Các Hiệp hội ngành, nghề

Thời tiết nắng nóng làm giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ sắn cho ngành chế biến thực phẩm

Nguyễn Huyền 27/04/2024 - 08:04

Mặc dù xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tăng mạnh trở lại trong tháng 3/2024, nhưng hiện nay có nhiều nhà máy đã nghỉ hoạt động do nguồn nguyên liệu về không đều. Thời tiết nắng nóng ngay từ đầu tháng 4/2024 khiến nhu cầu sản phẩm từ sắn cho ngành thực phẩm chế biến trực tiếp từ sắn đang giảm dần.

cu-san-1.png
Ảnh minh họa

Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tăng mạnh trong tháng 3/2024.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 3/2024, Việt Nam xuất khẩu được 314,86 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 142,09 triệu USD, tăng 45,1% về lượng và tăng 47,6% về trị giá so với tháng 2/2024; so với tháng 3/2023 tăng 14,7% về lượng và tăng 35,5% về trị giá. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 944,93 nghìn tấn, trị giá 430,44 triệu USD, giảm 3,3% về lượng, nhưng tăng 15,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Tính riêng mặt hàng sắn lát, tháng 3/2024, xuất khẩu sắn đạt 88,069 nghìn tấn, trị giá 23,02 triệu USD, giá trung bình 261,5 USD/tấn, tăng 35,9% về lượng và tăng 39,4% về trị giá so với tháng trước đó, so với tháng 3/2023 giảm 33,2% về lượng và giảm 40,4% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân ở mức 261,5 USD/ tấn, tăng 2,6% so với tháng 2/2024, nhưng giảm 10,9% so với tháng 3/2023. Lũy kế 3 tháng đầu năm, xuất khẩu sắn đạt 220,441 nghìn tấn, trị giá 56,59 triệu USD, giá trung bình 256,7 USD/tấn, giảm 41,8% về lượng và giảm 45,7% về trị giá và giảm 7% về giá so với 3 tháng đầu năm 2023.

Top 5 thị trường xuất khẩu trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm, gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Hàn Quốc.

Cụ thể, trong tháng 3/2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc đạt 299,61 nghìn tấn, trị giá 133,56 triệu USD, so với tháng 3/2023 tăng 33,2% về lượng và tăng 59,6% về trị giá, chiếm 94,24% tổng lượng sắn xuất khẩu của cả nước. Lũy kế 3 tháng đầu năm đạt 890.554 tấn, tương đương 400,12 triệu USD, tăng 0,6% về lượng và tăng 20,6 % về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu tăng 19,9%, đạt trung bình 449,3 USD/tấn. Chiếm 94,2% trong tổng lượng và chiếm 93% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này.

Trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang thị trường thứ hai Đài Loan đạt 15.696 tấn, trị giá 8,669 triệu USD; Philippines đạt 6.118 tấn, trị giá 3,156 triệu USD; …

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn lớn nhất thế giới và cũng là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn của Trung Quốc đều giảm so với cùng kỳ năm 2023.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 2 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 371,93 nghìn tấn sắn lát, với trị giá 99,43 triệu USD, giảm 69,1% về lượng và giảm 69,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia là 4 thị trường cung cấp sắn lát cho Trung Quốc. Đáng chú ý, lượng sắn lát nhập khẩu của Trung Quốc từ Thái Lan và Việt Nam giảm mạnh, trong khi nhập khẩu từ Lào và Campuchia lại tăng.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam là thị trường cung cấp sắn lát lớn thứ hai cho Trung Quốc, với 101,34 nghìn tấn, với trị giá 26,63 triệu USD, giảm 39,3% về lượng và giảm 39,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 27,25% trong tổng lượng nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, cao hơn so với mức 13,87% của 2 tháng đầu năm 2023.

Đối với mặt hàng tinh bột sắn, trong 2 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 584,54 nghìn tấn, trị giá 309,26 triệu USD, giảm 11,5% về lượng, nhưng tăng 3,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Indonesia. Trong đó, Việt Nam vượt Thái Lan trở thành nguồn cung lớn nhất tinh bột sắn cho Trung Quốc, với 267,93 nghìn tấn, trị giá 137,94 triệu USD, giảm 6,1% về lượng, nhưng tăng 10,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 45,84% trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc, cao hơn so với mức 43,19%. Theo các nhà máy, tỷ giá USD và đồng nhân dân tệ (CNY) đều tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, tuy nhiên, khách hàng Trung Quốc dè dặt đặt hàng (đặt hàng số lượng nhỏ và giao ngay).

Với thị trường Indonesia, chỉ 3 tháng đầu năm nay đã nhập khẩu hơn 16.000 tấn tinh bột sắn từ Việt Nam trong bối cảnh giá gạo tại nước này tăng cao kỷ lục do hiện tượng El Nino, trong khi tổng lượng nhập khẩu của cả 3 năm gần đây từ 2021-2023 chưa đạt tới 7.000 tấn.

Mặc dù xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 3 tăng mạnh nhưng theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, nguồn cung sắn lát từ các cơ sở thu gom (đại lý) không nhiều. Các doanh nghiệp vẫn mở kho thu mua dự trữ khi đại lý cần bán, nhưng số lượng ít do dự báo năm 2024 đầu ra sắn lát tiêu thụ giảm (ước tính giảm trên 10% so với năm 2023) và mức giá thu mua không cao, do nhu cầu thị trường xuất khẩu mặt hàng này khá thấp.

Hiện có nhiều nhà máy đã nghỉ do nguồn nguyên liệu về không đều, do mùa hè năm nay đến sớm hơn năm rồi và khi thời tiết nắng nóng ngay từ đầu tháng 4/2024 khiến nhu cầu chế biến trực tiếp từ sắn của ngành thực phẩm đang có tín hiệu giảm dần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thời tiết nắng nóng làm giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ sắn cho ngành chế biến thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO