(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 19/6/2019 tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH) phối hợp với Hiệp hội Cho vay Thái Bình Dương (APLMA) tổ chức hội thảo về thị trường cho vay Việt Nam. Đây là năm thứ 3 HHNH cùng APLMA tổ chức hội thảo về chủ đề này.
Trao đổi của các khách mời tại hội thảo |
Kinh tế tăng trưởng mạnh, bền vững - yếu tố quan trọng giúp thị trường cho vay duy trì đà phát triển
Ví von về nền kinh tế Việt Nam hiện tại và tương lai sau 10 năm tới, ông Nirukt Sapru - Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và khu vực ASEAN - đưa ra hình ảnh một ngôi sao đang lên của châu Á và một ngôi sao tỏa sáng trong 10 năm tới. Ông thậm chí còn cho rằng nếu tốc độ tăng trưởng vẫn được duy trì như hiện tại thì vào năm 2029, GDP của 2 nền kinh tế Singapore và Việt Nam sẽ có thể tương đương.
Phân tích sâu hơn, ông Michael Kokalari - Kinh tế trưởng Vina Capital - cho rằng kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh, bền vững với tỷ lệ tiêu dùng hộ gia đình chiếm khoảng 65% GDP, khu vực sản xuất chiếm khoảng 20% GDP, xuất khẩu tăng 16%/năm trong giai đoạn 2012-2018 với xuất khẩu công nghệ cao chiếm 1/3 tổng xuất khẩu, tốc độ đô thị hóa 3%/năm, chỉ 1/3 dân số Việt Nam sống tại các đô thị (so với con số ½ của Trung Quốc), thu nhập đô thị chiếm khoảng 40% thu nhập nông thôn, do vậy quá trình đô thị hóa dẫn dắt tăng trưởng tiêu dùng. Mặt khác, ảnh hưởng bởi sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc cũng không quá lớn so với các nước khác khi tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt 7% (cùng kỳ năm ngoái đạt 17%), tăng trưởng lượng khách du lịch đạt 9% (cùng kỳ năm ngoái đạt 28%). Một điểm mạnh của kinh tế Việt Nam là lạm phát ở mức thấp, ổn định về tiền tệ.
Sự phát triển của thị trường cho vay Việt Nam
Tiềm năng tăng trưởng lớn, dân số lớn với độ tuổi dưới 35 chiếm phần lớn, nhu cầu tiêu dùng cũng như đầu tư phát triển hạ tầng lớn... là những điều kiện quan trọng cho sự phát triển của thị trường cho vay tại Việt Nam.
Theo ông Aditya Agarwal, Giám đốc điều hành, phụ trách toàn cầu về cho vay hợp vốn và các thị trường vốn Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, giá trị cũng như số lượng các khoản vay đã được dàn xếp trong năm 2018 rất lớn (18 thương vụ với giá trị giao dịch đạt 7,6 tỷ USD) và rất có thể đạt đỉnh mới trong năm 2019. Theo ước tính của nhiều chuyên gia tham dự hội thảo, với giá trị giao dịch đạt được trong 5 tháng đầu năm 2019 là 9,4 tỷ USD và nếu không gặp trở ngại trong quá trình phê duyệt từ các cơ quan quản lý nhà nước thì rất có thể giá trị giao dịch trong năm 2019 có thể đạt từ 11-12 tỷ USD và lên tới 15 tỷ USD vào năm 2020.
Bà Nguyễn Thị Mai Sương - Trưởng ban Pháp luật và Nghiệp vụ HHNH - phát biểu tại hội thảo |
Bà Nguyễn Thị Mai Sương - Trưởng ban Pháp luật và Nghiệp vụ HHNH cho biết: trong bối cảnh hệ thống ngân hàng Việt Nam đang tiếp tục quá trình tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, để đáp ứng nhu cầu vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, thị trường vốn nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là thị trường cho vay hợp vốn được nhiều tổ chức tài chính và các ngân hàng thương mại (NHTM) quan tâm phát triển. Chẳng hạn, từ đầu năm 2018 đến nay các ngân hàng như LienVietPostBank, SHB, OCB, VPBank, TPBank, Techcombank... đã lần lượt trở thành đầu mối giải ngân cho các khoản vay chung trị giá vài trăm triệu USD do các tổ chức như ngân hàng JPMorgan Chase, IIB, IBEC, IFC, Deutsche Bank... cùng bắt tay rót vốn.
Về cơ cấu cho vay hợp vốn, mặc dù nhu cầu vay bằng VND lớn, (như PVN, EVN) song số liệu cho thấy không nhiều khoản vay hợp vốn được thực hiện bằng VND mà chủ yếu vẫn là ngoại tệ. Các lĩnh vực vay hợp vốn ở Việt Nam tập trung vào các mảng năng lượng tái tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng, tiêu dùng...
Về cấu trúc thị trường, đã có sự thay đổi về loại hình bên vay. Nếu như trước đây chỉ có các NHTM Nhà nước, công ty nhà nước là những người vay chính và được ưu tiên thì nay loại hình bên vay đã mở rộng ra đối với các NHTM cổ phần và công ty tư nhân như Vinfast, Vinmec, Bitexco, Novaland... Đối với bên cho vay cũng có sự thay đổi khi số lượng các ngân hàng cho vay là ngân hàng châu Á đang tăng lên, đặc biệt là các ngân hàng Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) với số lượng hiện tại vào khoảng 15-16 ngân hàng tham gia.
Tiềm năng song hành với thách thức
Nhận định về tiềm năng, các đại biểu tham dự hội thảo đều tin vào sự phát triển vững mạnh của thị trường cho vay tại Việt Nam xuất phát từ các yếu tố như nhu cầu tiêu dùng và dân số trẻ, tiềm năng phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam...
Về thách thức và trở ngại, đầu tiên là việc xếp hạng năng lực tín dụng của người đi vay cũng như xếp hạng của thị trường (Việt Nam) chưa cao. Kế đến là những biến động/thay đổi về luật pháp như những quy định về luật Đất đai chưa chính thức cho phép các ngân hàng nước ngoài được nhận tài sản bảo đảm là đất hay Luật đặc khu kinh tế dự kiến thông qua năm 2018 nhưng đã bị lùi lại về thời gian xem xét, thông qua. Tiếp theo là thời gian phê duyệt của các cơ quan nhà nước có thể bị kéo dài (trước đây các dự án vay vốn của các công ty/tổng công ty nhà nước do Bộ Tài chính phê duyệt, nay do SCIC thực hiện nên thời gian có thể bị kéo dài ra). Một thách thức khác được nhắc đến, đó là về dài hạn có thể xảy ra một số tiêu cực cho thị trường từ những ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.