Thành công điều hành tỷ giá và quản lý ngoại hối tác động đa chiều đến nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2018 – Dự báo năm 2019

TS. Trần Thế Sao| 27/03/2019 14:47
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong bối cảnh thị trường ngoại hối toàn cầu diễn biến phức tạp, đồng nhân dân tệ giảm giá ảnh hưởng lớn đến hoạt động các doanh nghiệp trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã chủ động điều hành linh hoạt, hiệu quả tỷ giá, quản lý chặt chẽ ngoại hối.

Ngày nhận bài: 2/1/2019 - Ngày biên tập: 3/1/2019 - Ngày duyệt đăng: 23/2/2019 (Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 5/2019)

Tóm tắt: Có thể khẳng định, kể từ khi chính thức là thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đầu năm 2007 cho đến nay, thì nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với cộng đồng kinh tế khu vực và quốc tế. Việt Nam cũng đã và đang chuẩn bị thế và lực thực hiện CPTPP, ký kết EVFTA, cùng hàng loạt cam kết tự do thương mại tự do thế hệ mới khác. Đi cùng đó, điều hành tỷ giá và quản lý ngoại hối của Việt Nam phải chịu áp lực lớn bởi biến động thị trường tài chính quốc tế. Đơn cử như trong năm 2018 vừa qua, mức độ giảm giá kỷ lục của Nhân dân tệ (NDT) so với USD và nhiều loại ngoại tệ mạnh khác hay việc thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc sụt giảm mức lớn nhất trong 10 năm qua, kể từ sau khi xẩy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu tháng 10/2008 và nhiều TTCK chủ chốt khác cũng biến động mạnh. Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã chủ động điều hành linh hoạt, hiệu quả tỷ giá, quản lý chặt chẽ ngoại hối. Tỷ giá USD/VND biến động phù hợp với mục tiêu đề ra từ đầu năm, vị thế của đồng Việt Nam tiếp tục được củng cố, góp phần đạt các mục tiêu quan trọng khác của nền kinh tế.

Từ khóa: điều hành tỷ giá, quản lý ngoại hối, kinh tế vĩ mô

The successful operation of forex and exchange rate management brings multidimensional effects to many macro-economic criteria of 2018 – Forecasts of 2019

Abstract:  It can be affirmed that, since being an official member of the World Trade Organization (WTO) in 2007, so far, Vietnamese economy has integrated deeply with regional and international economic community. Vietnam has been preparing resources for the implementation of CPTPP, the signing of EVFTA and series of new generation FTAs, Together with this, the forex operation and exchange rate management of Vietnam is also under pressure from volatility in international financial markets. For instance, in 2018, the devaluation of Chinese Yuan in comparison with the US dollar and many other foreign currencies or the sharpest devaluation of Chinese stock market in the past 10 years after the bursting out of global financial crisis in October 2008 led to high volatility in other major stock markets. In that context, the State Bank of Vietnam was active and effective in managing exchange rate, forex. The USD/VND exchange rate fluctuated suitable with targets set from beginning of the year, Vietnam dong position continued to be further strengthened, contributing to the achievement of other important objectives of the economy.

Key words: exchange rate management, foreign exchange management, macro economy

Thực hiện mục tiêu điều hành tỷ giá

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với năm 2017, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. Lạm phát cơ bản tháng 12/2018 tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2018 tăng 1,48% so với bình quân năm 2017. Chỉ số giá đô la Mỹ (USD) tháng 12/2018 tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2017; bình quân năm 2018 tăng 1,29% so với năm 2017.

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), tính đến cuối năm 2018, tỷ giá trung tâm của NHNN tăng khoảng 1,5% so với đầu năm, tỷ giá NHTM tăng khoảng 2,3% và tỷ giá thị trường tự do tăng khoảng 3,5% so với đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ giá trong nước tăng là: (i) xét yếu tố quốc tế, chỉ số USD index tăng khoảng 5% so với đầu năm, tăng 9% so với mức đáy hồi tháng 2/2018; (ii) xét yếu tố cơ bản trong nước, tỷ giá vẫn chịu áp lực từ phía lạm phát song lại được hỗ trợ tích cực từ phía cân đối cung cầu ngoại tệ.

Chủ động điều hành linh hoạt tỷ giá và quản lý ngoại hối

Tại một số thời điểm trong năm 2018 tỷ giá có biến động khá. Tính từ đầu tháng 6/2018 đến đầu tháng 8/2018, tỷ giá trên các thị trường có xu hướng tăng, trong đó có động thái của NHNN chủ động điều chỉnh linh hoạt tỷ giá trung tâm trước diễn biến của việc đồng nhân dân tệ (NDT) được điều chỉnh giảm tới trên 5% trong 7 tháng đầu năm 2018. Đến ngày 7/8/2018, USD trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục tăng giá. Tỷ giá đóng cửa tại 23.305 đồng, tăng 82 đồng (0,35%) so với tuần trước đó và tăng 570 đồng (2,51%) so với đầu năm. Theo Công ty CP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), trong thời điểm này, ước tính NHNN đã bán ra 0,5 tỷ USD. Trước đó NHNN cũng đã có động thái can thiệp kéo dài từ ngày 13-20/7/2018 với khối lượng bán ra khoảng 1,97 tỷ USD. Tổng hai lần can thiệp, khoảng 2,5 tỷ USD đã được NHNN bán ra thị trường. Tỷ giá tăng trong thời điểm cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2018 do hai yếu tố là NDT giảm giá mạnh so với USD (giảm 0,73% so với tuần trước và mất 5,68% so với đầu năm), và chỉ số đồng USD tính theo tỷ trọng thương mại ICE (chỉ số DXY) một lần nữa phá vỡ mốc 95. VND chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến động của chỉ số DXY và rủi ro lớn nhất đối với tiền đồng là khi DXY tiếp tục tăng và vượt mốc 97. Trước đó, khi chỉ số DXY phá vỡ ngưỡng này trong năm 2015 và lập lại trong năm 2016, VND đã lần lượt mất giá 5% và 2% trong hai năm này. Các động thái can thiệp này cho thấy sự điều hành chủ động, linh hoạt và NHNN cũng kiên trì mục tiêu ổn định tỷ giá ở phạm vi phù hợp với diễn biến của thị trường tài chính quốc tế. Đến cuối năm 2018, tỷ giá trung tâm tương đối ổn định, duy trì ở ngưỡng 22.800 - 22.900 VND.

Những biến động về tỷ giá, ngoại hối trên thế giới tác động khá mạnh đến xuất nhập khẩu, cán cân thương mại, tỷ giá, quản lý ngoại hối, các dòng vốn đầu tư gián tiếp vào doanh nghiệp và TTCK, nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp, sự phát triển bền vững của các tổ chức tín dụng (TCTD)... Trong bối cảnh đó, NHNN Việt Nam đã chủ động, linh hoạt điều hành tỷ giá, thích ứng với tình hình thực tế, đồng thời kết hợp với quản lý chặt chẽ ngoại tệ, quản lý vàng, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến TTCK, góp phần khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, kiên trì thực hiện mục tiêu chống đô la hóa và vàng hóa nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, khuyến khích FDI và các dòng vốn đầu tư gián tiếp vào doanh nghiệp, vào TTCK Việt Nam, thúc đẩy IPO và cổ phần hóa DNNN, cũng như thoái vốn của Nhà nước tại các DN cổ phần hóa, thu hút cổ đông chiến lược nước ngoài đầu tư vốn vào các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam.

Năm 2018, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm trong điều kiện nguồn cung ngoại tệ dồi dào, điều chỉnh linh hoạt tỷ giá mua ngoại tệ phù hợp với diễn biến thị trường để mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước, chủ động công bố định hướng điều hành tỷ giá ngay từ đầu mỗi năm. Đồng thời thực hiện linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT), đặc biệt là thị trường mở, mua bán ngoại tệ của NHNN, duy trì chênh lệch lãi suất VND và USD ở mức hợp lý, điều hành thanh khoản tiền đồng để vừa hỗ trợ ổn định tỷ giá khi cần thiết, vừa hỗ trợ thực hiện mục tiêu ổn định lãi suất trên thị trường 1. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Hệ thống các TCTD mua ròng ngoại tệ từ tổ chức, cá nhân với khối lượng lớn, từ đó có điều kiện bán lại cho NHNN để bổ sung quỹ dự trữ ngoại tệ. Theo số liệu của NFSC, đến hết năm 2018, quỹ dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tiếp tục được củng cố, tương ứng với 12 tuần nhập khẩu. Nguồn quỹ dự trữ ngoại tệ do NHNN quản lý dồi dào cũng là cơ sở quan trọng cho bình ổn tỷ giá, sẵn sàng can thiệp, đóng vai trò người mua bán cuối cùng trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, chủ động đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu các mặt hàng chiến lược khi cần thiết và nếu có nhu cầu. Lượng tiền đưa ra để mua ngoại tệ đã được NHNN mua vào và trung hòa thông qua các công cụ của chính sách tiền tệ, như: thị trường mở,... nên vừa đảm bảo thanh khoản cho các NHTM, vừa ổn định tiền tệ, kiềm chế lạm phát, đảm bảo thanh khoản cho các quỹ đầu tư và các nhà đầu tư giao dịch mua bán thỏa thuận và mua bán khớp lệnh bằng VND trên TTCK Việt Nam cũng như rút vốn chuyển ra nước ngoài. Mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế tiếp tục được duy trì sự thành công.

Về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, NHNN đã tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Thị trường vàng trong các năm 2012- đến tháng 5/2018 về cơ bản ổn định và tự điều tiết tốt. Có những thời điểm thị trường vàng thế giới biến động mạnh nhưng thị trường vàng trong nước tương đối ổn định. Sức hấp dẫn của vàng miếng suy giảm, doanh số mua, bán vàng đã giảm nhiều so với những năm trước. Việc quản lý có hiệu quả thị trường vàng tác động tích cực đến thị trường tiền tệ, đến thị trường ngoại tệ và điều hành tỷ giá của NHNN.

Hỗ trợ cho điều hành tỷ giá là một số biện pháp hành chính được triển khai nhằm thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh quản lý Ngoại hối. Theo đó, NHNN phối hợp cùng các ngành chức năng, như: quản lý thị trường, công an, tiến hành kiểm tra, xử phạt và xử lý các trường hợp niêm yết, bán hàng hóa và dịch vụ thu bằng ngoại tệ trái phép, thu đổi ngoại tệ trái phép của các cửa hàng vàng bạc tư nhân, tập trung là ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Các quy định quản lý ngoại hối, quản lý vay nợ nước ngoài, kiểm soát các luồng ngoại tệ chuyển ra và vào được thực hiện chặt chẽ, theo hướng hạn chế tình trạng đô la hóa và thực hiện mục tiêu điều hành tỷ giá đã đề ra, phù hợp dần với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam, tạo điều kiện cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chuyển lợi nhuận về nước, rút vốn, đầu tư trên TTCK…

Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi ngoại tệ của khách hàng tại các TCTD cũng được NHNN linh hoạt điều hành theo hướng nâng cao giá trị, nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, không khuyến khích việc huy động vốn bằng ngoại tệ, thực hiện mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế.      

Việc giảm lãi suất tiền gửi USD về 0%, chủ động điều hành linh hoạt và ổn định tỷ giá, tạo môi trường đầu tư ổn định cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhưng vẫn khuyến khích người gửi tiền vào các TCTD, hạn chế tình trạng đô la hóa.

Hỗ trợ thúc đẩy xuất nhập khẩu và thặng dư cán cân thương mại

Với việc điều hành hiệu quả của NHNN, các nhu cầu ngoại tệ trên thị trường được đáp ứng kịp thời, tỷ giá về cơ bản ổn định, hỗ trợ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu và thặng dư cán cân thương mại. Ngược lại, cán cân thương mại thặng dư tác động tích cực đến nguồn cung ngoại tệ, tác động tới ổn định tỷ giá.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 244,72 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017. Loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2018 tăng 12,7% so với năm 2017.

Trong năm 2018 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó 9 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD (điện thoại và linh kiện đạt 50 tỷ USD, tăng 10,5%; hàng dệt may đạt 30,4 tỷ USD, tăng 16,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 29,4 tỷ USD, tăng 13,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,5 tỷ USD, tăng 28%; giày dép đạt 16,3 tỷ USD, tăng 11%).

Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu cả năm 2018 ước tính đạt 237,51 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước (quý IV đạt 64,37 tỷ USD, tăng 11,2%). Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu cả năm tăng 9,5% so với năm 2017.

Năm 2018 có 36 mặt hàng ước tính kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 90,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 4 mặt hàng trên 10 tỷ USD. Nhiều mặt hàng phục vụ sản xuất, gia công, lắp ráp trong nước có kim ngạch tăng so với năm trước.

Cán cân thương mại cả năm 2018 xuất siêu 7,2 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,6 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 32,8 tỷ USD. Năm 2018, khu vực kinh tế trong nước chuyển biến tích cực khi đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng lên so với năm 2017. Cán cân thanh toán tổng thể thặng dư ở mức cao nhờ: (i) Cán cân thương mại xuất siêu ở mức cao kỷ lục; (ii) Cán cân tài chính tiếp tục thặng dư nhờ giải ngân FDI tiếp tục đạt khá, dòng vốn đầu tư gián tiếp đạt xấp xỉ 2 tỷ USD, kiều hối tăng trưởng trên 10%. (iii) Khoản mục lỗi và sai sót giảm mạnh so với năm 2017. Nhờ đó, NHNN đã bổ sung được dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục.

Điều hành CSTT có tác động lớn đến thúc đẩy phát triển hoạt động xuất khẩu trong năm 2018 ở các kênh truyền dẫn sau đây: i) Tỷ giá ổn định thúc đẩy xuất khẩu và hạn chế nhập siêu, thậm chí là xuất siêu đạt mức kỷ lục tới hơn 7 tỷ USD, tạo sự tin tưởng của các nhà đầu tư, của người dân vào thị trường ngoại tệ và tin tưởng vào sự ổn định tỷ giá trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, trong chính sách chống đô la hóa nền kinh tế. ii) Ngân hàng đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu sản xuất hàng xuất khẩu, mua ngoại tệ kịp thời của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhu cầu chuyển vốn đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. iii) Giảm thâm hụt cán cân vãng lai, thậm chí là thặng dự cán cân vãng lai lên mức kỷ lục, tăng quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, đây là hai chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng tạo niềm tin và niềm lạc quan cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước trên  thị trường tài chính Việt Nam và điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam.

Góp phần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cũng như vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài

Việc ổn định tỷ giá và quản lý ngoại hối phù hợp, tạo lòng tin thu hút các nhà đầu tư nước ngoài an tâm bỏ vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/12/2018 thu hút 3.046 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 17.976,2 triệu USD, tăng 17,6% về số dự án và giảm 15,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, có 1.169 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 7.596,7 triệu USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong năm 2018 đạt 25.572,9 triệu USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2018 ước tính đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017. Trong năm 2018 còn có 6.496 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2018 có 149 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 376,2 triệu USD; 35 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 56 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) năm 2018 đạt 432,2 triệu USD, trong đó lĩnh vực tài chính, ngân hàng đạt 105,8 triệu USD, chiếm 24,5% tổng vốn đầu tư. Trong năm có 38 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào 81,5 triệu USD, chiếm 18,9% tổng vốn đầu tư; Úc 55,5 triệu USD, chiếm 12,8%; Hoa Kỳ 53 triệu USD, chiếm 12,3%.

Năm 2018, TTCK thế giới và TTCK Việt Nam biến động mạnh, nên các dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài bị rút ra và đưa vào nền kinh tế Việt Nam cũng diễn biến bất thường trong các thời điểm khác nhau. Theo số liệu của NFSC, dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam năm 2018 diễn biến tích cực. Khối các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khoảng 1,9 tỷ USD cổ phiếu trên sàn, tập trung vào các giao dịch thỏa thuận lớn... Tổng giá trị danh mục đầu tư của khối ngoại đạt khoảng 35,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cuối năm 2017. Tính chung, trong năm 2018, tổng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn ở mức dương trên 2 tỷ USD.

Góp phần thu hút khách du lịch quốc tế, tăng nguồn thu ngoại tệ, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam

Tỷ giá ổn định, các quy định về sử dụng ngoại tệ trên thị trường Việt Nam về cơ bản được thực hiện nghiêm túc, hoạt động thu đổi ngoại tệ cho du khách được đáp ứng kịp thời và về cơ bản là thuận tiện, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch trong năm 2018 đạt được kết quả ấn tượng, với số khách quốc tế đến nước ta đạt mức kỷ lục 15,5 triệu lượt người, tăng 19,9% so với năm 2017 (tăng hơn 2,6 triệu lượt khách). Số lượng khách đó đem lại nguồn thu ngoại tệ khá lớn cho nền kinh tế, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và cán cân vãng lai của Việt Nam, tất nhiên với mỗi thị trường, khách có mức chi tiêu khác nhau. Trong đó, khách từ châu Á đạt 12.075,5 nghìn lượt người, tăng 23,7% so với năm trước; khách đến từ châu Âu đạt 2.037,9 nghìn lượt người, tăng 8,1%; khách đến từ châu Mỹ đạt 903,8 nghìn lượt người, tăng 10,6% so với năm 2017; khách đến từ châu Úc đạt 437,8 nghìn lượt người, tăng 4%; khách đến từ châu Phi đạt 42,8 nghìn lượt người, tăng 19,2%.

Thu hút kiều hối tăng nguồn cung ngoại tệ cho thị trường trong nước

Đến nay chưa công bố chính thức về kiều hối, bởi nguồn thu bằng ngoại tệ của người Việt Nam chuyển về nước qua nhiều con đường khác nhau, trong đó, kênh chuyển tiền cá nhân một chiều qua các NHTM và công ty kiều hối chiếm tỷ trọng lớn nhất, bên cạnh đó, còn các kênh: không chính thức qua tư nhân, gửi người thân mang về hay khi về nước mang ngoại tệ đi cùng, thanh toán bù trừ không chính thức cho người Việt Nam đi du học và chữa bệnh ở nước ngoài. Tuy nhiên đây là nguồn thu ngoại tệ rất lớn của nền kinh tế, bổ sung cho cán cân thanh toán quốc tế, cán cân vãng lai, tăng cung ngoại tệ, ổn định tỷ giá.

Thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 ước đạt 13,81 tỷ USD, cao nhất từ trước đến thời điểm đó và tăng 1,9 tỷ USD, tương ứng 16% so năm 2016. Trong các tháng của năm 2018, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam vẫn tăng bất chấp tác động từ nhiều yếu tố bên ngoài, số lượng người Việt Nam đi xuất khẩu lao động, đi làm việc ở nước ngoài tăng cao và thu nhập bình quân cũng tăng cao hơn, nhờ đó lượng kiều hối của cả năm ước đạt gần 16 tỷ USD, tăng hơn 100 lần so với năm 1993. Đáng chú ý, kiều hối trong những năm gần đây đã đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh, làm nâng cao đời sống nhân dân và góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Định hướng của NHNN và dự báo về tỷ giá năm 2019

Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Mục tiêu tổng quát kế hoạch năm 2019 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý. Giữ ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng.

Dự báo trong năm 2019, tỷ giá vẫn chịu sức ép lớn bởi những tác động và diễn biến bất thường của thị trường tài chính quốc tế. Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, NHNN  tiếp tục điều hành tỷ giá trong sự phối hợp chặt chẽ, nhưng chủ động và linh hoạt với các công cụ khác trong điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là lãi suất, dự trữ bắt buộc và nghiệp vụ thị trường mở; cùng các biện pháp khác về quản lý tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đặc biệt là tình trạng niêm yết và bán hàng trong nước thu bằng ngoại tệ, tình trạng chuyển ngoại tệ lậu,….

NHNN tiếp tục kiên trì điều hành ổn định tỷ giá và quản lý thị trường vàng theo mục tiêu đã đề ra với sự phối hợp đồng bộ các công cụ điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, trực tiếp là chính sách thương mại, chính sách tài khóa (phát hành trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ, vay và trả nợ nước ngoài, nhu cầu ngoại tệ cho các mục tiêu chiến lược,…) trong thực hiện mục tiêu ổn định tỷ giá, hạn chế nhập siêu.

NHNN tiếp tục có sự phối hợp đồng bộ hơn, chủ động và chặt chẽ hơn với Bộ Tài chính trong điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài chính, trong liên quan đến xử lý các vấn đề ngoại tệ của ngân sách nhà nước cũng như vấn đề khác có liên quan. Tiếp tục có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ hơn giữa NHNN và Bộ Tài chính liên quan đến xử lý các khoản thoái vốn của SCIC, IPO và các khoản thu khác của NSNN thông qua hoạt động bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài thu bằng ngoại tệu

Tài liệu tham khảo:

- Tổng cục Thống kê (2018). Báo cáo: “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018”. truy cập tại: www.gso.gov.vn: các thông tin có liên quan

- Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) (2018). Báo cáo tóm tắt tổng quan thị trường tài chính năm 2018 và triển vọng năm 2019. truy cập tại: www.nfsc.gov.vn: các thông tin có liên quan

- SBV (2018), truy cập tại: www.sbv.gov.vn: các thông tin có liên quan

- Bloomberg (2018), truy cập tại: https://www. bloomberg.com/

- HOSE (2018), truy cập tại: https://www.hsx.vn/: các thông tin có liên quan

- HSC(2017-2018), truy cập tại: https://www.hsc.com.vn/: các thông tin có liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành công điều hành tỷ giá và quản lý ngoại hối tác động đa chiều đến nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2018 – Dự báo năm 2019
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO