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Trong những cuộc khảo sát gần đây của Standard Chartered, Việt Nam nằm trong tốp đầu các thị trường để mở rộng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại ASEAN, cũng như các doanh nghiệp ASEAN đang tìm kiếm các cơ hội tăng trưởng ở trong khối.

Tựu chung lại, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh sẽ giúp Việt Nam tăng cường sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài và thu hút các hoạt động đầu tư có chất lượng cao, thân thiện với môi trường, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu gia tăng đầu tư vào Việt Nam, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển bền vững.

Phóng viên: Dưới góc nhìn của ngân hàng nước ngoài có nhiều kinh nghiệm trong phát triển các dự án xanh và tăng trưởng bền vững, theo bà, thế mạnh của Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh là gì?

Bà Michele Wee: Một điều hết sức tích cực đó là Chính phủ Việt Nam có một quyết tâm mạnh mẽ trong thúc đẩy tăng trưởng xanh. Bên lề Hội nghị Khí hậu của Liên hợp quốc COP26 tại Glasgow, Vương quốc Anh hồi đầu tháng 11/2021 vừa qua, chúng tôi rất vinh dự được đón tiếp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các Bộ trưởng và các doanh nghiệp toàn cầu. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra thông điệp rõ ràng rằng: “Việt Nam cam kết chống lại biến đổi khí hậu, theo đuổi chiến lược phát triển bền vững và hướng tới đạt mức phát thải các-bon bằng 0 vào năm 2050”.

Chúng tôi nhận thấy, Việt Nam đang nổi lên là một trung tâm sản xuất của thế giới cũng như đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, Việt Nam có cơ hội lớn để thu hút các doanh nghiệp phát triển xanh và bền vững. Tất nhiên là cần phải duy trì hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Tôi cho rằng, Chính phủ đã ý thức rất rõ về vấn đề này và đang đạt được những bước tiến tích cực.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng dành nhiều sự quan tâm cho việc thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số, công nghệ và sáng tạo, đây là những khía cạnh đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tốc độ, năng suất và hiệu quả.

Một khía cạnh tích cực nữa là cách tiếp cận hậu COVID-19 đối với vấn đề văn hóa, y tế, giáo dục và sự bình đẳng mang lại các lợi ích và cơ hội cho người dân. Tất cả những điều này sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy quá trình tăng trưởng xanh và xây dựng một xã hội ở đó “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đây là một mục tiêu tham vọng và Ngân hàng Standard Chartered đang tích cực làm việc với Chính phủ, các cơ quan ban ngành và cộng đồng để huy động nguồn vốn cần thiết cho sự phát triển.

Phóng viên: Theo bà, để hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư sẽ đóng vai trò như thế nào?

Bà Michele Wee: Đại dịch đã cho thấy rõ nét hơn tầm quan trọng của tài chính bền vững đối với quá trình phát triển kinh tế ở quy mô quốc gia và toàn cầu. Trước đại dịch COVID-19, ước tính nguồn vốn cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc đến năm 2030 là 2.500 tỷ USD. Thế giới vốn đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong nỗ lực để đạt được các mục tiêu đó. Và giờ đây, các khoản đầu tư từ cả lĩnh vực nhà nước và tư nhân trở nên cần thiết hơn bao giờ hết để có thể giải quyết các vấn đề về môi trường và xã hội sau đại dịch. Nguồn vốn cần thiết là rất lớn và đây là lúc các nhà đầu tư đóng một vai trò hết sức quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững.

Ngày càng nhiều các doanh nghiệp nhận thức được sự cần thiết phải chú trọng vào phát triển bền vững và áp dụng ESG (môi trường, xã hội và quản trị) vào hoạt động kinh doanh. Chúng tôi cho rằng, trong 5 năm tới, các nhà đầu tư rót tiền vào các lĩnh vực phát triển bền vững và tạo ra những tác động tích cực lên môi trường và cộng đồng sẽ tiếp tục gia tăng. Số lượng lớn các doanh nghiệp sẽ đồng tình rằng: đầu tư tác động (impact investing) có thể mang lại lợi nhuận tương đương thậm chí tốt hơn so với các hình thức truyền thống thông thường.

Phóng viên: Từ kinh nghiệm của Ngân hàng Standard Chartered, theo bà, Việt Nam cần chú ý gì trong quá trình hồi phục và tăng trưởng bền vững?

Bà Michele Wee: Khi nói đến tăng trưởng xanh, chúng ta sẽ mong muốn thúc đẩy sự phát triển của khối tư nhân và tạo ra các cơ hội mang về thu nhập cho người dân, đồng thời tách quá trình phát triển kinh tế khỏi các hoạt động tiêu dùng tiêu tốn nhiều nguồn lực, các hoạt động ảnh hưởng tới môi trường và phát thải khí nhà kính. Việc đưa ra các điều kiện và quy định ở khía cạnh chính sách hay ở cấp doanh nghiệp là hết sức cần thiết để thay đổi sang hướng sản xuất và tiêu dùng thân thiện với môi trường.

Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa các lĩnh vực kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và nâng cao năng lực trong quá trình chuyển đổi xanh. Việc huy động hiệu quả các nguồn lực nhà nước và tư nhân là cần thiết để hỗ trợ quá trình tăng trưởng xanh. Ví dụ, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045. Nhu cầu về vốn cho quá trình chuyển đổi trong lĩnh vực năng lượng sẽ là rất lớn. Đây là khía cạnh các tổ chức tài chính như Standard Chartered có thể mang đến những sự hỗ trợ cho chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Phóng viên: Trong quá trình đó, các tổ chức nước ngoài như Standard Chartered có thể giúp gì cho quá trình hồi phục của Việt Nam?

Bà Michele Wee: Là một ngân hàng quốc tế hàng đầu với 117 năm lịch sử hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi luôn kiên định trong sứ mệnh hỗ trợ quá trình phát triển bền vững. Bên lề Hội nghị khí hậu của Liên Hợp quốc COP26, chúng tôi đã ký 3 biên bản ghi nhớ với tổng giá trị 8,5 tỷ USD với 3 doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững. Chúng tôi tin rằng những khoản đầu tư như thế sẽ giúp Việt Nam trong quá trình phát triển và góp phần xây dựng một tương lai thịnh vượng.

Một trọng tâm trong hoạt động của chúng tôi là sử dụng sức mạnh của nguồn vốn để tạo ra những tác động tích cực lên cộng đồng và môi trường. Chúng tôi tập trung vào những khu vực mà ở đó nguồn tài chính bền vững có thể mang đến hiệu quả cao – những khu vực cần nhiều vốn để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Chúng tôi cũng chú trọng vào những lĩnh vực mà quá trình đạt được phát thải các-bon bằng 0 sẽ mang đến những đóng góp đáng kể, giúp cho thế giới đạt được mục tiêu giữ mức độ ấm lên toàn cầu ở dưới 2 độ C như trong Thỏa thuận Paris. Gần đây, chúng tôi đã hợp tác với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) để thu xếp vốn cho một số dự án điện gió tại Việt Nam.

Chúng tôi cam kết hỗ trợ quá trình phát triển bền vững của Việt Nam và đang làm việc chặt chẽ với Chính phủ, khách hàng và đối tác để hỗ trợ Việt Nam phục hồi và phát triển kinh tế cũng như đạt được mục tiêu về phát thải các-bon bằng 0.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng trưởng xanh sẽ tăng sức hấp dẫn cho Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO