Chứng khoán

Thị trường phục hồi tích cực, dòng tiền luân chuyển ra sao giữa các nhóm ngành?

VTV8 14/06/2023 - 15:24

Sau một thời gian dài trầm lắng, thị trường chứng khoán đã phục hồi tích cực trong những tuần qua.

untitled-1(2).jpg

Thanh khoản cũng đã tăng mạnh, xuất hiện trở lại những phiên giao dịch tỷ đô, nhiều nhóm ngành hay nhiều cổ phiếu đã có sự tăng giá ấn tượng…Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn và thách thức nhất định, đà phục hồi này có duy trì được lâu, cũng như dòng tiền sẽ luân chuyển ra sao giữa các nhóm ngành trong thời gian tới? 

Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, các chuyên gia đánh giá, dòng tiền đang dồi dào hơn giúp thị trường phục hồi khá, tuy nhiên thị trường sẽ có những phiên điều chỉnh đan xen các nhịp tăng và sẽ đi lên dần theo đà tích cực của nền kinh tế trong các quý tới.

Thị trường phục hồi tích cực, dòng tiền luân chuyển ra sao giữa các nhóm ngành? - Ảnh 1.

BTV Mùi Khánh Ly: Như các ông đã thấy, thị trường đã phục hồi khá sau một thời gian đi ngang, cùng với đó là thanh khoản tăng mạnh, các ông đánh giá như thế nào về điều này?

Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS):

Chúng ta cũng đã thấy, đợt vừa rồi, trong khi các các cổ phiếu vốn hóa lớn, bluechip có những diễn biến giằng co và trái chiều lẫn nhau, thì nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, rất nhiều mã có đà tăng giá mạnh và điều này cũng đã khiến cho giao dịch trên thị trường sôi động hơn. Thanh khoản thị trường cũng có cải thiện hơn so với tháng 4. Theo như chúng tôi thống kê, tính trung bình thanh khoản một phiên trên cả ba sàn trong tháng 5 là vào khoảng trên 14.000 tỷ đồng, trong khi đó, so với tháng 4 chỉ khoảng hơn 12.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chúng ta nhận thấy dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng đã có sự gia tăng mạnh mẽ hơn trong tháng 5, số lượng tài khoản mở mới trong tháng 5 đã tăng đột biến so với tháng 4. Đặc biệt là bước sang tháng 6, diễn biến của thị trường chung đang cũng khá tích cực và điều này cũng đã thu hút rất nhiều các nhà đầu tư quan tâm và quay trở lại với thị trường chứng khoán.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS):

Chúng ta thấy Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất chính sách ba lần liên tiếp và điều này đã đẩy mặt bằng lãi suất, đặc biệt mặt bằng lãi suất huy động xuống nhanh. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng hiện đâu đấy từ 6,8% đến 7,5%. Với mặt bằng lãi suất như vậy, nếu so với thị trường chứng khoán, tính theo định giá P/E thì mức giá trị hợp lý của VN-Index sẽ rơi vào khoảng từ 13,7 đến 14,7 lần và dù EPS của doanh nghiệp không tăng trưởng nhưng cũng vẫn hấp dẫn. Điều này đã kích thích dòng tiền quay trở lại thị trường, đẩy thanh khoản thị trường lên, nhất là ở những phiên đầu tháng 6. Như anh Hiển vừa chia sẻ, dù là điểm số không tăng nhiều, nhưng về mặt mã cổ phiếu thì chúng ta có rất nhiều mã có hiệu suất sinh lời từ 30% đến 50%. Và nhà đầu bắt đầu giải ngân rất mạnh. Cho đến bây giờ, tôi thấy luồng tiền tương đối mạnh mẽ, chúng ta đang có một chu kỳ đi lên tương đối tích cực.

BTV Khánh Ly: Vậy đâu là những nhóm ngành đã và đang phục hồi mạnh mẽ nhất trong những tuần qua?

Thị trường phục hồi tích cực, dòng tiền luân chuyển ra sao giữa các nhóm ngành? - Ảnh 2.

Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS):

Chúng ta có thể thấy là hai nhóm ngành chính của thị trường là bất động sản và ngân hàng, trong tháng 5 mức độ tăng giá không mạnh. Bởi vì như chúng ta cũng đã thấy là dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân nội thì họ sẽ ưa thích nhóm cổ phiếu mang tính chất vốn hóa nhỏ và vừa. Có nhiều mã ngành đã tăng giá nhưng là có tính chất tăng giá đón đầu nhiều hơn là dựa vào những diễn biến thực tế của hoạt động sản xuất kinh doanh. Ví dụ như ngành chứng khoán, chúng ta đều nhận thấy là trong quý I, kết quả cũng chưa được tích cực trong bối cảnh khó khăn chung. Tuy nhiên, như anh Khánh vừa trao đổi là khi lãi suất giảm thì dòng tiền nhiều khả năng sẽ quay trở lại thị trường chứng khoán và qua diễn biến của thanh khoản dần dần tăng trong tháng 5 và tháng 6 này thì nhà đầu tư đã có những đánh giá tích cực hơn về triển vọng của nhóm ngành chứng khoán. Chính vì thế, nhóm ngành chứng khoán với rất nhiều mã đã có mức tăng trưởng khá tốt. 

Bên cạnh đó, một số ngành như công nghệ thông tin, ngành dược, thiết bị y tế cũng có sự tăng giá bởi vì có sự tăng trưởng về mặt lợi nhuận trong quý I. Còn nhóm ngành vật liệu và xây dựng vốn được hỗ trợ bởi thông tin tích cực từ quá trình thúc đẩy giải ngân đầu tư công của Chính phủ trong 5 tháng. Giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách tính chung trong 5 tháng vừa rồi cũng đã tăng 18%...

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS):

Bắt đầu từ tháng 5, sau khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất, dòng tiền được kỳ vọng vào thị trường đã khiến loạt các cổ phiếu thị giá thấp với 2.000, 3.000 hay 4.000 đồng tăng khả năng sinh lời cao khiến nhiều người bắt đầu giải ngân vào thị trường. Sau đó thì gần như là các nhóm ngành thay phiên nhau đóng vai trò dẫn dắt. Chúng ta thấy có lúc thì đầu tư công nổi lên, lúc lại đến ngành dầu khí và sau đấy gần cuối tháng, dòng tiền lại quay vào nhóm ngành chứng khoán, một sự luân chuyển tương đối tích cực. Tuy nhiên, sau một bằng giá mới thì chúng tôi nghĩ có thể sẽ có điều chỉnh, chuyện đó cũng bình thường. Và câu chuyện của tháng 6, cũng như trong giai đoạn tới sẽ là câu chuyện nhà đầu tư định hình lại về thực trạng kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ có xu hướng lựa chọn những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt lên.

BTV Mùi Khánh Ly: Như vậy thì theo các ông, nhóm ngành nào sẽ có sự tăng trưởng tiếp theo?

Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS):

Đợt rồi chúng ta thấy dòng tiền có sự luân chuyển nhanh hơn giữa các nhóm ngành, bởi vì từ khi chúng ta chuyển chu kỳ thanh toán từ T+3 sang T+2 thì vòng quay sẽ cao hơn so với trước. Còn nói về xu hướng của dòng tiền trong thời gian tới, tôi cũng đồng ý quan điểm với anh Khánh là sau một thời gian mà dòng tiền chủ yếu tập trung vào những mã cổ phiếu có thị giá thấp thì nó sẽ dần dần dịch chuyển dần sang các nhóm có tỷ giá cao hơn và có nền tảng cơ bản nhiều hơn. Thậm chí đến tháng 6 này, chúng ta bắt đầu có nhiều thông tin về kết quả kinh doanh trong quý II của các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng sẽ có thêm bức tranh về hoạt động của từng nhóm ngành để từ đó họ có sự phân bổ lại dòng tiền giữa các nhóm ngành và các mã tôi nghĩ là sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ trong thời gian tới.

Thị trường phục hồi tích cực, dòng tiền luân chuyển ra sao giữa các nhóm ngành? - Ảnh 3.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS):

Tôi cũng đồng ý với anh Hiển. Đầu tiên là sẽ xuất hiện hiện tượng đầu cơ và sau khi mà mặt bằng giá cao hơn, cũng như khả năng sinh lời bắt đầu khó hơn thì nhà đầu tư người ta sẽ đánh giá lại. Ví dụ như giá tăng nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp có tăng theo hay không, hay kỳ vọng tương lai kết quả kinh doanh của họ như thế nào? Đơn cử như ngành thép chẳng hạn, ngành thép cũng đang được giao dịch nhiều trong những phiên gần đây thì nhà đầu tư sẽ quan tâm là trong quý I, ngành này đã có những tín hiệu tốt hơn, vậy thì quý II kết quả kinh doanh có tốt hơn quý I hay không? Hoặc là một số ngành như ngành dệt may chẳng hạn, họ sẽ đánh giá đơn hàng còn đang khó khăn nữa hay không… Nhà đầu tư sẽ đánh giá lại sau khi có kết quả kinh doanh quý II.

BTV Mùi Khánh Ly: Nếu nhìn về kinh tế vĩ mô thì hiện có đang thuận lợi thúc đẩy thị trường kéo dài đà phục hồi trong thời gian tới?

Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS):

Nếu nhìn lại các con số vĩ mô của tháng 5 thì chúng ta nhận thấy là sự cải thiện của nền kinh tế cũng chưa nhiều lắm so với tháng 4. Hầu hết các con số quan trọng như sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo, cũng chưa thực sự phục hồi. Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu trong tháng 5 vẫn có hoạt động suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này phản ánh nhu cầu từ bên ngoài đang bị sụt giảm. Trong khi đó chỉ nhận thấy có một số các tín hiệu cũng tương đối tích cực, ví dụ như vốn đăng ký FDI cũng như giải ngân của FDI so với cùng kỳ, đà giảm đã chậm hơn, tức là đã có cải thiện hơn một chút. Hay là lạm phát ở mức khá thấp cũng tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước có thể hạ thêm lãi suất, tăng cường giải ngân tín dụng. Giải ngân tín dụng sau 5 tháng đầu năm chỉ ở mức thấp khoảng hơn 3%, thấp so với cùng kỳ năm ngoái là hơn 7%. Điều này phản ánh một thực tế, đó là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện tại ở mức khó khăn. 

Với những dấu hiệu như vậy, cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp cũng sẽ cần chờ báo cáo của quý II, có thể có cải thiện, nhưng mức độ cải thiện cũng sẽ không được nhiều như kỳ vọng. Tôi nghĩ, mọi hoạt động sẽ khởi sắc hơn bắt đầu từ quý III trở đi, khi các nền kinh tế trên thế giới cải thiện hơn, cũng như các chính sách của Chính phủ trong suốt thời gian vừa rồi sẽ từ từ ngấm dần vào nền kinh tế.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS):

Thị trường chứng khoán và nền kinh tế luôn liên quan đến nhau nhưng thị trường chứng khoán sẽ đi trước, phản ánh nền kinh tế từ 4 tháng đến 6 tháng, thậm chí là 12 tháng, điều này đã được dữ liệu lịch sử chứng minh. Như năm ngoái, khi nền kinh tế tăng trưởng tích cực thì thị trường đã phản ánh và giảm sâu. Và bây giờ, với nền kinh tế mà chúng ta nhìn vào các số liệu, cảm giác như nó đã tạo đáy ở quý I và quý II, rồi bắt đầu có một vài dấu hiệu bắt đầu đi lên, thì thị trường chứng khoán sẽ đi trước phản ánh. Tôi nghĩ rằng, chỉ cần kết quả kinh doanh quý II tốt hơn quý I thì chắc chắn thị trường sẽ có động lực để đi lên.

BTV Khánh Ly: Vậy theo các ông dự báo thì thị trường sẽ diễn biến ra sao trong thời gian tới?

Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS):

Tôi cho rằng đúng như anh Khánh nói, thông thường thì thị trường chứng khoán vận hành dựa trên nhiều những sự kỳ vọng của nhà đầu tư, tức là sẽ đi trước so với sự thực tế. Ở thời điểm hiện tại, vận động của thị trường chứng khoán cũng khá tích cực, tuy nhiên thị trường cũng đang gặp các vùng cản, ở gần các vùng đỉnh cũ và chúng tôi kỳ vọng nếu các chỉ báo kinh tế vĩ mô tích cực thì hoàn toàn chúng ta có thể kỳ vọng thị trường bước vào một chu kỳ tăng điểm mạnh mẽ hơn sau đấy. 

Còn về nhóm ngành trong giai đoạn tới, chúng tôi đánh giá một số các nhóm ngành vẫn sẽ thu hút được nhà đầu tư, bao gồm nhóm xây dựng, vật liệu xây dựng, thứ hai là nhóm cổ phiếu của ngành chứng khoán. Ngoài ra, các cổ phiếu bất động sản, đặc biệt là các cổ phiếu mang tính chất cơ bản tốt thì cũng chưa có nhịp tăng lắm trong giai đoạn vừa rồi. Bởi vì nhà đầu tư vẫn còn khá e ngại, hầu hết lượng trái phiếu đến hạn sẽ rơi vào trong quý III này, vào khoảng từ tháng 6 đến tháng 9, nếu các doanh nghiệp đàm phán được với trái chủ kéo dài hoặc giãn nợ trái phiếu…tôi cho rằng ngành bất động sản cũng sẽ là một ngành thu hút được dòng tiền của các nhà đầu tư.

Ngoài ra, một số các ngành khác, ví dụ như ngành công nghệ thông tin hay nhóm ngành nhiệt điện cũng có thể là nhóm thu hút được dòng tiền trong thời gian tới.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS):

Đối với thị trường, hiện đang bước vào vùng kháng cự và cần mất thời gian, vì chúng ta đã có một đợt tăng giá tương đối mạnh trong tháng 5, nhất là những ngày đầu tháng 6. Trong ngắn hạn, thị trường sẽ đi lên rồi đến ngưỡng điều chỉnh và tích lũy. Còn về dài hạn, tôi vẫn nghĩ là thị trường sẽ nhích dần lên từ giờ đến cuối năm, khi các yếu tố vĩ mô và kết quả kinh doanh cải thiện. 

Còn về các nhóm ngành, theo tôi sẽ không phải một ngành tăng theo chiều rộng mà trong từng ngành có một vài cổ phiếu sẽ tăng và có những cổ phiếu sẽ không tăng. Ví dụ như trong nhóm ngân hàng cũng sẽ có sự phân hóa. Những ngân hàng quốc doanh với các câu chuyện về bán vốn hoặc là lợi nhuận của nhóm ngân hàng quốc doanh tôi nghĩ sẽ tốt hơn cũng nhóm quốc doanh họ trích lập dự phòng cao hơn, bộ đệm về rủi ro tốt nên sẽ có diễn biến tích cực hơn. Và thanh khoản nếu tiếp tục giao dịch ở quy mô cao như hiện tại thì ngành chứng khoán cũng vẫn sẽ là nhóm hút dòng tiền. Một số nhóm ngành mang yếu tố cơ bản, ví dụ như ngành thép, ngành đầu tư công thì nhà đầu tư sẽ theo dõi số liệu trong quý II của các nhóm này có cải thiện hay không, nếu cải thiện thì những nhóm đó sẽ có cơ hội.

BTV Mùi Khánh Ly: Xin cảm ơn hai ông về những thông tin trên!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường phục hồi tích cực, dòng tiền luân chuyển ra sao giữa các nhóm ngành?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO