(thitruongtaichinhtiente.vn) - Vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, Nhà nước cần tiếp tục tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh để khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, để nền kinh tế tăng trưởng với hiệu quả cao và bền vững.
Tại Hội thảo "Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vừa qua, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết: Trung bình trong giai đoạn 2016 - 2019, mỗi năm cả nước có 165.593 doanh nghiệp mới thành lập mới, với số vốn đăng ký là 1,35 triệu tỷ đồng (tăng 49,3% về số doanh nghiệp và tăng 24,8% về số vốn đăng ký so với giai đoạn 2010 - 2015).
Những năm qua, vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội. Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 42 - 43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, đóng góp 15,4% vào ngân sách nhà nước, chiếm 49% vốn đầu tư xã hội, đóng góp 8,9% vào tốc độ tăng trưởng GDP... Lực lượng doanh nghiệp tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam, hình thành nhiều thương hiệu có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn một số hạn chế.
Cụ thể, năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp. Thống kê cho thấy, năng suất lao động bình quân của khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ bằng 34% năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước và khoảng 69% năng suất lao động của doanh nghiệp có vốn nước ngoài.
Bên cạnh đó, năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp cũng là vấn đề. Hiện tại, chỉ có 10% số doanh nghiệp đã từng đăng ký hoặc đăng ký thành công 1 bằng sáng chế trong vòng 3 năm liên tiếp. Đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu, thấp hơn nhiều so với các nước như Ấn Độ (5%), Hàn Quốc (10%). Chỉ có khoảng 10,2% doanh nghiệp đầu tư vào một số hoạt động nghiên cứu triển khai (R&D).
Ngoài ra, trình độ quản trị doanh nghiệp còn thấp, tính liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Khoảng 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài, trong khi số doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam là rất nhiều.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những tồn tại, hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân. Trong đó, có một phần xuất phát từ hạn chế, yếu kém của cơ chế, phương thức quản lý nhà nước về kinh tế, đặc biệt là quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân.
Hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân tuy đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn bộc lộ những bất cập, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tế; môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro.
Để khắc phục các bất cập, nhiều chủ trương chính sách phát triển kinh tế tư nhân đã được ban hành nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành lĩnh vực kinh tế. Các chính sách đã khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu, hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng mọi cơ hội, các nguồn lực về vốn, đất đai, tài nguyên…
Tuy nhiên, để khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, để nền kinh tế tăng trưởng với hiệu quả cao và bền vững, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khuyến nghị: Nhà nước cần tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh. Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển đúng đắn, vai trò tích cực của doanh nghiệp nhà nước, FDI và doanh nghiệp tư nhân lớn; tạo lập sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với nhau và trên thị trường quốc tế.