(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong năm 2018, diễn biến của thị trường ngoại hối đã không giống như dự báo cuối năm 2017. Xu hướng thay đổi của các đồng tiền mạnh đã có sự đảo chiều, vàng cũng đã tuột khỏi đà tăng so với các năm trước.
Diễn biến của thị trường ngoại hối trong năm 2019 dự kiến sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh bởi các diễn biến kinh tế - chính trị quan trọng chưa có hồi kết của năm 2018, đó là: quan hệ thương mại Mỹ - Trung và số phận của hiệp ước Brexit... Bên cạnh đó, diễn biến của các đồng tiền mạnh trên thị trường cũng chịu tác động mạnh từ sự chuyển động kinh tế của mỗi nước.
Thị trường ngoại hối năm 2018, bên cạnh những nhân tố tác động đã hiện hữu trong vài năm trở lại đây, cụ thể như xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT) của ngân hàng trung ương (NHTW) các nước, những vấn đề xoay quanh số phận của Brexit, những bất ổn chính trị kéo dài của khu vực châu Âu,… còn chịu tác động mạnh từ căng thẳng thương mại của nước Mỹ đối với các nước lớn, đặc biệt là với Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, đồng đô la Mỹ (USD) đã hưởng lợi, các đồng tiền mạnh khác đã giảm đáng kể so với mức tăng của năm ngoái, chỉ riêng đà tăng của đồng yên Nhật (JPY) vẫn được hỗ trợ bởi nhu cầu đầu tư tài sản an toàn.
Đồng USD đã có một năm tăng vững chắc
Diễn biến của đồng USD trong năm 2018 trái với kỳ vọng được đưa ra vào cuối năm 2017, chỉ số USD index đã tăng lần lượt là 4,4% và 4,26% đối với USD giao ngay và USD kỳ hạn. Tuy nhiên xu hướng này không xuất hiện ngay từ đầu năm mà chỉ rõ nét nhất từ quý II, kéo dài đến 2 tháng của quý IV.
Theo đó, mở đầu năm 2018, trước những dư âm thiếu tích cực về căng thẳng chính trị giữa các đảng phái trong vệc giải quyết một số vấn đề liên quan đến ngân sách, kế hoạch cắt giảm thuế,… của nước Mỹ và những tín hiệu khả quan về chính sách và kinh tế của các nước lớn trên toàn cầu, đồng bạc xanh đã có mức giảm mạnh trên 3%. Mặc dù vậy, USD đã nhanh chóng đảo chiều tăng trong tháng kế tiếp và đã có được mức tăng mạnh trên 2% trong tháng 4, 5 và tháng 10/2018 nhưng xu hướng tăng của đồng USD thường không kéo dài quá 2 tháng. Trong chuỗi tăng này, đồng USD đã có nhiều phiên giao dịch vượt ngưỡng 97 – mức cao nhất trong năm.
Diễn biến của USD trong năm 2018 được hỗ trợ mạnh từ những yếu tố trong nước nhưng cũng khá nhậy cảm với những vấn đề nổi lên trong quan hệ thương mại, ngoại giao với bên ngoài cũng như là diễn biến kinh tế, chính trị của các khu vực và nền kinh tế lớn. Nhưng phải khẳng định rằng, đà tăng trưởng chắc chắn của kinh tế Mỹ, chính sách điều hành kiên định của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), các lợi thế của nước Mỹ trong các vòng đàm phán thương mại với các đối tác và nền kinh tế đã tạo nền tảng vững chắc cho xu hướng tăng của USD so với các đồng tiền mạnh khác trong bối cảnh các bất ổn đang gia tăng và tốc độ tăng trưởng kinh tế yếu hơn ở các khu vực khác. Chính vì vậy, đồng bạc xanh cũng đã trở thành một phương tiện đầu tư hấp dẫn trong năm 2018.
Kết thúc năm 2018, mặc dù đồng USD cũng đã giảm lớn hơn 1% vào tháng 12/2018 trước những quan ngại về kinh tế thế giới trong năm tới cũng như những diễn biến đáng báo động của thị trường chứng khoán và đường cong lợi tức trái phiếu nhưng chỉ số USD index vẫn chốt giao dịch ở mức cao, lần lượt là 96,17 và 95,735 đối với chỉ số USD index giao ngay và chỉ số USD index kỳ hạn.
Đồng EUR và đồng GBP đảo chiều, giảm so với năm 2017
Khác với những gì đã diễn ra trong năm 2017, bước sang năm 2018, 2 đồng tiền mạnh tại khu vực châu Âu – đồng Euro (EUR) và đồng bảng Anh (GBP) đều giảm tương đối, lần lượt ở mức 4,4% và 5,59%. Diễn biến của 2 đồng tiền này trái ngược với diễn biến của USD, mặc dù đã có mức tăng mạnh vào tháng đầu tiên của năm nhưng sau đó cũng đã có nhiều tháng giảm, đáng chú ý là mức giảm khá mạnh trên 3% vào tháng 5 và trên 2% vào tháng 10. Trong chuỗi giảm này, EUR và GBP đã rơi vào ngưỡng giá giao dịch thấp nhất kể từ đầu năm, dưới ngưỡng 1,150 đối với EUR và dưới ngưỡng 1,300 đối với GBP.
Nhìn chung diễn biến của EUR và GBP trong năm chịu ảnh hưởng mạnh bởi xu hướng tăng của USD trong điều kiện những bất ổn đang gia tăng trong khu vực và tăng trưởng kinh tế vẫn còn mờ nhạt. Cụ thể, tại khu vực châu Âu bất ổn chính trị liên quan đến việc bầu cử tại Ý, Pháp và Tây Ban Nha lên đến đỉnh điểm trong quý II; các vấn đề bất ổn chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ và tiến triển chính trị tại Ý, đặc biệt liên quan đến các thỏa thuận về ngân sách cũng như vấn đề khủng hoảng tị nạn trong quý III; xu hướng suy giảm của một số nền kinh tế chủ chốt trong khu vực đồng tiền chung cũng như định hướng điều hành CSTT không như kỳ vọng của NHTW,… đã ảnh hưởng bất lợi đến diễn biến của EUR trên thị trường tiền tệ. Trong khi đó, GBP tiếp tục chịu áp lực từ những tín hiệu không ổn định qua các chặng đường đàm phán nước rút Hiệp định Brexit để đạt được thỏa thuận vào đầu tháng 3/2019. Áp lực này đã lấn át cả những tín hiệu tốt lên của nền kinh tế và định hướng điều hành CSTT của NHTW từ cuối quý III cho đến hết năm. Mặc dù vậy, EUR và GBP cũng đã tăng 1,35% và 0,05% so với USD vào tháng cuối cùng của năm khi đồng bạc xanh hạ nhiệt, chốt giao dịch lần lượt ở mức 1,1470 EUR/USD và 1,2759 GBP/USD.
Đồng đô la Úc (AUD) và đồng đô la Canada (CAD) cũng rơi vào nhóm những đồng tiền giảm mạnh nhất trong năm, lần lượt ở mức 9,61% và 8,42% so với USD. Cũng giống như các đồng tiền mạnh khác, diễn biến của AUD và CAD cũng bị ảnh hưởng bởi xu hướng tăng của USD trong năm 2018. Chính vì thế, sau khi tăng mạnh vào tháng 1, hai đồng tiền này đã quay đầu giảm ngay sau đó, ghi nhận các chuỗi giảm mạnh khá tương đồng vào tháng 2, 10 và tháng 12 với mức giảm giao động 2 - 4,2%. Xu hướng giảm của AUD và CAD trong nửa đầu năm bên cạnh xu hướng tăng của USD, cũng chịu ảnh hưởng từ những diễn biến kinh tế chưa khởi sắc nhưng đến nửa cuối năm lại trở nên rất nhậy cảm với các tình hình kinh tế, chính trị trên toàn cầu, cụ thể là tình trạng căng thẳng thương mại leo thang, biến động của giá cả hàng hóa thế giới, những xáo trộn trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, CAD còn chịu tác động bởi xu hướng giảm của giá dầu và các vấn đề liên quan đến vòng đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đối với Mỹ, Mexico.
Kết thúc năm 2018, tỷ giá AUD/USD và USD/CAD chốt giao dịch lần lượt ở mức 0,7052 và 1,3638.
Đồng JPY và đồng CNY diễn biến trái chiều
Trong năm 2018, diễn biến của 2 đồng tiền mạnh tại khu vực châu Á – JPY và đồng Nhân dân tệ (CNY) đã có diễn biến trái ngược nhau. Theo đó, JPY đã tăng ở mức 2,76% so với USD trong khi CNY giảm khá mạnh 5,72% so với USD. Diễn biến của 2 đồng tiền chỉ cùng tăng điểm mạnh, trên 3% vào đầu năm sau đó đã có diễn biến tăng, giảm lệch pha qua các tháng. JPY đã giảm mạnh vào tháng 4, tháng 9 với mức giảm lớn hơn 2%. Xu hướng giảm của JPY chịu tác động từ sức mạnh của đồng bạc xanh và bị ảnh hưởng và triển vọng còn xa vời trong việc bình thường hóa CSTT của BOJ cũng như những tín hiệu không mấy tích cực của một số diễn biến kinh tế tại một số thời điểm. Trong khi đó, diễn biến tăng tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu tài sản đầu tư an toàn gia tăng trước các bất ổn chính trị và căng thẳng thương mại giữa các đầu tàu kinh tế lớn. Thực tế này được thể hiện rõ ràng trong các phiên giao dịch nửa cuối tháng 12/2018 với mức tăng 3,43% vào thời điểm cuối tháng. Kết thúc năm, tỷ giá USD/JPY chốt giao dịch ở mức 109.58.
CNY đã có chuỗi giảm liên tục từ tháng 4 – 10/2018 với tổng mức giảm lớn hơn 11%. Trong đó, CNY đã giảm mạnh nhất vào tháng 6 khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã lên đến đỉnh điểm. Ngoài ra, xu hướng này còn bị tác động bởi diễn biến kinh tế chậm lại của Trung Quốc và xu hướng nới lỏng của CSTT trong năm. Trong chuỗi giảm này, CNY đã vượt xa ngưỡng giao dịch quan trọng được duy trì trong thời gian trước đó, thiết lập lên mặt bằng giá mới, giao dịch xấp xỉ mức 7,0. Xu hướng kéo dài của đồng CNY xảy ra trùng với thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang nên đã phải sự phê phán mạnh mẽ của Mỹ - quy kết là hành động phá giá tiền tệ - cạnh tranh không lành mạnh. Mặc dù vậy, đà giảm này đã nhanh chóng chậm lại rất nhiều và đảo chiều trong 2 tháng cuối năm 2018 khi PBOC có động thái can thiệp đảm bảo sự ổn định của đồng CNY. Kết thúc năm, tỷ giá USD/CNY chốt giao dịch ở mức 6,8785.
Bên cạnh đó, phần lớn các đồng tiền tại khu vực Đông Nam Á cũng có xu hướng giảm so với USD, trong đó đáng chú ý là mức giảm của đồng Rupiah Indonesia (IDR), đồng Peso Philippines (PHP) – những nước hiện đang có thâm hụt tài khoản vãng lai.
Giá vàng suy giảm sau nhiều năm tăng tốc
Kết thúc năm 2018, giá vàng đã trải qua một năm giao dịch không thành công, giảm 2,06% đối với vàng giao ngay và 1,91% đối với vàng kỳ hạn. Sau mức tăng hơn 3% vào tháng đầu năm, giá vàng đã giảm dần qua các tháng sau đó với chuỗi giảm kéo dài từ tháng 4 – 9/2018, giảm hơn 10%. Xu hướng giảm của giá vàng chịu tác động mạnh bởi những kết quả ngày càng vững chãi của kinh tế Mỹ trong khi nhu cầu đầu tư các tài sản an toàn đối với vàng trở nên mờ nhạt khi lợi tức trái phiếu Chính phủ gia tăng. Bên cạnh đó, nhu cầu vàng vật chất luôn ở mức thấp do kinh tế Trung Quốc suy giảm mạnh trong khi nhu cầu vàng ở Ấn Độ cũng không khả quan hơn khi giảm trong 3 quý liên tiếp (giảm 10% xuống 147,4 tấn quý 3). Trong chuỗi giảm này, ngưỡng giá giao dịch quan trọng 1.300 USD/ounce của vàng đã chính thức bị phá vỡ vào tháng 6.
Tuy nhiên, đà giảm này đã đảo chiều trong quý IV/2018 – giá vàng đã tăng liên tục trong 3 tháng với tổng mức tăng 7,41% trước những xáo trộn của thị trường chứng khoán, những quan ngại về kinh tế toàn cầu trong năm 2019, những bất ổn tại khu vực châu Âu và đặc biệt là xu hướng suy giảm của đồng USD vào tháng cuối năm đã thúc đẩy nhu cầu về tài sản an toàn, lượng vàng nắm giữ của các quỹ giao dịch được hỗ trợ bằng vàng trên toàn cầu đã tăng vọt. Kết thúc năm giá vàng chốt giao dịch ở mức 1.282,29 USD/ounce đối với giá vàng giao ngay và 1.281,3 USD/ounce đối với giá vàng kỳ hạn.
Triển vọng Thị trường ngoại hối năm 2019
Diễn biến của thị trường ngoại hối trong năm 2019 được dự báo sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh bởi các diễn biến kinh tế - chính trị quan trọng chưa có hồi kết của năm 2018 đó là quan hệ thương mại Mỹ - Trung và số phận của hiệp ước Brexit. Bên cạnh đó, diễn biến của các đồng tiền mạnh trên thị trường cũng chịu tác động mạnh từ sự chuyển động kinh tế của mỗi nước. Nhìn chung thị trường ngoại hối sẽ có sự đảo chiều trong năm 2019, nhiều khả năng xu hướng đó xuất hiện rõ rệt vào nửa cuối của năm. Cụ thể, chỉ số USD index được dự báo sẽ có xu hướng giằng co trong quý I khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tạm thời trì hoãn, tuy nhiên xu hướng giảm sẽ xuất hiện khi Fed tiếp tục thực hiện định hướng thắt chặt CSTT cũng như các gói kích thích tài khóa bị thu hẹp, các tín hiệu kinh tế tích cực sẽ không còn nhiềuvà nhu cầu đồng bạc xanh sẽ suy giảm.
Diễn biến này của USD cũng sẽ ảnh hưởng tích cực lên các đồng tiền mạnh khác. Theo đó, EUR được dự báo sẽ có biến động nhưng cuối cùng sẽ có xu hướng tăng ngay cả khi diễn biến kinh tế chưa thuận lợi. Trong khi đó diễn biến của GBP cũng được nhìn nhận theo 2 kịch bản của Brexit, nếu mọi việc suôn sẻ, cùng với những tín hiệu kinh tế lạc quan GBP sẽ tăng giá, còn ngược lại áp lực bán sẽ đè nặng lên GBP. Bên cạnh đó, CAD, AUD cũng sẽ có thay đổi nhưng tiếp tục chịu áp lực lớn từ diễn biến kinh tế của mỗi nước, đặc biệt là tình trạng thâm hụt thương mại, và diễn biến của giá dầu.
Ngoài ra, 2 đồng tiền mạnh tại khu vực châu Á là JPY và CNY được nhìn nhận sẽ có diễn biến tích cực. JPY là đồng tiền được nhìn nhận lạc quan nhất với khả năng tăng sẽ kéo dài liên tục trước những tín hiệu kinh tế ngày càng thuận lợi và các bước điều chỉnh chính sách ngầm phù hợp của NHTW, đặc biệt là JPY sẽ lấy lại vị trí là một trong những tài sản đầu tư an toàn ưa thích nhất trong năm 2019. Trong khi đó, CNY sẽ có sự điều chỉnh hợp lý, áp lực giảm sẽ không cao như năm 2018, thậm chí có thể đảo chiều trước những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong việc giải quyết các quan hệ thương mại với bên ngoài, các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đáng chú ý là các chính sách điều hành của NHTW.
Cuối cùng, vàng được dự đoán là sẽ có diễn biến tốt hơn năm ngoái, thậm chí có nhiều cơ hội lấy lại được ngưỡng giá giao dịch quan trọng 1.300 USD/ounce trước những quan ngại về kinh tế toàn cầu cũng như của nước Mỹ trong năm 2019. Thực tế cho thấy, giá vàng đã có được đà tăng mạnh vào quý cuối cùng của năm 2018 trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, bấp bênh về kế hoạch Brexit, biến động thị trường chứng khoán, và tình trạng đóng cửa một phần của Chính phủ Mỹ. Ngoài ra, nhu cầu vàng vật chất và vàng dự trữ của NHTW được dự báo tiếp tục gia tăng trong năm 2019 sẽ phần nào hỗ trợ cho giá vàng. Do đó nhiều dự báo cho rằng giá vàng sẽ trong khoảng 1.200-1.300 USD/ounce trong năm 2019 và vàng vẫn là một trong những tài sản được khuyến nghị nắm giữ.