Bộ Tài chính vừa phát thông báo về các doanh nghiệp đã được Bộ này cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam.
Theo đó, căn cứ Nghị định số 88/2014/NĐ-CP, tính đến tháng 12/2024, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đối với 5 doanh nghiệp là: CTCP Sài Gòn Phát Thịnh Ratings; CTCP FiinRatings (trước đây là CTCP FiinGroup); CTCP Xếp hạng tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating); CTCP Xếp hạng tín nhiệm S&I (S&I Ratings); CTCP Xếp hạng tín nhiệm Thiên Minh (Thien Minh Rating).
Theo quy định của Nghị định số 88/2014/NĐ-CP: (i) doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm phải được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm; (ii) Các doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm thì không được phép sử dụng cụm từ “xếp hạng tín nhiệm” hoặc các cụm từ khác có nội hàm như “xếp hạng tín nhiệm” trong tên gọi.
Về vai trò của xếp hạng tín nhiệm, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, xếp hạng tín nhiệm là công cụ hữu hiệu giúp các hoạt động trên thị trường tài chính diễn ra minh bạch, công khai, qua đó thúc đẩy các thị trường tài chính tiền tệ, thị trường vốn phát triển an toàn và bền vững hơn.
Nếu các ngân hàng được tổ chức uy tín xếp hạng tín nhiệm cao sẽ giúp ngân hàng có nhiều lợi thế như: Huy động vốn, hoạt động nghiệp vụ, cho vay, hay vay vốn với lãi suất thấp từ các tổ chức trong nước và quốc tế.
Còn đối với các doanh nghiệp, nếu xếp hạng tín nhiệm tốt sẽ giúp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng nhanh chóng với ưu đãi, cũng như giao dịch với đối tác trong và ngoài nước được ưu đãi về giá cả, dịch vụ.