Nghiệp vụ Tài chính Ngân hàng

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải niêm yết công khai mức phí bảo lãnh

M.Đ 15/01/2025 09:22

Đây là điểm mới trong quy định về bảo lãnh ngân hàng tại Thông tư 61/2024/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/4/2025.

bao-lanh-nh.jpg
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 61/2024/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 1/4/2025. Ảnh minh hoạ

Về phạm vi điều chỉnh, Thông tư quy định về nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Thông tư áp dụng với tổ chức tín dụng (gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã và công ty tài chính tổng hợp); Chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Cá nhân và tổ chức có liên quan đến nghiệp vụ bảo lãnh bao gồm cá nhân và tổ chức là người cư trú và người không cư trú.

Thông tư quy định cụ thể về quản lý ngoại hối trong bảo lãnh. Theo đó, việc phát hành bảo lãnh bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải phù hợp với phạm vi hoạt động ngoại hối trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế được quy định tại giấy phép hoạt động của từng loại hình tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Cùng với đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ thực hiện bảo lãnh bằng ngoại tệ cho khách hàng đối với nghĩa vụ tài chính bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật.

Thông tư cũng quy định cụ thể về phạm vi bảo lãnh, yêu cầu đối với khách hàng, bảo lãnh đối với khách hàng là người không cư trú, bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai, hồ sơ đề nghị bảo lãnh,...

Trong đó, Thông tư 61/2024 quy định TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận mức phí bảo lãnh đối với khách hàng và các bên liên quan (nếu có) và phải niêm yết công khai mức phí bảo lãnh. Trường hợp thực hiện đồng bảo lãnh, các bên tham gia đồng bảo lãnh thỏa thuận mức phí bảo lãnh cho mỗi bên đồng bảo lãnh. Đối với trường hợp TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh cho một nghĩa vụ liên đới thì TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận với từng khách hàng về mức phí phải trả trên cơ sở nghĩa vụ liên đới tương ứng của mỗi khách hàng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trường hợp đồng tiền bảo lãnh là ngoại tệ, các bên thỏa thuận thu phí bảo lãnh bằng ngoại tệ hoặc quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá bán của bên bảo lãnh tại thời điểm thu phí hoặc tại thời điểm thông báo thu phí. Các bên có thể thỏa thuận điều chỉnh mức phí bảo lãnh.

Như vậy so với quy định trước đó, điểm mới tại Thông tư 61/2024/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng vừa được NHNN ban hành TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải niêm yết công khai mức phí bảo lãnh.

Về thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh, Thông tư quy định cam kết bảo lãnh có hiệu lực từ thời điểm phát hành hoặc sau thời điểm phát hành cam kết, tùy theo thỏa thuận của các bên, cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh kết thúc theo quy định tại Điều 23 của Thông tư 61/2024. Thời hạn hiệu lực của thư bảo lãnh trong bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai được quy định tại khoản 5 Điều 13 của Thông tư này. Cụ thể, thư bảo lãnh có hiệu lực từ thời điểm phát hành cho đến ít nhất 30 ngày sau thời hạn chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với bên mua khi không bàn giao nhà theo cam kết hợp đồng, trừ khi nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt theo Điều 23 của Thông tư. Nếu các bên quyết định chấm dứt thỏa thuận cấp bảo lãnh trước thời hạn, các thư bảo lãnh đã phát hành vẫn có hiệu lực cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt.

Thời hạn hiệu lực của thỏa thuận cấp bảo lãnh do các bên thỏa thuận, nhưng tối thiểu phải bằng thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh. Trong bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai, thời hạn này thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Thông tư 61/2024.

Trường hợp ngày hết hiệu lực của cam kết bảo lãnh trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ, Tết, ngày hết hiệu lực sẽ được chuyển sang ngày làm việc tiếp theo. Việc gia hạn thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh hoặc thỏa thuận cấp bảo lãnh sẽ được các bên thỏa thuận phù hợp với quy định pháp luật.

Về chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh, Thông tư nêu rõ, nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt trong các trường hợp gồm: Nghĩa vụ của bên được bảo lãnh chấm dứt; Nghĩa vụ bảo lãnh đã được thực hiện theo đúng cam kết bảo lãnh; Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác theo thỏa thuận của bên nhận bảo lãnh và bên bảo lãnh, các bên liên quan khác (nếu có); Cam kết bảo lãnh đã hết hiệu lực; Bên nhận bảo lãnh miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho bên bảo lãnh; Theo thỏa thuận của các bên; Nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2025, thay thế Thông tư số 11/2022/TT-NHNN ngày 30/9/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về bảo lãnh ngân hàng và Thông tư số 49/2024/TT-NHNN ngày 25/10/2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11/2022/TT-NHNN ngày 30/9/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về bảo lãnh ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải niêm yết công khai mức phí bảo lãnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO