Đó là thông tin Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đưa ra tại phiên chất vấn sáng ngày 6/11 trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.
Đặt vấn đề chất vấn Thống đốc NHNN, đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Đoàn ĐBQH hội tỉnh An Giang cho biết, việc hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội là một chủ trương rất nhân văn của Đảng, Nhà nước ta. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội là một minh chứng cho điều đó. Hiện tại cử tri và đông đảo người dân rất phấn khởi và kỳ vọng, nhu cầu rất lớn nhưng đến nay tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp, chỉ khoảng 100 tỷ đồng.
Từ thông tin đó, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị Thống đốc NHNN cho biết đâu là khó khăn, vướng mắc và Thống đốc đã đề xuất giải pháp gì với Chính phủ để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới?
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết đây là chương trình hưởng ứng của ngành ngân hàng được giao tại nghị quyết của Chính phủ để tiến tới mục tiêu có 1 triệu căn hộ trong 10 năm tới. Gói này là gói sử dụng nguồn tiền huy động của các tổ chức tín dụng và từ người dân. Lãi suất ưu đãi cũng từ nguồn tài chính của các ngân hàng tham gia.
Theo Thống đốc NHNN, sau khi có nghị quyết của Chính phủ, NHNN cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn cho các tổ chức tín dụng thực hiện. NHNN có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố quan tâm để có thể xây dựng và công bố những dự án thuộc diện được cho vay theo chương trình này. Việc này được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Về phía các tổ chức tín dụng, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng phải ban hành các quy trình nội bộ để triển khai gói này.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin, hiện nay có 18/63 UBND tỉnh đã gửi văn bản công bố danh mục dự án tham gia chương trình và công bố trên Cổng thông tin điện tử 53 dự án, với tổng nhu cầu vay là 27.000 tỷ đồng. Đến nay các ngân hàng đã giải ngân được gần 105 tỷ đồng cho 3 dự án ở 3 tỉnh thành.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân chương trình còn hạn chế, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu ra 3 nguyên chính.
Thứ nhất, nguồn cung về nhà ở thuộc đối tượng của chương trình còn hạn chế. Đặc biệt là cầu, nhu cầu về nhà ở rất lớn nhưng nhu cầu của người dân quyết định đi vay để mua nhà lại là một câu chuyện người dân phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.
Thứ hai, điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội chưa phù hợp với thực tế như: thu nhập không thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân, chưa có nhà ở...
Thứ ba, chương trình thực hiện trong thời gian 10 năm và các khoản cho vay bất động sản thường kéo dài, giải ngân sẽ theo thời gian cho nên lượng giải ngân vẫn còn thấp.
Về giải pháp thời gian tới, Thống đốc NHNN kiến nghị, mong UBND các tỉnh thành phố sớm công bố danh mục các dự án thuộc diện cho vay. Đồng thời, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, NHNN sẽ tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân nắm rõ về gói tín dụng ưu đãi này.
Trả lời ý kiến bổ sung của đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Hà Nội, Thống đốc NHNN cho biết, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng quan tâm để triển khai tích cực gói 120.000 tỷ đồng này.
"Bắt đầu gói này là 120.000 tỷ đồng, nhưng đây cũng mở rộng ra cho các ngân hàng thương mại cổ phần khác khi họ tham gia, đến nay đã có một ngân hàng thương mại cổ phần khác tham gia 5.000 nữa, như vậy gói này hiện nay lên 125.000 tỷ đồng. Trong 10 năm tới, nếu có khả năng các tổ chức tín dụng khác tham gia thì gói này sẽ cao hơn", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin thêm.
Mặt khác, việc giải quyết nhà ở xã hội cũng được thực hiện bằng nhiều chính sách. Hiện nay Chính phủ có Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Ngân hàng Chính sách xã hội là một trong những ngân hàng thực hiện cho vay đối tượng này. Trong thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội là kênh rất tích cực, Ngân hàng Nhà nước và Thống đốc với vai trò kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp tục chỉ đạo cùng với các thành viên hội đồng quản trị là đại diện các bộ, các ngành khác triển khai qua kênh này.
"Đúng như đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu, việc này là toàn hệ thống cùng chung tay tham gia và đặc biệt phải có sự phối hợp của các bộ, ngành, các địa phương, hệ thống công đoàn. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để có thể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm đạt được mục tiêu của chương trình", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Đối với câu hỏi thứ hai của đại biểu Trần Thị Thanh Hương về những giải pháp để đẩy nhanh hơn nữa việc thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới trong bối cảnh thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển kinh tế số; Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua NHNN thực hiện nhiều giải pháp như rà soát hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho việc thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay nhiều hoạt động được thực hiện qua các kênh số, ứng dụng công nghệ, bảo đảm an toàn hoạt động thanh toán.
Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt trong 9 tháng năm 2023 tăng trưởng cao như tỉ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 49% về số lượng, giao dịch qua internet tăng 60,3%, qua kênh điện thoại di động tăng 60,8%, qua QR code tăng 105%, POS tăng 21,39%. Cùng với đó, rút tiền qua ATM giảm. Từ đầu năm đến háng 9/2023, thanh toán tiền mặt trên tổng thanh toán giảm 9,17% so với mức 11,73% của năm 2020. Điều này cho thấy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tăng.
Về khó khăn để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết do thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại khi tiếp cận công nghệ mới trong thanh toán, xu hướng tội phạm công nghệ cao khiến người dân e ngại. Định hướng thời gian tới, theo Thống đốc, NHNN tiếp tục rà soát các văn bản và phối hợp các cơ quan để hoàn thiện hành lang pháp lý và có các biện pháp phòng ngừa để bảo mật thông tin, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách hàng, tăng cường thông tin truyền thông.