(thitruongtaichinhtiente.vn) - Do đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây nhiều khó khăn cho kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng

Do đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây nhiều khó khăn cho kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng

Xoay sở tăng vốn

Nhiều ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn trong năm 2020, bao gồm cả nhóm các NHTM Nhà nước, một trong các nguyên do các nhà băng rất nỗ lực để có thể tăng vốn trong năm nay cũng là để đáp ứng Thông tư 41 theo chuẩn Basel II. Song đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây nhiều khó khăn cho kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng. Hệ quả là số ngân hàng tăng vốn trong những tháng đầu năm là khá khiêm tốn và câu chuyện tăng vốn đang dần chuyển về những tháng cuối năm 2020. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, NHNN yêu cầu các ngân hàng phải tiết kiệm chi phí, không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nên các ngân hàng chuyển hướng tăng chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.

Theo đó mới đây, NHNN đã chấp thuận cho hai ngân hàng tăng vốn điều lệ là Bac A Bank và ACB. Trong đó, ACB tăng vốn điều lệ từ hơn 16.627 tỷ đồng lên gần 21.616 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Tại Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 6, cổ đông ACB đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu tỷ lệ 30% để trả cổ tức năm 2019. Thời gian phát hành dự kiến vào quý IV năm nay. Còn Bac A Bank tăng vốn điều lệ từ 6.500 tỷ đồng lên 7.085 tỷ đồng cũng với phương thức phát hành thêm 58,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, với tỷ lệ chia là 9,0%.

HDBank cũng cho biết sẽ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 50% và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 15%, qua đó nâng vốn điều lệ từ gần 9.810 tỷ đồng lên 16.088 tỷ đồng. Dự kiến nếu phát hành xong trong năm nay, HDBank là ngân hàng có mức tăng trưởng vốn điều lệ cao nhất trong Ngành. TPBank cũng đang có kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, dự kiến tăng từ gần 8,6 nghìn tỷ đồng lên hơn 10,6 nghìn tỷ đồng, số vốn tăng thêm sẽ là khoảng 2,15 nghìn tỷ đồng. Để thực hiện việc tăng vốn, TPBank sẽ phát hành thêm hơn 181 triệu cổ phiếu và phát hành gần 34 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động. Một số ngân hàng khác như MB, SCB, VietA Bank… cũng đang có kế hoạch nâng vốn.

Thừa nhận việc tăng chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn là giải pháp nhanh nhất trong thời điểm này để có thể tăng được vốn, song theo các chuyên gia, cũng không phải dễ mà làm được, bởi để có thể chi trả được bằng cổ phiếu phải có sự chấp thuận của các cổ đông. Tuy vậy, nếu nhìn nhận thoả đáng, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nhận thấy, trong thời buổi dịch bệnh như hiện nay, ngân hàng có thể thuyết phục cổ đông để tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu bổ sung, dù chỉ ở mức độ nhất định, và chỉ có thể bù đắp một phần nào vào kế hoạch tăng vốn. Thực tế cho thấy tăng vốn ngay từ cổ đông hiện hữu đã khó rồi, chứ chưa nói tới các nhà đầu tư tiềm năng, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài.

Củng cố tiềm lực tài chính là yêu cầu

Nhìn rộng ra, một chuyên gia tài chính cho rằng, xét trong thực tế, từ đầu năm tới nay, do đại dịch Covid-19 bùng phát khiến tất cả lĩnh vực, ngành nghề kinh tế nói chung đều chậm lại, việc vay vốn, huy động vốn cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt cho vay của các ngân hàng đang rất chậm. Bởi vậy lượng vốn đang tạm thời “dư thừa” cũng đang đặt ra thách thức đối với các ngân hàng bởi họ vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền.

“Rõ ràng từ nay tới cuối năm, chỉ còn khoảng hơn 3 tháng, cộng thêm việc dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở một số địa phương khiến cho hoạt động bình thường mới ở các tỉnh, thành trong cả nước nói chung cũng có những mức độ chậm lại. Điều này đang gây khó khăn cho hoạt động sản xuất lẫn hệ thống ngân hàng, nên thực sự kế hoạch tăng vốn 2020 theo quan điểm của tôi khó mà thực hiện được như kế hoạch ban đầu mà ngân hàng đề ra”, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của VietinBank, Chủ tịch HĐQT Lê Đức Thọ nhấn mạnh việc tăng vốn điều lệ là một nhiệm vụ rất quan trọng trong quá trình phát triển của VietinBank. Tăng vốn sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng nói chung, VietinBank nói riêng có thể mở rộng tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế, đón đầu các cơ hội mới. VietinBank nhiều năm nay cũng chưa được tăng vốn điều lệ. Agribank cũng trong tình trạng tương tự khi chưa được đầu tư bổ sung thêm vốn.

Nói thêm về việc triển khai Basel II hiện đang được các TCTD tập trung thực hiện để đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn, góp phần giữ vững sự ổn định và an toàn của hệ thống các TCTD. Đến nay, đã có 76 TCTD áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN của NHNN (từ ngày 1/1/2020). Nếu trường hợp không tăng được vốn thì sẽ ảnh hưởng tới khả năng cấp tín dụng của các nhà băng này.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nhận thấy, đây là việc các ngân hàng buộc phải cố gắng ở mức tối đa, nhưng cũng sẽ được NHNN đưa vào trạng thái xem xét. Bởi dịch Covid-19 là trường hợp bất khả kháng, tác động tới toàn bộ nền kinh tế trên toàn cầu chứ không chỉ riêng Việt Nam, nên nếu ở một số ngân hàng đáp ứng được tiêu chuẩn là tốt, song với một số nhà băng chưa thể làm được thì cơ quan quản lý sẽ có giải pháp phù hợp để khiến quy định này không trở thành quá “bất khả thi” với các NHTM.

Có quan điểm khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc áp dụng chuẩn Basel II phải theo đúng kế hoạch, vì hệ thống ngân hàng càng ở trong thử thách, thì càng cần nâng cao tính minh bạch, công khai. Và chính Covid-19 sẽ là một trong những phép thử để chứng minh khả năng chống chịu của hệ thống TCTD trước khó khăn, đạt được tiêu chuẩn Basel II cũng là khẳng định tiềm lực tài chính và uy tín của nhà băng.

Vừa qua Thống đốc tiếp tục yêu cầu các đơn vị chức năng cũng khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các thủ tục tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách Nhà nước; tiếp tục xử lý vấn đề tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước (VietinBank, Vietcombank) thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần. Đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP để có cơ sở thực hiện tăng vốn cho các NHTM Nhà nước; xây dựng lộ trình tăng vốn cho các NHTM Nhà nước trong giai đoạn 2021-2026, trong đó có phần tăng vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt...

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng vốn: Ngân hàng đối diện nhiều thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO