Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Singapore

P.V (tổng hợp)| 08/02/2023 21:56
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chiều ngày 8/2, chuyên cơ đưa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân Lê Thị Bích Trân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay Changi, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Singapore từ ngày 8-10/2.

Chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore phát triển năng động, mạnh mẽ trên các lĩnh vực. Năm 2023 này, hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.

Hai nước duy trì thường xuyên, hiệu quả các cuộc trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp; hợp tác quốc phòng-an ninh được thúc đẩy; các lĩnh vực khác như giáo dục, văn hóa, du lịch... cũng được củng cố, thúc đẩy bằng những văn bản thỏa thuận, bản ghi nhớ cụ thể, thực chất.

Hai nước hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông; thúc đẩy hợp tác tại các tổ chức, diễn đàn đa phương (Liên Hợp Quốc, ASEAN, APEC...) và các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương cả hai nước cùng tham gia, ký kết (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Đặc biệt, kinh tế là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Hiện nay, Singapore là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam ở khu vực. Tổng kim ngạch thương mại năm 2022 đạt khoảng 9 tỷ USD, tăng 10,1% so với năm 2021. Singapore giữ vững vị trí dẫn đầu trong ASEAN và thứ 2/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 3.032 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 70,39 tỷ USD. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Singapore - Ảnh 3.

Cộng đồng người Việt Nam tại Singapore chào đón Thủ tướng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam - Ảnh: VGP

Các Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) là biểu tượng hợp tác kinh tế giữa hai nước với 12 khu VSIP tại 9 tỉnh, thành ở Việt Nam với tỉ lệ lấp đầy cao (khoảng 83,2%), thu hút được 17,6 tỷ USD tổng vốn đầu tư cho khoảng 900 dự án, tạo gần 300.000 việc làm.

Trong các chuyến thăm cấp cao gần đây, lãnh đạo hai bên đã nhất trí về một số phương hướng hợp tác lớn, phù hợp với thời đại công nghiệp 4.0, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, chuyển đổi số, kết nối chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững, hợp tác theo chuỗi trong sản xuất. 

Chuyến thăm nhằm khẳng định đưa hợp tác kết nối kinh tế Việt Nam-Singapore lên tầm cao mới trong bối cảnh một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có sự tham gia của Việt Nam và Singapore có hiệu lực và đi vào triển khai, trong đó có CPTPP và RCEP.

Ngay trong chiều ngày 8/2, trong chương trình chuyến thăm chính thức Singapore, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp gỡ thân tình với bà con kiều bào và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore.

Theo thông tin từ cuộc gặp mặt, cộng đồng người Việt Nam tại Singapore có khoảng 10.000 người, là cộng đồng trẻ, đa phần là trí thức và lao động, có ý thức tốt trong chấp hành các quy định của Nhà nước Việt Nam và pháp luật sở tại, luôn hướng về quê hương đất nước, thực sự là cầu nối cho quan hệ hai nước.

Cộng đồng chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Singapore khá đông đảo, gồm du học sinh, sinh viên, trí thức, nghiên cứu sinh. Thời gian qua, cộng đồng tri thức Việt Nam tiếp tục khẳng định được vị trí tại nước sở tại, đồng thời có nhiều sáng kiến và tham gia hoạt động thiết thực trong việc gắn kết, hỗ trợ và phát triển cộng đồng, nổi bật là nhóm Hành trình Việt do PGS.TS Vũ Minh Khương làm đại diện với tập hợp các trí thức, giáo sư giảng dạy tại một số trường đại học có tiếng tại Singapore.

Về hoạt động kinh tế, hiện hàng ngày có khoảng 20 chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam và Singapore kết nối hai nước. Một số doanh nghiệp Việt Nam hoạt động thành công ở Singapore, nổi bật nhất là Petrolimex chỉ có vài chục người ở Singapore nhưng hoạt động hiệu quả, đạt doanh thu 3,6 tỷ USD; ngoài ra có đại diện của FPT, Vietcombank…

Doanh nghiệp Việt Nam lớn nhất đang tham gia phân phối hàng Việt Nam tại Singapore là Saigon Coop, là đối tác của tập đoàn Fair Price sở hữu chuỗi bán lẻ lớn nhất Singapore với hơn 146 siêu thị và 160 cửa hàng tiện ích. Đến nay Saigon Coop và các doanh nghiệp Việt Nam khác đã đưa được khoảng 650 mặt hàng vào hệ thống siêu thị của Singapore.

Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng cho biết, Đại sứ quán luôn nỗ lực làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó thúc đẩy mở rộng xuất khẩu các mặt hàng, nhất là nông sản, sang thị trường Singapore; tích cực xúc tiến thương mại, kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước; tích cực quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng được quan tâm thúc đẩy, bước đầu mang lại kết quả tích cực. Những năm gần đây, Đại sứ quán đã hướng dẫn Ban Liên lạc cộng đồng tìm phương án phù hợp, thiết thực nhằm thúc đẩy công tác dạy và học tiếng Việt. Dịp Tết vừa qua, Đại sứ quán phối hợp với Ban liên lạc cộng đồng tặng quà, động viên những người Việt Nam chưa có điều kiện về thăm gia đình, quê hương.

Đại diện bà con Việt kiều bày tỏ rất vui mừng trước chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ tới Singapore sau gần 5 năm và cũng là hoạt động mở màn cho các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Singapore trong năm nay. Bà con tin tưởng kết quả chuyến thăm sẽ tạo xung lực mới thúc đẩy hợp tác ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng, thực chất, hiệu quả giữa hai nước, hai dân tộc trên các lĩnh vực.

Bà con cũng bày tỏ vui mừng, tự hào trước những thành tựu phát triển trên mọi lĩnh vực và hội nhập của đất nước thời gian qua, vị thế, uy tín của đất nước ngày càng cao; nêu một số đề xuất, kiến nghị liên quan tới việc dạy, học, tôn vinh tiếng Việt, đẩy mạnh kết nối và phát huy vai trò của cộng đồng trí thức Việt Nam, cấp thẻ căn cước công dân, vấn đề dịch chuyển lao động giữa hai nước…, với mong muốn được tạo thuận lợi hơn nữa cho việc sinh sống, học lập, làm việc tại Singapore và đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.

PTS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) cho biết, cộng đồng người Việt và phía Singapore, trong đó có các doanh nghiệp rất háo hức, nóng lòng được gặp Thủ tướng và kỳ vọng rất lớn vào chuyến thăm sẽ tạo ra dấu ấn, nền tảng thúc đẩy trong quan hệ hai nước trong 10 năm tới và 50 năm tới. Trong bối cảnh nhiều biến động, hợp tác giữa hai nước được kỳ vọng sẽ trở thành hình mẫu với niềm tin chiến lược để cùng giải quyết các thách thức trong tương lai.

Dự kiến trong chuyến thăm này, hai bên sẽ tiến tới thiết lập "Quan hệ đối tác Kinh tế số-Kinh tế xanh Việt Nam-Singapore". TS. Vũ Minh Khương cho biết, Singapore mới chỉ thiết lập quan hệ này với một số đối tác rất chọn lọc và tiềm năng rất lớn.

TS. Vũ Minh Khương cũng bày tỏ tin tưởng, kỳ vọng lớn vào mục tiêu mà Đảng ta đã xác định là tới năm 2045, Việt Nam là nước phát triển. Ông nhắc lại chiến thắng Điện Biên Phủ khi một dân tộc đói nghèo chỉ sau 9 năm làm nên chiến thắng khiến thế giới kinh ngạc, khẳng định tinh thần và sức mạnh của một dân tộc "trên dưới một lòng, muôn người như một". Ông cho rằng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần Điện Biên Phủ trong thời gian tới, xây móng đắp nền để đất nước ngày càng phát triển hùng cường, thịnh vượng.

Phát biểu với bà con người Việt và cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện, nhân dịp đầu Xuân Quý Mão, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển đến những tình cảm ấm áp, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp tới cộng đồng người Việt tại Singapore, mong muốn và tin tưởng đây luôn là một cộng đồng sáng tạo, đổi mới, phát huy truyền thống, bản sắc Việt Nam và thúc đẩy vai trò cầu nối giữa hai nước.

Thủ tướng nhắc lại truyền thống hào hùng, oanh liệt, đáng tự hào của dân tộc là không khuất phục trước bất kỳ kẻ thù, khó khăn, thách thức nào. Ông cho biết, vượt qua những khó khăn của đất nước khi trải qua nhiều năm chiến tranh khốc liệt, bị bao vây, cấm vận, sau hơn 36 năm đổi mới, Việt Nam hiện có nền kinh tế quy mô 409 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.110 USD.

Thông báo về một số điểm nổi bật của tình hình trong nước, Thủ tướng cho biết năm 2022 trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế-xã hội phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, tạo nền tảng cho năm 2023.

'Hợp tác Việt Nam-Singapore được kỳ vọng trở thành hình mẫu trong giai đoạn mới để giải quyết các thách thức' - Ảnh 6.

Thủ tướng: sau hơn 36 năm đổi mới, Việt Nam hiện có nền kinh tế quy mô 409 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.110 USD - Ảnh: VGP

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn (thu-chi, xuất-nhập khẩu; bảo đảm lương thực-thực phẩm; đủ năng lượng cho sản xuất, tiêu dùng; thị trường lao động phục hồi nhanh) được bảo đảm. Quốc phòng-an ninh được giữ vững, môi trường chính trị ổn định, an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện.

Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Vị thế và uy tín quốc tế của đất nước được nâng cao; giải ngân vốn FDI năm 2022 trên 22 tỷ USD, cao nhất trong nhiều năm vừa qua.

Có được những thành tựu đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế và sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kiều bào ta ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng Việt Nam tại Singapore. 

Thủ tướng cho biết quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua phát triển rất tốt đẹp trên các lĩnh vực. Singapore giữ vững vị trí dẫn đầu trong ASEAN và thứ 2/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 3.032 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 70,39 tỷ USD. Năm 2022, trong 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn lên đến 6,46 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng FDI vào Việt Nam trong năm.

Thủ tướng cho biết cá nhân ông và Thủ tướng Lý Hiển Long đã gặp nhau 4 lần từ tháng 4/2021 tới nay. Trong chuyến thăm lần này, ông dự kiến sẽ trao đổi với Lãnh đạo Singapore về các phương hướng và biện pháp cụ thể nhằm tăng cường tin cậy chính trị, nâng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược thông qua việc làm sâu sắc các trụ cột hợp tác, đặc biệt là trụ cột kinh tế; mở rộng các khu công nghiệp VSIP để thu hút đầu tư và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân; thúc đẩy triển khai các lĩnh vực mới, quan trọng như đổi mới sáng tạo, kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh…

'Hợp tác Việt Nam-Singapore được kỳ vọng trở thành hình mẫu trong giai đoạn mới để giải quyết các thách thức' - Ảnh 8.

Thủ tướng và Phu nhân chụp ảnh lưu niệm cùng bà con kiều bào Singapore - Ảnh: VGP

Qua các báo cáo và phát biểu, Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực hội nhập và phát triển của cộng đồng tại Singapore; tin tưởng cộng đồng người Việt sẽ lớn mạnh, phát triển hơn nữa; đồng thời chia sẻ với bà con về những khó khăn, vất vả trong thời gian đại dịch COVID-19.

Thời gian qua, bà con qua đã đoàn kết, phát huy truyền thống "tương thân tương ái", giúp đỡ nhau vượt qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn để ổn định cuộc sống. Đồng thời, với tinh thần yêu nước, "uống nước nhớ nguồn", luôn hướng về nguồn cội, quê hương, bà con đã tích cực đóng góp cho đất nước, đặc biệt trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đây là những nét đẹp truyền thống và quý báu của dân tộc Việt Nam chúng ta dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.

Đảng và Nhà nước luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt tại Singapore, là một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những thành tựu trong phát triển đất nước ngày nay đều có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng hơn 5,3 triệu bà con người Việt Nam ở hơn 130 quốc gia trên thế giới, trong đó có cộng đồng tại Singapore.

Thời gian tới, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, tôi cũng đề nghị bà con tiếp tục phát huy tinh thần tương thân tương ái, tiếp tục nâng cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn; nêu cao lòng tự hào dân tộc, kiên cường, bất khuất, tự tin, nỗ lực phấn đấu vươn lên, hội nhập tích cực, tuân thủ pháp luật và đóng góp cho phát triển ở sở tại; luôn hướng về quê hương, đất nước và làm tốt vai trò cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và Singapore.

Thủ tướng mong cộng đồng người Việt tại Singapore, trong đó có các chuyên gia, trí thức Việt kiều, chủ động có những đóng góp thiết thực, hiệu quả về trí tuệ, chất xám, nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; hiến kế cho việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Singapore, nhất là trong các lĩnh vực Singapore có thế mạnh như đổi mới sáng tạo, công nghệ số, tài chính…

Thủ tướng chia sẻ, ghi nhận những trăn trở, tâm tư, nguyện vọng, trả lời cụ thể về các đề xuất của bà con và cho biết sẽ giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung tổng hợp, nghiên cứu, sớm có giải pháp phù hợp tinh thần kịp thời, thấu đáo.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Singapore
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO