Chứng khoán

Thị trường phân hóa, VN-Index vẫn phá đỉnh đi lên

Mai Hương 23/06/2023 - 16:14

Các cổ phiếu ngân hàng, Thép cùng với VNM thể hiện sự hậu thuẫn cho thị trường đi lên bất chấp hiện tượng phân hóa đã xảy ra.

Định vị thị trường

Nền tảng của các thị trường chứng khoán thế giới chưa có nhiều thay đổi trong các phiên gần đây. Về mặt vĩ mô, các diễn biến theo sau cuộc họp của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn còn tiếp diễn. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, qua đó có lần nâng lãi suất thứ 13 liên tiếp.

Diễn biến hạ nhiệt của chứng khoán châu Á đang xảy ra nhưng chưa đi kèm dấu hiệu tiêu cực. NIKKEI 225 có phiên giảm 1,45%, trong khi TWSE lại tăng 0,1%. Trở ngại từ chứng khoán châu Á do đó cũng chưa đủ gây cản trở tới đà tăng của VN-Index. Vượt qua rung lắc, chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp.

Chất xúc tác

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có 4 đợt hạ lãi suất điều hành liên tiếp, đồng thời nêu 4 định hướng điều hành chính sách tiền tệ nửa cuối năm: Đảm bảo thanh khoản (nghiệp vụ thị trường mở, cho vay tái cấp vốn, tỷ lệ dự trữ bắt buộc); thúc đẩy hạ mặt bằng lãi suất; điều hành tỷ giá linh hoạt; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý.

Xét về yếu tố dòng tiền, đây là thông tin tích cực với thị trường và nền kinh tế nói chung. Nhà đầu tư trong nước vẫn đang trong bối cảnh thuận lợi hơn nhiều so với giai đoạn đầu năm nay.

khoingoai236a.png

Khối lượng khớp lệnh của HOSE phiên hôm nay đã vượt mức bình quân 20 phiên sau 4 phiên liên tiếp bị hụt tiền. Theo thống kê, giá trị giao dịch của HOSE đã đạt 16.701 tỷ đồng. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhẹ trên HOSE, với giá trị ròng là 41 tỷ đồng.

Vận động nhóm ngành

Đà tăng của VN-Index được duy trì hoàn toàn nhờ vào đóng góp của các cổ phiếu lớn. Đó là nhóm ngân hàng với VPB (+3,1%), MBB (+1,5%), ACB (+1,2%), STB (+1%), LPB (+1%), VIB (+1%), với biên độ tăng khá đồng đều. VPB là cổ phiếu nổi bật nhất của nhóm ngân hàng, với trạng thái giao dịch đạt 853 tỷ đồng, đứng đầu toàn thị trường.

Bên cạnh nhóm ngân hàng, VNM (+3,3%) và HPG (+2,21%) cũng là những nhân tố có sự tham gia tích cực của tiền lớn. Giá trị giao dịch lần lượt đạt 816 tỷ đồng và 735 tỷ đồng, chiếm vị trí thứ 2 và thứ 3 của HOSE.

Ngoài ra, HPG cũng tác động tới các cổ phiếu Thép như NKG (+2,8%), POM (+1,5%), SMC (+1,4%), TLH (+1,1%) để giữ cho đà tăng được duy trì.

screenshot-2023-06-23-155325.png

Nhờ đó, bất chấp trạng thái phân hóa nhẹ đã diễn ra, VN-Index vẫn vượt qua rung lắc để chốt phiên tăng 4,08 điểm (+0,36%) lên 1.129 điểm. Đây tiếp tục là mức điểm số cao nhất trong vòng 9 tháng qua. Tổng giá trị giao dịch của HOSE đạt 18.193 tỷ đồng, tương đương 906 triệu đơn vị.

Độ rộng của sàn được phân bố với 48,25% mã tăng giá và 41% mã giảm giá. Hiện tượng chốt lời đã xảy ra ở một số cổ phiếu như chứng khoán, bất động sản, dầu khí như PVD (-3,4%), SSI (-0,38%), HCM (-0,69%), DIG (-1,08%), DXG (-1,25%), NLG (-2,44%)… Tuy nhiên, sau những chuyển động tích cực gần đây, việc xuất hiện những diễn biến điều chỉnh lại là hiện tượng bình thường.

Các diễn biến phân hóa của HOSE được thể hiện rõ hơn qua chuyển động của 2 sàn còn lại. HNX-Index dưới tác động của PVS (-3,9%) đã chốt phiên giảm 0,37 điểm (-0,16%) xuống 231,54 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index tăng điểm không đáng kể, +0,25% lên 85,71 điểm. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 3.100 tỷ đồng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường phân hóa, VN-Index vẫn phá đỉnh đi lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO