Thị trường

Thị trường chưa lấy lại được cân bằng, VN-Index khởi đầu tuần mới giảm 5 điểm

Q.L 17/06/2024 16:10

VN-Index khởi đầu tuần mới với một phiên giao dịch rung lắc, áp lực điều chỉnh từ nhóm bluechip. Tuy thị trường chưa cân bằng lại sau phiên rung lắc mạnh cuối tuần trước nhưng điểm tích cực là dòng tiền vẫn tìm đến những nhóm ngành duy trì được động lực tăng như thép hay vận tải biển.

1706vni.png
Diễn biến VN-Index

Sau phiên bán tháo cuối tuần trước, thị trường có tín hiệu hồi phục khi mở cửa trong sắc xanh vào đầu phiên nhưng áp lực bán gia tăng ngay sau đó đã xóa tan mọi nỗ lực ngắn ngủi. Cổ phiếu bluechip nhìn chung ghi nhận điều chỉnh, ngoại trừ VIC và HPG tăng điểm nhưng không đủ sức để nâng đỡ chỉ số chung. Trong phiên, VN-Index cũng cố gắng giành lại sắc xanh nhưng không trụ được lâu.

Trong bối cảnh động lực chung tương đối yếu, nhóm thép và vận tải cảng biển là hai nhóm hiếm hoi duy trì được dòng tiền ổn định với HAH, HSG, HPG, VSC là những cái tên sáng giá.

Diễn biến của thị trường phiên chiều không ghi nhận thay đổi so với phiên sáng, VN-Index vẫn có sự giằng co dưới tham chiếu khi áp lực bán chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đến giữa phiên chiều, chỉ số chung mất đà và có nhịp trượt gần 7 điểm so với mốc tham chiếu, sau đó hồi phục lại trước khi trượt điểm tiếp vào cuối phiên.

Cổ phiếu thép và vận tải biển tiếp tục duy trì sức hút đến hết phiên với HSG tăng kịch trần, HAH tăng 4,58%.

Thanh khoản phiên hôm nay cũng sụt giảm so với phiên cuối tuần trước, với giá trị giao dịch cả 3 sàn đạt hơn 25.522 tỷ đồng.

Khối ngoại chưa dứt chuỗi bán ròng với tổng giá trị bán ròng phiên hôm nay đạt 859,49 tỷ đồng, tập trung bán VHM, HPG, HDB

image_2024-06-17_150738921.png
Bản đồ thị trường

Chốt phiên hôm nay, sàn HOSE có 169 mã tăng và 275 mã giảm, VN-Index giảm 5,14 điểm (-0,40%), xuống 1.274,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 900,5 triệu đơn vị, giá trị đạt 22.990,1 tỷ đồng, giảm gần 19% về khối lượng và 22% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 211 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.797,6 tỷ đồng.

Sàn HNX có 91 mã tăng và 96 mã giảm, HNX-Index giảm 0,81 điểm (0,33%), xuống 243,16 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 73,06 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.557 tỷ đồng, giảm gần 31% về khối lượng và 26% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,4 triệu đơn vị, giá trị đạt 483 tỷ đồng.

Sàn UPCoM có 118 mã tăng và 161 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,04 điểm (+0,04%), lên 98,09 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 52 triệu đơn vị, giá trị đạt, 975 tỷ đồng, giảm 50% về khối lượng và 37,5% về giá trị. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,9 triệu đơn vị, giá trị đạt gần 58,7 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều mất điểm, với VN30F2406 giảm 9 điểm, tương đương -0,68% xuống 1.308 điểm, khớp lệnh 218.205 đơn vị, khối lượng mở hơn 49.000 đơn vị.

CTCK Vietcombank (VCBS) đánh giá, VN-Index vẫn tiếp tục điều chỉnh tuy nhiên biên độ đã thu hẹp lại, đồng thời chỉ số chung đang ở vùng hỗ trợ 1.260-1.280 nên khả năng sẽ sớm cân bằng trở lại và có thể nhận định rằng thị trường vẫn chưa quá tiêu cực tại thời điểm hiện tại.

VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư nên giữ tâm lý bình tĩnh, tiếp tục loại bỏ những mã yếu ra khỏi danh mục, đồng thời tận dụng những nhịp điều chỉnh để giải ngân thêm đối với những cổ phiếu duy trì được vùng hỗ trợ và không có biến động mạnh trong những phiên vừa rồi, tuy nhiên nên lưu ý chỉ nên duy trì tỷ trọng danh mục 60-70% và không sử dụng margin ở thời điểm hiện tại.

Trong khi đó, CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, rủi ro ngắn hạn của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn ở mức thấp. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn giảm mạnh cho thấy các nhà đầu tư đang thận trọng hơn với diễn biến thị trường hiện tại.

"Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư nên cơ cấu lại danh mục ngắn hạn và vẫn ưu tiên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt các nhà đầu tư chưa nên mua vào nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ", YSVN lưu ý.

Xung quanh thông tin về tác động của Giải bóng đá vô địch châu Âu 2024 (EURO 2024) lên thị trường chứng khoán, YSVN cho biết, trong quá khứ, trong thời điểm diễn ra EURO, chỉ số S&P500 có 10 lần tăng/16 lần với mức tăng trung bình 1,08%, chỉ số VN-Index có 3 lần tăng/5 lần với mức tăng trung bình 3,88%.

Còn đối với năm diễn ra EURO, chỉ số S&P500 có 13 lần tăng/16 lần với mức tăng trung bình là 7,93%, chỉ số VN-Index có 4 lần tăng/5 lần với mức tăng trung bình là 9,12%.

Như vậy, EURO không tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán Mỹ và Việt Nam trong năm diễn ra và thậm chí thị trường thường tăng điểm trong các năm diễn ra giải bóng đá châu Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường chưa lấy lại được cân bằng, VN-Index khởi đầu tuần mới giảm 5 điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO