(thitruongtaichinhtiente.vn) -Trưa ngày 6/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và thăm làm việc tại Vương quốc Anh (từ ngày 31/10 đến ngày 3/11), thăm chính thức Cộng hòa Pháp (từ ngày 3/11 đến 5/11).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có bài phát biểu quan trọng trong ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26). Ảnh: VGP |
Tham gia Đoàn có: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến.
Đại diện lãnh đạo: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế; Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Hoàng Long và Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Đinh Toàn Thắng tham gia Đoàn.
Các hoạt động chính của Thủ tướng
Trong thời gian tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chương trình làm việc dày đặc và hiệu quả cao với hàng chục hoạt động song phương và đa phương, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị COP26; tham dự và phát biểu tại các sự kiện công bố sáng kiến của một số đối tác quan trọng bên lề COP26 như công bố Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu, Hành động về rừng và sử dụng đất. Thủ tướng Boris Johnson, Thái tử Charles, Thủ hiến các vùng của Anh đã có các cuộc tiếp xúc riêng với Thủ tướng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thái tử Vương quốc Anh Charles. Ảnh: VGP |
Thủ tướng có hơn 20 cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các quốc gia như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Canada, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan… và lãnh đạo các tổ chức quốc tế như Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)...; cùng hơn 30 cuộc đối thoại, tiếp lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, trường đại học, các tổ chức hàng đầu thế giới và Vương quốc Anh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tham dự hội thảo "Kiến tạo tương lai bền vững và thịnh vượng thông qua đầu tư tư nhân"; chứng kiến các sự kiện ra mắt, ký kết, trao nhận gần 30 thỏa thuận hợp tác của Chính phủ, bộ, ngành, tổ chức và doanh nghiệp trong nước với các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức của Vương quốc Anh và quốc tế, trong có các thỏa thuận kinh tế - thương mại trị giá nhiều tỷ USD. Thủ tướng đã dành thời gian đến làm việc với lãnh đạo Công ty AstraZeneca và đã thúc đẩy được nhiều nội dung quan trọng liên quan đến đầu tư và chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc và vaccine…
Trong thời gian thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam cũng có chương trình làm việc dày đặc với các hoạt động nổi bật: Thủ tướng hội đàm với Thủ tướng Pháp Jean Castex; hội kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Thượng viện Pháp Gerard Larcher, Chủ tịch Quốc hội Pháp Richard Ferrand; tiếp Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel; làm việc với lãnh đạo một số tổ chức quốc tế lớn có trụ sở tại Pháp như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: VGP |
Thủ tướng đã tiếp Giám đốc Chương trình COVAX; thăm và làm việc với tập đoàn dược phẩm Sanofi; thăm và làm việc tại Viện Pasteur Paris; gặp gỡ các bác sĩ, chuyên gia y tế Việt Nam và Pháp.
Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ giữa các cơ quan chức năng hai nước, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp, trong đó có các thỏa thuận có tổng trị giá nhiều tỷ USD giữa các doanh nghiệp; dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Pháp; làm việc với lãnh đạo nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Pháp và lãnh đạo Nghiệp đoàn giới chủ Pháp (MEDEF)…
Cũng trong chuyến công tác lần này tới Anh và Pháp, Thủ tướng đã tới dâng hoa tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm không gian Hồ Chí Minh trong Bảo tàng lịch sử sống tại công viên Montreau, thành phố Montreuil; làm việc với 11 Đại sứ Việt Nam tại các nước châu Âu; gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Anh, Ireland và các nước châu Âu; tiếp lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt-Pháp…
Những nội dung và kết quả chính trong chuyến công tác
Trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị COP26 đã truyền tải thông điệp mạnh mẽ tới tất cả bạn bè quốc tế về một đất nước Việt Nam trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tham gia xử lý một trong những thách thức chung toàn cầu lớn nhất và được quan tâm cao nhất hiện nay là biến đổi khí hậu.
Trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh hai thông điệp chính: Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân; đồng thời kêu gọi phải có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu, các nước phát triển có trách nhiệm hỗ trợ các nước đang phát triển cả về tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực để có thể thực hiện thành công Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.
Sự tham gia chủ động, tích cực, cách tiếp cận phù hợp, những thông điệp rõ ràng, sâu sắc, các đề xuất khả thi của của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đặc biệt là cam kết mạnh mẽ liên quan đến việc đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 đã được nhiều lãnh đạo các nước, các đối tác chia sẻ và đánh giá cao, cộng đồng quốc tế đã thấy rõ hơn chủ trương, quyết tâm, nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu mặc dù là một nước đang phát triển, xuất phát điểm thấp, trải qua chiến tranh kéo dài, còn nhiều khó khăn.
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ đã củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc thêm quan hệ song phương với nhiều đối tác quốc tế, nhất là hai đối tác chiến lược Anh và Pháp, nâng cao hơn nữa uy tín, vị thế, vai trò của Việt Nam. Đặc biệt, các thỏa thuận, cam kết đầu tư đều hướng đến hiệu quả cao về kinh tế để phát triển đất nước.
Về quan hệ song phương Việt Nam – Pháp: Pháp đã dành cho Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam các nghi lễ chính thức, hơn cả thông lệ với sự đón tiếp trọng thị, trao đổi cởi mở, chân tình giữa Thủ tướng với các nhà Lãnh đạo Pháp, cho thấy sự tin cậy chính trị rất cao và phía Pháp rất coi trọng mối quan hệ lịch sử nhiều “duyên nợ” với Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà Lãnh đạo Pháp đã trao đổi sâu rộng về phương hướng cũng như các biện pháp hợp tác trong thời gian tới nhằm tăng cường lòng tin chiến lược, giúp quan hệ hai nước tiếp tục đạt được nhiều kết quả thiết thực hơn nữa. Việt Nam và Pháp quyết tâm đưa các khuôn khổ hợp tác giữa hai nước, từ chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng đến kinh tế - thương mại - đầu tư, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa... tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn, đồng thời thích ứng với những chuyển biến trong khu vực và trên thế giới. Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Ngoại giao và 10 năm thiết lập Đối tác chiến lược trong năm 2023, hai Bên nhất trí cùng xây dựng kế hoạch hằng năm với những nhiệm vụ cụ thể, nhằm đưa quan hệ Việt Nam - Pháp phát triển lên tầm cao mới.
Về quan hệ song phương Việt Nam – Anh, mặc dù phải tập trung cho Hội nghị COP26 nhưng Anh đã dành cho Thủ tướng và đoàn Việt Nam sự đón tiếp trọng thị với các nghi thức lễ tân cao, bày tỏ coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam, mong muốn làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam. Đặc biệt, Anh đánh giá cao sự tham gia tích cực của Việt Nam tại COP26 và bày tỏ rất ấn tượng trước các cam kết mạnh mẽ mà Việt Nam đưa ra tại Hội nghị, coi đây là sự ủng hộ vai trò Chủ tịch COP26 của Anh, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu về ứng phó biến đổi khí hậu. Lãnh đạo hai bên đã thống nhất những định hướng lớn để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực cả song phương và đa phương.
Các cuộc tiếp xúc của Thủ tướng Chính phủ nhân dịp Hội nghị COP26 cũng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các đối tác, đưa quan hệ hợp tác với các nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, góp phần tích cực củng cố cục diện đối ngoại vững chắc và thuận lợi cho giữ vững hoà bình, ổn định và phát triển đất nước. Chuyến công tác của Thủ tướng đã mở ra nhiều cơ hội để chúng ta tăng cường hợp tác với các nước, các đối tác về tài chính, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực để hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nước đã đề xuất các định hướng hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực, đồng thời đánh giá cao và khẳng định sẽ đồng hành, hợp tác với Việt Nam trong thực hiện những cam kết mạnh mẽ tại COP26 để phát triển bền vững, góp phần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu mà Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ đã củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại rất sôi nổi sau một thời gian bị ảnh hưởng, gián đoạn do đại dịch COVID - 19. Thông điệp xuyên suốt của Thủ tướng là Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh dài hạn ở Việt Nam. Đặc biệt, thông điệp của Thủ tướng về việc Việt Nam sẽ chuyển mạnh sang mô hình phát triển xanh, bền vững, giảm phát thải được nhiều nhà đầu tư hoan nghênh, quan tâm. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao sự ổn định chính trị của Việt Nam, quyết tâm và khát vọng mạnh mẽ của lãnh đạo và người dân Việt Nam trong quá trình phát triển nói chung và chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững nói riêng, đánh giá Việt Nam là một trong số ít các nước có tiềm năng lớn nhất về năng lượng tái tạo. Lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp đánh giá cao Chính phủ đã có các biện pháp mạnh mẽ, kịp thời để kiểm soát dịch bệnh và tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất trước tác động của COVID-19. Các tập đoàn, doanh nghiệp khẳng định cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, dành các nguồn vốn và công nghệ cao để đồng hành với Việt Nam đưa kinh tế khởi sắc và đón bắt các xu thế phát triển mới, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, y tế, cơ sở hạ tầng…
Hợp tác y tế và công tác ngoại giao vaccine, vận động các đối tác hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh là một trọng tâm của chuyến công tác lần này của Thủ tướng. Với thông điệp hướng tới quan hệ hợp tác chiến lược lâu dài trong lĩnh vực y tế, Thủ tướng đã có hàng loạt cuộc làm việc, giúp củng cố quan hệ và thúc đẩy nhanh các dự án hợp tác cụ thể giữa Việt Nam và các cơ chế, tập đoàn, tổ chức nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực y tế, dịch tễ học, góp phần giúp Việt Nam phát triển công nghiệp dược, nâng cao năng lực y tế, bảo đảm an ninh y tế một cách bài bản, căn cơ. Đặc biệt, chuyến công tác của Thủ tướng thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Pháp về y học và dịch tễ học lên mức cao hơn, thiết thực, hiệu quả, thực chất hơn, trên cơ sở truyền thống hợp tác có lịch sử hàng trăm năm trong lĩnh vực này và y tế được xác định là một trong những trụ cột trong tổng thể hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp. Nhân dịp này, nhiều đối tác quốc tế công bố hỗ trợ thêm, đẩy nhanh tiến độ bàn giao và ký kết các thỏa thuận mới về cung ứng vaccine COVID-19 cũng như trang thiết bị, vật tư y tế… cho Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ có nhiều hoạt động khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài - bộ phận không thể tách rời và là một động lực phát triển của đất nước. Thủ tướng trân trọng cảm ơn, biểu dương cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã luôn nêu cao tinh thần đoàn kết vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên, khẳng định mình, đóng góp cho các nước sở tại, đồng thời có nhiều đóng góp cụ thể, thiết thực, hướng về quê hương, đất nước, nhất là trong phòng chống dịch bệnh COVID-19. Về những đề xuất kiến nghị của kiều bào, Thủ tướng đã giao các Bộ ngành nghiên cứu, giải quyết theo quy định của pháp luật, tạo thuận lợi nhất cho bà con. Nhân chuyến công tác này của Thủ tướng, với tất cả tình cảm, tấm lòng hướng về quê hương đất nước, kiều bào ta ở châu Âu, các cơ quan, đơn vị đã gửi tới Thủ tướng và Đoàn công tác các vật tư, các trang thiết bị y tế cùng tiền mặt để ủng hộ, hỗ trợ đất nước phòng chống đại dịch COVID-19.
Điểm chung được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi trao đổi với các đối tác, bạn bè quốc tế, kiều bào, các cơ quan đại diện ngoại giao là thông điệp về yêu cầu đoàn kết, chung tay giải quyết các vấn đề, càng khó khăn, phức tạp càng phải đoàn kết và nỗ lực; người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực của mọi chính sách và hành động; các hoạt động hợp tác cần đồng bộ về thể chế, nhân lực, tài chính, công nghệ và năng lực quản trị.
Dư luận quốc tế đánh giá rất cao chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Báo chí quốc tế quan tâm nhiều tới chuyến đi, dành cho đoàn Việt Nam những lời khen vì sự mạnh mẽ, nhiều năng lượng của Người đứng đầu Chính phủ với những cam kết, thỏa thuận thể hiện vị thế, uy tín của Việt Nam. Nhiều ý kiến của các nhà bình luận quốc tế đánh giá hoạt động của Thủ tướng Việt Nam là tích cực, hiệu quả hàng đầu trong các đoàn đến Hội nghị COP26. Rất nhiều lãnh đạo, nguyên thủ trên thế giới bày tỏ sự ngưỡng mộ Việt Nam vì sự chủ động, linh hoạt, hiệu quả và tầm nhìn chiến lược, nhiều hoạt động nổi bật, đem lại thêm những cơ hội lớn để phát triển đất nước.
Với chương trình làm việc dày đặc, nội dung làm việc phong phú, kết quả đạt được toàn diện, cụ thể, thiết thực, có thể nói, chuyến công tác của Thủ tướng đã thành công ngoài mong đợi. Cùng với các hoạt động đối ngoại gần đây của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, chuyến công tác của Thủ tướng tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò ngày càng quan trọng của đất nước trên trường quốc tế, khẳng định Việt Nam tự tin tiếp tục đẩy mạnh công cuộc hội nhập và phát triển đất nước sau khi cơ bản kiểm soát được đợt bùng phát dịch lần thứ 4 dù gặp những khó khăn, thách thức lớn hơn nhiều so với các đợt dịch trước, càng khó khăn, thách thức càng nỗ lực, phấn đấu vươn lên, vượt qua, khẳng định và trưởng thành. Chuyến công tác góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối ngoại, củng cố niềm tin của bạn bè, đối tác quốc tế và nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài về chủ trương, đường lối, chính sách và tương lai phát triển của Việt Nam, khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; đóng góp vào xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.