Ngân hàng tiếp tục đảm nhận trọng trách giữ điểm số cho VN-Index nhưng hiện tượng điều chỉnh vẫn xuất hiện trên diện rộng tại HOSE trong phiên giao dịch hôm nay (12/1). Tỷ lệ các mã có xu hướng tăng ngắn hạn của sàn đã giảm về chỉ còn trên 50%.
Định vị thị trường
Thị trường Nhật Bản vẫn tiếp tục phá đỉnh 34 năm với NIKKEI 225 tăng 1,5% lên 35.577 điểm. Trong khi đó, các chỉ số như SHMCP (-0,16%), TWSE (-0,19%), KOSPI (-0,6%), HSI (-0,35%) vận động ngược chiều so với SET (+0,47%), KLSE (+0,18%).
VN-Index cũng rơi vào nhóm giảm điểm nhưng nguyên nhân mấu chốt đến từ việc ngưỡng 1.160 điểm đang là kháng cự "cứng" của thị trường và sự lệ thuộc vào nhóm ngân hàng.
Chất xúc tác
Dòng tiền duy trì sự hiện diện với giao dịch của HOSE có phiên thứ 9 liên tiếp khớp trên mức bình quân 20 phiên. Thậm chí, phiên hôm nay còn là phiên có quy mô giao dịch cao nhất trong vòng 6 phiên trở lại.
Vai trò của nhà đầu tư nước ngoài đã thu hẹp lại khi họ chỉ tham gia với tỷ trọng 4,86% trong cả 2 chiều mua/bán. Điều này cho thấy, khối nội mới là nhân tố khiến cho thanh khoản gia tăng.
Khối ngoại cũng tiếp tục mua ròng trên HOSE với giá trị ròng đạt hơn 10 tỷ đồng. Các mã ngân hàng như STB, VCB, VPB, CTG đứng đầu trong top mua ròng với quy mô trên 50 tỷ đồng. Trong khi đó, VNM (-105 tỷ đồng), BCM (-103 tỷ đồng) là những cổ phiếu bị bán ra nhiều nhất.
Tuy nhiên, do HNX bị bán ròng gần 60 tỷ đồng nên tính chung cả 3 sàn, khối ngoại đã có phiên rút tiền
Vận động thị trường
Thực tế, xu hướng của nhóm ngành trong sóng của ngân hàng đang không tích cực. Dù nhiều mã ngân hàng đã liên tục phá đỉnh, hiệu ứng lan tỏa chưa hề được ghi nhận. Trong vòng 1 tuần trở lại đây, số lượng các mã có xu hướng tăng ngắn hạn đã sụt từ mức 75% xuống còn trên 50%.
Điều này cho thấy, tiền còn đang rút ra khỏi nhiều cổ phiếu trên thị trường bất chấp ngân hàng vẫn đang có sự sôi động. Ngay ở phiên hôm nay, độ rộng của sàn cũng thể hiện sự lấn lướt của sắc đỏ với 66% mã giảm giá. Còn VN-Index đóng cửa giảm 0,65% xuống 1.154,7 điểm.
Nhiều mã ở các nhóm bất động sản ghi nhận mức giảm trên 2% như TCH (-2,3%), DIG (-2,59%), NVL (-3,26%), DXG (-2,34%), CII (-3,72%), HDC (-3,76%). Nhóm thép và chứng khoán cũng tiếp giảm giá như SSI (-0,15%), VND (-0,68%), VIX (-1,45%), HPG (-1,27%)…
Trái ngược lại, MBB (+3,39%), STB (+1,36%), ACB (+2,18%), SHB (+1,65%), CTG (+1,61%), TCB (+1,46%) vẫn đón nhận tiền để tăng trở lại. Dù đã có dấu hiệu chững lại đà tăng ở phiên hôm qua thì việc dòng tiền vẫn hiện diện ở các cổ phiếu cho thấy quá trình tạo đỉnh của ngân hàng chưa hoàn tất.
Theo thống kê, STB là mã giao dịch mạnh nhất sàn, đạt hơn 1.200 tỷ đồng, trong khi MBB, SHB, ACB, CTG đều giao dịch trên 500 tỷ đồng.
Dẫn đến kết quả thanh khoản của thị trường đã tăng vọt lên. Tổng giá trị giao dịch của HOSE đạt 22.751 tỷ đồng, tương đương 1.086,67 triệu đơn vị.
HNX-Index và UPCoM-Index đều có sự giảm điểm khi chốt phiên, lần lượt mất 1,03% và 0,75%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.800 tỷ đồng.