Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa ra quyết định tạm đình chỉ công tác với ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia để phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành.
Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân vừa ký quyết định tạm đình chỉ công tác với ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia để phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành. Quyết định có hiệu lực từ ngày 14/6.
Ông Nguyễn Đức Ninh được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia vào tháng 2/2020. Trước khi được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, ông Ninh đã có hơn 20 năm công tác tại đơn vị này với các vị trí kỹ sư, phó trưởng phòng, trưởng phòng phương thức và Phó Giám đốc EVNNLDC.
Ngày 8/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký ban hành quyết định thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của EVN cũng như các đơn vị liên quan. Đoàn thanh tra sẽ làm việc liên tục trong 30 ngày, bắt đầu từ ngày 10/6.
Hội đồng thành viên EVN giao Tổng Giám đốc Trần Đình Nhân quyết định và chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo phục vụ làm việc với đoàn thanh tra của Bộ Công Thương về quản lý và cung ứng điện của tập đoàn.
Liên quan đến tình hình cung ứng điện, Bộ Công Thương cho biết, tại các hồ thủy điện, lưu lượng nước về đã tiếp tục được cải thiện nhưng chưa nhiều. Cụ thể, lưu lượng nước về hồ Lai Châu là 359 m3/s, hồ Sơn La là 335 m3/s, hồ Hòa Bình là 162 m3/s, hồ Bản Chát là 163,6 m3/s, hồ Tuyên Quang là 577 m3/s.
Hiện đa số thủy điện miền Bắc tiếp tục tích thêm nước (tổng công suất các hồ Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng, Tuyên Quang, Thác Bà, Hủa Na, Bản Vẽ... khoảng 5.000MW). Riêng thủy điện Hòa Bình vẫn vận hành ở chế độ linh hoạt theo lệnh của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia.
Về nhiệt điện, nguồn nhiên liệu than đủ để đáp ứng cho sản xuất điện. Tuy nhiên, do phải huy động công suất lớn, liên tục nên một số tổ máy vẫn gặp sự cố; trong đó, tổng sự cố dài ngày 2.100MW; tổng sự cố ngắn ngày 910MW. Các nhà máy sẽ khắc phục xong sự cố và đưa vào dự phòng, phát điện gồm: Tổ máy S1 của Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long 1 (ngày 14/6); Tổ máy S2 của Nhiệt điện Thái Bình 1 (ngày 15/6)…
Trong ngày 13/6, nguồn thủy điện huy động tổng sản lượng khoảng 159,5 triệu kWh, (miền Bắc là 61,3 triệu kWh); nhiệt điện than huy động 447,9 triệu kWh (miền Bắc 271 triệu kWh); tuabin khí huy động 87 triệu kWh; năng lượng tái tạo trên 119,7 triệu kWh. Nguồn điện dầu không phải huy động.
Về các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp (NLTT) tính đến hết ngày 13/6, đã có 51 dự án với tổng công suất 2.852MW đã trình Bộ Công Thương phê duyệt giá điện tạm; 43 dự án đã ký PPA bổ sung; có 10 nhà máy/phần nhà máy, với tổng công suất 536,52MW đã phát điện thương mại.