Thúc đẩy thanh toán không tiền mặt: Phải từ nhận thức

Linh Ly| 27/08/2020 11:08
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thanh toán không dùng tiền mặt tới người dân.

Thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều tiện ích ngày càng trở nên phổ biến, nhất là trong những ngày đại dịch Covid-19 bùng phát. Nhưng một bộ phận người dân vẫn còn e dè với phương tiện thanh toán mới và vẫn còn lo ngại về an ninh an toàn trong thanh toán. Sự bùng nổ số lượng các công ty công nghệ, các công ty Fintech và cả các tổ chức phi ngân hàng trong lĩnh vực thanh toán và sự xuất hiện mạnh mẽ nhiều phương thức thanh toán mới cũng đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý nhà nước.

Covid-19 thúc đẩy thanh toán không tiền mặt

“Đại dịch Covid-19 đã giáng đòn nặng nề vào nền kinh tế, tác động xấu đến tất cả mọi ngành nghề. Nhưng Covid-19 cũng có tác động tích cực, đó là nó thúc đẩy sự tái phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển công nghệ và quy trình làm việc mọi thứ chuyển sang mô hình online và công nghệ hóa. Covid-19 cũng ép các DN phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Lĩnh vực thanh toán cũng có bước thay đổi mạnh mẽ khi thanh toán không dùng tiền mặt gia tăng”, TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Diễn đàn: Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg- Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong DN do Tạp chí Diễn đàn DN tổ chức ngày 26/8 tại Hà Nội.

Người dân xếp hàng trả tiền bằng ví MOMO tại cây xăng Nghĩa Tân, Cầu Giấy

Theo số liệu từ Vụ Thanh toán thuộc NHNN Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2020 đã có 200 triệu giao dịch thanh toán qua Internet với giá trị khoảng 12,9 triệu tỷ đồng, tăng 36% giá trị so với cùng kỳ 2019. Số lượng giao dịch qua điện thoại di động lên tới 472 triệu giao dịch (bằng 178% so với năm 2019) với giá trị khoảng 4,9 triệu tỷ đồng (bằng 177% so với năm 2019).

Dẫn thêm số liệu cho thấy tốc độ gia tăng của thanh toán không tiền mặt, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020 hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN đã xử lý khoảng 69,2 triệu giao dịch, với giá trị xấp xỉ 50 triệu tỷ đồng (tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2019). Cũng trong 6 tháng đầu năm 2020, Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đã xử lý gần 498 triệu giao dịch đạt giá trị 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 72,4% về số lượng và tăng 102,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Hệ thống ATM, POS tiếp tục hoạt động ổn định, được các ngân hàng quan tâm đầu tư. Tính đến cuối tháng 6/2020, toàn quốc có hơn 19.570 ATM và 266.310 POS. Đến cuối tháng 6/2020 đã đạt khoảng 93,7 triệu tài khoản cá nhân (tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2019).

Tốc độ gia tăng của thanh toán không tiền mặt còn được thể hiện qua việc ngày càng có thêm nhiều sản phẩm và phương thức thanh toán điện tử mới, như chuyển tiền trực tuyến 24x7 qua Mobile banking, thanh toán qua ứng dụng Mobile banking/Ví điện tử hay thanh toán tại cửa hàng/trên Website bán hàng qua mã QR...

Cần nâng cao nhận thức về thanh toán không tiền mặt

Tuy nhiên, theo TS. Vũ Tiến Lộc, “thanh toán không dùng tiền mặt chưa phát triển như kỳ vọng” khi mà 80% chi tiêu hàng ngày vẫn sử dụng tiền mặt. Sở dĩ như vậy do một bộ phận người dân vẫn còn e dè với phương tiện thanh toán mới và vẫn còn lo ngại về an ninh an toàn trong thanh toán. Bên cạnh đó cũng còn nhiều DN chưa quan tâm đúng mức đến thanh toán không dùng tiền mặt. Một nguyên nhân nữa đang làm cho thanh toán không dùng tiền mặt chưa thể mở rộng như kỳ vọng đó là vẫn còn trở ngại pháp lý và thủ tục giấy tờ về thanh toán số, thanh toán điện tử; vẫn còn thiếu sự phù hợp giữa các quy định về chứng từ điện tử hiện hành và tính chất đặc thù của những chứng từ điện tử phát sinh trong các giao dịch số.

 

Cho biết mục tiêu Chính phủ đặt ra là đến năm 2025 thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử sẽ đạt 50%, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Khi dịch Covid-19 chưa đi đã quay lại thì tư duy của chúng ta buộc phải biến đổi gấp đôi, biến đổi một cách nhanh nhất có thể bởi thế giới sẽ khác đi rất nhiều. Do đó cần chuẩn bị tâm thế và nền tảng cho việc vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế sau khủng hoảng là việc cần làm ngay trong những tháng tới đây; trong đó cần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Với thực tế và những tồn tại, thách thức trong việc thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, ông Lê Anh Dũng cho biết, NHNN đã đề ra phương châm chỉ đạo hoạt động thanh toán thời gian tới theo nguyên tắc lấy khách hàng làm trọng tâm để nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng sức cạnh tranh, lấy ứng dụng công nghệ thành tựu của CMCN 4.0 để tạo sự phát triển bứt phá.

NHNN Việt Nam cũng đã đề ra 7 giải pháp cụ thể. Trước hết là ban hành mới, sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành nhằm hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động không tiền mặt, thanh toán điện tử, đặc biệt là khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó là thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng ACH thế hệ mới, đóng vai trò là nền tảng thanh toán số với hướng tiếp cận mở và đảm bảo kết nối liên thông, hoàn thành kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam theo Tiêu chuẩn thẻ chip nội địa; triển khai Tiêu chuẩn cơ sở QR Code rộng khắp.

NHNN cũng sẽ khẩn trương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, trong đó có quy định việc mở tài khoản thanh toán cá nhân bằng phương thức điện tử (e-KYC), cho phép người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ dàng mở tài khoản, tiếp cận dịch vụ thanh toán qua kênh số, không cần gặp mặt trực tiếp.

Song song với đó, NHNN sẽ thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn bằng những mô hình triển khai mới, giải pháp thanh toán phù hợp, gắn với việc triển khai Chiến lược quốc gia về Tài chính toàn diện.

Tuy nhiên một giải pháp vô cùng quan trọng được các diễn giả nhắc tới đó là phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thanh toán không dùng tiền mặt tới người dân.

Là một người đã hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Mỹ và Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, nỗ lực thúc đẩy thanh toán không tiền mặt sang nền kinh tế không tiền mặt vẫn chưa đạt được điều mong muốn. Chính bản thân ông mỗi khi ra đường cũng không thể không đem theo tiền mặt vì nhiều nơi ăn sáng, ăn trưa, mua đồ chưa dùng được thẻ...

Đồng tình với các giải pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, song TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế thử nghiệm đối với Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending). “Dự thảo cho thử nghiệm chứ không phải là dự thảo văn bản quy định”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Tuy nhiên điều quan trọng nhất theo kinh nghiệm của TS. Nguyễn Trí Hiếu là cần có một chương trình giáo dục cộng đồng về thanh toán không tiền mặt. Chương trình này cần được triển khai từ trong trường học đến các phương tiện truyền thông như nước Mỹ đã từng làm 20 năm trước. “Chúng ta phải làm sao đến năm 2025 thì 40% giao dịch thương mại là thanh toán không tiền mặt, 80% người dân có tài khoản ngân hàng”, TS. NguyễnTrí Hiếu nói.

Theo nhận xét của TS. Vũ Tiến Lộc kể từ tháng 12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, đến nay sau gần bốn năm thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục phát triển tích cực. Cơ sở hạ tầng, công nghệ thanh toán được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt được coi trọng và tăng cường. Các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử được phát triển mạnh, đa dạng. Nhiều phương thức thanh toán mới xuất hiện nhất là thanh toán qua ứng dụng điện thoại di động… đây cũng là minh chứng cho thấy DN Việt Nam đã thích ứng khá tốt trước bối cảnh thay đổi mạnh mẽ.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy thanh toán không tiền mặt: Phải từ nhận thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO