(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chuyên gia chứng khoán nhận định thị trường sẽ tiếp tục đà hồi phục trong tuần giao dịch đầu tiên năm âm lịch Nhâm Dần, nhà đầu tư có thể gia tăng tỉ trọng danh mục đầu tư đối với các nhóm cổ phiếu ngân hàng, vật liệu xây dựng, bán lẻ.
|
Kết thúc năm 2021 theo lịch âm, trong tuần từ ngày 24-28/1, thị trường đã có những tín hiệu hồi phục tích cực sau biến động mạnh do tâm lí nghỉ Tết Nguyên Đán của các nhà đầu tư. Cụ thể, chỉ số VN-INDEX đã có sự điều chỉnh mạnh tại phiên giao dịch ngày 24/1 với việc giảm 33,2 điểm về mốc 1.439,7 điểm. Tuy nhiên, nhờ lực hỗ trợ mạnh quanh vùng giá 1.440 điểm, chỉ số VN-INDEX đã hồi phục đáng ngạc nhiên khi tăng 39,9 điểm tương đương 2,8% lên mức 1.479,6 điểm. Sau 2 phiên điều chỉnh tiếp theo, thị trường đã có phiên kết thúc năm âm lịch 2021 tích cực, giúp chỉ số VN-INDEX đóng cửa tại 1.479,0 điểm, tăng 0,4%. Bên cạnh đó, chỉ số HNX-INDEX và UPCOM-INDEX đều thay đổi không đáng kể khi tăng lần lượt 0,3% và 0,0% khi đóng cửa tại 416,7 và 109,7 điểm.
Điểm số có sự hồi phục trong bối cảnh nhà đầu tư đã chốt lời trước tết, thanh khoản bình quân phiên trên cả 3 sàn giảm còn 24.973 tỷ đồng/phiên. Điểm tích cực là khối ngoại đã có động thái hỗ trợ thị trường khi đảo vị thế từ bán ròng sang mua ròng 1.866 tỷ đồng trên sàn HOSE. Điều tương tự cũng diễn ra trên sàn UPCOM-INDEX với giá trị mua ròng đạt 24 tỷ đồng. Xu hướng mua ròng cũng diễn ra trên sàn HNX với giá trị mua ròng đạt 59 tỷ đồng.
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VNDIRECT - nhìn nhận thị trường đã có sự phân hóa mạnh mẽ diễn ra, biến động với biên độ mạnh. May mắn thay, với mùa ra báo cáo quý IV, các ngân hàng đã có kết quả kinh doanh ấn tượng, điều này giúp thu hút dòng tiền tiếp tục chảy vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, tạo lực hồi phục cho thị trường. Hầu hết giá cổ phiếu các ngân hàng đều tăng mạnh, có thể kể đến như TCB (+6,0%), VPB (+6,9%), MBB (+6,0%). Ngoài ra, thông tin giảm thuế VAT xuống 8% cũng đã tạo động lực khẳng định sự phục hồi của ngành Bán lẻ với các đại diện như PNJ (+8,9%), DGW (+10,1%), VRE (+5,6%). Ở phía ngược lại, ngành xây dựng tiếp tục hứng chịu tâm lí bán tháo khi hầu hết các mã đều giảm mạnh như CTD (-9,9%), HBC (-13,0%) và FCN (-22,3%). Cùng chung cảnh ngộ, các mã Bất động sản vốn hóa vừa đã tăng nóng thời gian qua vẫn chưa thể thoát khỏi tâm lí tiêu cực khi DIG, NLG, lần lượt giảm 17,4% và 5,5%.
Ông Đinh Quang Hinh kỳ vọng khởi đầu năm âm lịch Nhâm Dần 2022, thị trường sẽ tiếp tục đà hồi phục trong tuần giao dịch đầu tiên. "Chúng tôi cho rằng đây là thời điểm phù hợp để nhà đầu tư gia tăng tỉ trọng danh mục đầu tư đối với các cổ phiếu cơ bản, có triển vọng kinh doanh tích cực năm 2022 và đã có xu hướng tích lũy giá trong nhiều tháng vừa qua như nhóm cổ phiếu ngân hàng, vật liệu xây dựng, bán lẻ" ông Đinh Quang Hinh nói.
Trong phiên giao dịch khai xuân (ngày 7/2), thị trường có phiên buổi sáng tưng bừng khi chỉ số VN-Index tăng vọt và áp sát mốc 1.500 điểm ngay khi mở cửa. Đà tăng tiếp tục được nới rộng hơn khi các cổ phiếu lớn bé đua nhau tăng mạnh, giúp chỉ số vượt ngưỡng kháng cự 1.500 điểm và tạm dừng phiên sáng ở vùng giá cao nhất trong phiên.
Đóng cửa phiên sáng, sàn HOSE có 370 mã tăng (42 mã trần) và 89 mã giảm (1 mã sàn), chỉ số VN-Index tăng 25,27 điểm (+1,71%) lên 1.504,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 353,25 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 10.622,63 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 5,29 triệu đơn vị, giá trị gần 216 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu vận tải và cảng biển là điểm sáng của thị trường, VJC có thời điểm tăng kịch trần và chốt phiên sáng tăng 6,9% lên mức giá 130.300 đồng/CP, bên cạnh hàng loạt mã như GMD, HVN, VOS khoe sắc tím.
Nhóm dầu khí đua nhau tỏa sáng, với GAS tăng 6,4% lên mức giá cao nhất trong phiên 116.000 đồng/CP, PLX tăng 5,9% lên mức 59.400 đồng/CP và có thời điểm tăng kịch trần, POW không giữ được đà tăng trần nhưng chốt phiên tăng 6,3% lên mức sát trần 17.850 đồng/CP cùng thanh khoản sôi động đạt 15,26 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, hàng loạt mã vừa và nhỏ như CIG, LDG, HAR, HQC, ITA, VPH, FCN, FLC, SCR, NVT, QCG… tăng trần với lượng dư mua trần khá lớn. Trong khi ở top cổ phiếu lớn hơn có sự phân hóa với VIC, PDR, DIG đang giảm nhẹ, còn NVL, BCM, KDH, KBC đang tăng trong biên độ hẹp.