Chứng khoán

Thị trường chưa hết rung lắc nhưng vẫn có sóng "ngầm"

Mai Hương 04/04/2024 - 16:58

Nhà đầu tư nước ngoài đã cắt đứt chuỗi 17 phiên bán ròng liên tiếp và phần nào đó hỗ trợ cho chỉ số VN-Index trong phiên ngày 4/4. Dòng tiền trong nước cũng có sự tranh thủ cơ hội ở một số các cổ phiếu Midcap và Penny.

screenshot-2024-04-04-155236.png

Định vị thị trường

Các chỉ số chịu rung lắc mạnh tại khu vực châu Á đã có những nỗ lực hồi phục nhanh như NIKKEI 225 (+0,81%), KOSPI (+1,29%) thay vì chịu khuất phục trước áp lực bán. Điều này cho thấy những dao động ở vùng cao chưa hề chuyển hóa thành những tín hiệu xấu về xu hướng.

VN-Index trong khi đó vẫn cần thêm sự quyết tâm khi rung lắc tiếp tục xuất hiện. Chỉ số đã nỗ lực đảo chiều tăng điểm nhưng chưa thành công khi các mã ngân hàng và một số Bluechips chưa tìm được sự đồng thuận.

Chất xúc tác

Trong bối cảnh tỷ giá vẫn đang khá căng thẳng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn có được sự linh hoạt trong những hành động điều hành. Phiên hôm qua, NHNN đã bơm ròng 2.213,26 tỷ đồng ra thị trường, giữ khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 171.998,8 tỷ đồng trong khi khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên mức 8.465,53 tỷ đồng.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cũng cho biết, sẽ can thiệp tỷ giá khi cần thiết.

Mức lãi suất liên ngân hàng sau đợt tăng nóng trong chưa tới 2 tuần vừa qua đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhanh. Ở kỳ hạn qua đêm, theo thống kê của Refinitiv Eikon, lãi suất đã giảm xuống 3,58%.

Còn với dòng vốn ngoại, sau chuỗi 17 phiên liên tiếp bán ròng, đà bán ra đã tạm thời được chặn lại với phiên giải ngân hơn 480 tỷ đồng trên HOSE và 18,5 tỷ đồng trên HNX. Chỉ UPCoM là sàn bị rút 18,5 tỷ đồng.

3ex-2024-04-04.png

Các mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất là VNM (+135 tỷ đồng), MWG (+110 tỷ đồng), VCB (+84 tỷ đồng), TCH (+78,24 tỷ đồng), PDR (+72,6 tỷ đồng), DBC (+66,52 tỷ đồng).

Đóng góp của khối ngoại vào giao dịch 2 chiều chỉ chiếm 8,2% dù thanh khoản chung của HOSE có sự sụt giảm nhẹ. Mức khớp lệnh đã tạm hụt xuống dưới mức bình quân 20 phiên, đạt 921 triệu đơn vị.

Vận động thị trường

Sự tham gia của khối ngoại vào các mã lớn như VCB, VNM, MWG đều đem lại hiệu ứng tích cực về giá. Cả 3 đã tăng 2,3% và 2,2%, 1% khi đóng cửa, đồng thời trở thành 3 cổ phiếu tăng tốt nhất trong rổ VN30. Thực tế, có tới 21/30 mã trong VN30 vẫn đóng cửa trong sắc đỏ. Cá biệt, GVR (-3,4%) có diễn biến giảm giá khá sâu trong khi nhiều mã như VIB, ACB, STB, PLX, HPG, SSI, MBB, TCB giảm trên 1%.

Trong số các mã giảm kể trên, STB cũng thu hút sự chú ý khá lớn của nhà đầu tư, bởi phiên chiều nay lượng cổ phiếu bắt đáy trong phiên giảm sâu do tin đồn tiêu cực đã về tài khoản nhà đầu tư. Việc chỉ giảm hơn 1% cũng có thể xem như dấu hiệu đã lấy lại sự cân bằng về giá với STB.

Nếu như các mã ngân hàng khác hoặc một số Bluechips cũng tham gia vào nỗ lực của VCB, VNM, MWG, kết quả giao dịch của chỉ số VN-Index đã có sự tích cực hơn.

VN-Index đã đón nhận nhịp giật xuống cuối phiên sáng và đảo chiều trong giai đoạn 14h. Tuy nhiên, do thiếu đi sự đồng thuận, chỉ số vẫn còn ghi nhận sắc đỏ với mức giảm nhẹ 3,22 điểm (-0,25%) xuống 1.268,25 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt 23.862 tỷ đồng.

Sóng ngành vẫn chưa thể quay trở lại khi số lượng các cổ phiếu giảm chiếm 69% số mã trên HOSE. Tuy nhiên, sóng "ngầm" lại xuất hiện ở một số bất động sản, hóa chất, công nghệ, du lịch và hàng không như TCH (+4,8%), DPG (+6,5%), NTL (+4%), HHS (+2,1%), HAR (+4,9%), CSV (+3,5%), CMG (+7%), CSC (+6,8%), HVN (+5,6%), SKG (+2,2%).

Qua đó, cho thấy bức tranh thị trường vẫn "lóe" lên những điểm sáng tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư. Điều này, cũng phản ánh tâm lý có thể chưa có sự tiêu cực và có những dấu hiệu cho thấy dòng tiền có nỗ lực tháo gỡ các nút thắt tâm lý.

Trên HNX và UPCoM, các cơ hội như VC7 (+9,4%), BVS (+3,3%), PXL (+7,8%), VGI (+2,8%) cũng tạo ra điểm nhấn giao dịch. Hai chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index lần lượt giảm 0,62% và 0,15%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt gần 3.000 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường chưa hết rung lắc nhưng vẫn có sóng "ngầm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO