(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đánh giá chính xác tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, những kết quả đạt được, nhất là những kết quả đột phá, những tồn tại, hạn chế, trì trệ, yếu kém; đưa ra những định hướng, giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới.
Sáng ngày 15/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012.
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh, thành phố, trụ sở các bộ, cơ quan Trung ương.
Cùng dự Hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga.
Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các địa phương, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, đại diện một số doanh nghiệp, HTX, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà kinh tế…
Đây là sự kiện quan trọng nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, từ đó đưa ra những định hướng, giải pháp phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn mới. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX và các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành tổ chức tổng kết Nghị quyết 13-NQ/TW và Luật HTX trong ngành, lĩnh vực và địa bàn một cách khẩn trương, nghiêm túc, hiệu quả.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận và làm rõ một số nội dung quan trọng.
Thứ nhất, đánh giá khách quan, cụ thể tình hình thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW và Luật HTX năm 2012; chỉ rõ những kết quả đã làm được, những nội dung chưa làm được và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; rút ra các bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng thể chế, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, kỷ luật, khen thưởng.
Thứ hai, đánh giá chính xác tình hình phát triển kinh tế tập thể, HTX, kết quả đạt được, nhất là những kết quả đột phá, những tồn tại, hạn chế, nhất là những trì trệ, yếu kém; phân tích, dự báo tình hình trong nước, quốc tế và các cơ hội cũng như thách thức đối với lĩnh vực phát triển kinh tế tập thể, HTX trong thời gian tới.
Thứ ba, xác định bối cảnh phát triển mới, những yếu tố ảnh hưởng, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong thời gian tới.
Thứ tư, đề xuất những định hướng chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX; các đề xuất sửa đổi, bổ sung cụ thể để đáp ứng được yêu cầu phát triển của kinh tế tập thể, HTX và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung phân tích, mổ xẻ các vấn đề về hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, xây dựng thương hiệu, phát triển vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học và công nghệ, huy động nguồn vốn, nâng cao năng lực quản trị, vấn đề bao bì, mẫu mã, thị trường…
"Đây là nội dung khó và liên quan đến nhận thức, cách làm, nguồn lực, tác động đến nhiều đối tượng, nhất là công tác quản lý và quyền, lợi ích trực tiếp của người dân. Do vậy, đề nghị các đồng chí phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, nhất là thực tiễn tại các địa phương, cơ quan, đơn vị thảo luận kỹ, góp ý đi thẳng vào các vấn đề chính", Thủ tướng đề nghị.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, cùng với quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực kinh tế tập thể đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, trong đó có những thuận lợi và khó khăn, thách thức nhất định. Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình HTX kém hiệu quả sang mô hình HTX tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Khu vực kinh tế tập thể với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, trong đó nòng cốt là HTX là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước.
Luật HTX năm 2012 là khung pháp lý cơ bản cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của khu vực HTX. Các HTX bước đầu thể hiện chuyển biến về chất lượng, hiệu quả, chứng tỏ ngày càng rõ nét hơn vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, cho thấy những tín hiệu mới trong công cuộc phát triển HTX.
Đến ngày 31/12/2021, cả nước có trên 27.000 HTX, gấp 2,5 lần so với năm 2001 và tăng khoảng 41% so với năm 2013; khu vực HTX thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động.
Doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng dần qua các năm. Năm 2020, doanh thu bình quân đạt 4,3 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 314 triệu đồng/HTX, tương ứng tăng 61% và 88% so với năm 2013 .
Những năm gần đây, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX tăng và ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp, từ mức 44,6 triệu đồng/người/năm, bằng 44,8% mức thu nhập của lao động trong khu vực doanh nghiệp năm 2017 đã tăng lên 52,8 triệu đồng/năm và đạt 47,3% tương ứng năm 2019.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn không có chỗ đứng, không có khả năng cạnh tranh và không thể tồn tại. Vì vậy, hợp tác là con đường tất yếu để cùng phát triển.